4 giờ trước
Ông Lý Gia Siêu (John Lee), ứng viên duy nhất trong cuộc bầu cử Trưởng đặc khu Hong Kong, đã trở thành lãnh đạo mới của Hong Kong thay bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), sau cuộc bỏ phiếu sáng ngày 8/5.
Các thành viên Ủy ban Bầu cử đại diện cho 7,5 triệu người dân đặc khu Hong Kong đã bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo mới.
Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Gia Siêu đã giành được 1.416 phiếu ủng hộ trong tổng số 1.428 phiếu bầu, vượt con số 750 phiếu cần thiết để đắc cử.
Do cuộc bầu cử Trưởng đặc khu lần này chỉ có một ứng cử viên nên mỗi thành viên Ủy ban bầu cử chỉ cần bỏ phiếu \”ủng hộ\” hoặc \”không ủng hộ\”.
Sinh năm 1957, ông Lý đã làm việc trong ngành cảnh sát Hong Kong suốt 35 năm.
\”Gốc gác ông Lý Gia Siêu là một cảnh sát, một người thực thi pháp luật\”, Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói.
Ông chỉ ra rằng ông Lý giám sát đàn áp các cuộc biểu tình năm 2019 tại Hong Kong, cũng như việc đưa ra luật an ninh quốc gia gây tranh cãi, cấm các hành vi phản quốc, ly khai, hoặc lật đổ chống lại Trung Quốc.
\”Điều này cho thấy rằng Bắc Kinh đặt quan điểm về luật pháp và trật tự là ưu tiên tại Hong Kong.\”
Hong Kong bầu đặc khu trưởng sau mỗi 5 năm.
Kể từ khi trở về với Trung Quốc năm 1997, Hong Kong đã có 4 Trưởng đặc khu gồm Đổng Kiến Hoa, Tăng Âm Quyền, Lương Chấn Anh và Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Giáo sư Steve Tsang của Viện Trung Quốc tại SOAS, London gọi ông Lý là \”người thi hành án của Bắc Kinh\”.
Việc bổ nhiệm ông xác nhận rằng \”Bắc Kinh dự định sẽ có người của mình ở Hong Kong\”.
\”Ông ta từng là một trong những quan chức hàng đầu chịu trách nhiệm biến cảnh sát Hong Kong từ một tổ chức địa phương được tôn trọng thành cơ quan chính phủ bị ghét bỏ nhất và bị coi thường nhất, nền tảng này không cho ông ta nhiều cơ sở quyền lực\”, Tiến sĩ Tsang nói.
\”Điều đó có nghĩa là ông ta không có sự hỗ trợ rộng rãi và phải phụ thuộc Bắc Kinh.\”
Giai đoạn 2012 – 2017, ông Lee làm việc cho Cục An ninh Hong Kong và sau đó được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan này.
Từ tháng 6/2021, ông đảm trách chức Tổng thư ký hành chính, chức vụ cao thứ hai trong chính quyền Hong Kong.
Cảnh sát Hong Kong hôm 11/5 bắt giữ Hồng y Joseph Zen Ze-kiun, cựu Giám mục Hong Kong, với cáo buộc \”thông đồng với thế lực nước ngoài\”.
Cựu thành viên cơ quan lập pháp Hong Kong Margaret Ng, ca sĩ Denise Ho và học giả Hui Po-keung cũng bị bắt giữ cùng ngày.
Họ từng là người được ủy thác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, cơ chế giúp đỡ những người biểu tình chống chính phủ năm 2019. Quỹ này đã ngừng hoạt động.
Tự do trong thành phố
Vậy Hong Kong sẽ như thế nào dưới Lý Gia Siêu?
Trong một bản tuyên ngôn dài 44 trang, ông Lý đã cam kết tăng cường quản trị và giải quyết các vấn đề nhà ở.
Ông cũng đã cam kết ban hành luật để củng cố luật an ninh quốc gia.
Vào tháng 12 năm ngoái, tổ chức truyền thông ủng hộ dân chủ Stand News đã bị cảnh sát đột kích và các nhân viên cấp cao bị bắt giữ. Ông Lý sau đó đã thông báo rằng ông ủng hộ việc này.
Nhiều cơ quan tin tức độc lập khác đã đóng cửa ở Hong Kong.
\”Bất cứ ai cố gắng sử dụng các phương tiện truyền thông như một công cụ để theo đuổi mục đích chính trị của họ hoặc các lợi ích khác, trái với luật pháp, đặc biệt là các hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, họ là những yếu tố xấu xa làm hỏng tự do báo chí\”, ông Lý nói.
Trở lại vinh quang trước đây?
Ông Lý Gia Siêu cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục vị thế của Hong Kong như một trung tâm kinh doanh và tài chính.
Những cuộc biểu tình, đôi khi bạo lực, nổ ra vào năm 2019 làm cho khách du lịch và các nhà đầu tư hoảng sợ.
Các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 đã làm suy giảm nền kinh tế hơn nữa.
Theo Eurocham, 130.000 người đã rời Hong Kong kể từ ngày 1 tháng 2.
Với sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát lâu dài, ông Lý Gia Siêu có gốc gác trái ngược với các trưởng đặc khu trong lịch sử, vốn làm trong kinh doanh và dịch vụ dân sự.
Ông Lý Gia Siêu sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 1/7, cũng là ngày kỷ niệm 25 năm Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc.