Chiến tranh Ukraine: Châu Phi có thể thay thế nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu?

  • Ijeoma Ndukwe
  • BBC Kinh doanh

28 phút trước

\"gas

Các quốc gia châu Phi nằm trong số những nước hy vọng tăng xuất khẩu khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU), sau khi EU cam kết giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga do cuộc xâm lược vào Ukraine.

Việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì họ từ chối thanh toán bằng đồng rouble của Nga là một lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa đối với khu vực dùng đồng tiền chung Euro.

Nga có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu nhiều nhất, chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu của châu Âu.

EU muốn cắt giảm 2/3 nguồn cung vào cuối năm và sẽ trở nên độc lập về tất cả nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.

Tuy nhiên, nhà kinh tế năng lượng Carole Nakhle nói rằng với lượng xuất khẩu gộp lại của của các công ty lớn ở châu Phi trong ngành công nghiệp này – Algeria, Ai Cập và Nigeria – chỉ bằng chưa tới một nửa nguồn cung của Nga cho châu Âu, họ \”vào lúc này khó có khả năng bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào từ nguồn cung của Nga\”.

\”Tin tốt là sẽ có nhiều sự quan tâm hơn từ các quốc gia đã có sẵn nguồn tài nguyên để thay thế cho khí đốt của Nga và châu Phi đang ở vị thế rất thuận lợi. Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều nguồn đầu tư hơn,\” bà nói.

Tuy nhiên, điều này sẽ mất thời gian do các vấn đề hậu cần khác nhau của các nhà xuất khẩu lớn của châu lục này.

Algeria có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách năng lượng của EU. Quốc gia bắc Phi là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và hiện đang tận hưởng cơ sở hạ tầng kết nối khí đốt rất tốt với châu Âu.

\"Xuất
Chụp lại hình ảnh,Xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ châu Phi năm 2020

Tháng trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với Algeria nhằm tăng nhập khẩu khí đốt lên khoảng 40%.

Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên của Italy để tìm nguồn cung thay thế sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, có những lo ngại về khả năng tăng cường công suất của Algeria do tiêu thụ trong nước tăng, đầu tư quá ít vào sản xuất và bất ổn chính trị, Uwa Osadieye, Phó Chủ tịch cấp cao của Equity Research tại FBNQuest Merchant Bank cho biết.

Ông chỉ ra rằng lượng khí đốt xuất khẩu từ Algeria sang châu Âu gần đây giảm mạnh do tranh chấp với Morocco, dẫn tới việc đóng cửa một đường ống dẫn quan trọng tới Tây Ban Nha.

Pier Paolo Raimondi, nhà nghiên cứu năng lượng tại Instituto Affari Internatzionali ở Rome, lặp lại những lo ngại này.

\”Thỏa thuận sẽ cho phép họ khai thác khả năng vận chuyển của đường ống sẵn có và nó có thể dần dần cung cấp khối lượng ngày càng tăng lên đến 9 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2023 và 2024. [Nhưng] chúng ta không biết Algeria có thể tăng sản lượng này nhanh đến mức nào.\”

Bất chấp hạn chế này, thỏa thuận được ca ngợi là bước khởi đầu vững chắc cho Italy, nước mua khí đốt của Nga nhiều thứ hai ở châu Âu.

Các bộ trưởng Italy cũng cũng đã tới Angola và Congo-Brazzaville, nơi họ đồng ý thỏa thuận khí đốt mới và Italy đang để mắt đến các cơ hội ở Mozambique trong nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga đến giữa năm 2023.

Trong khi đó, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng của tây Phi, Nigeria LNG, đã nhận được vô số yêu cầu cung cấp khí đốt từ các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

\"Nigeria
Chụp lại hình ảnh,Nigeria đang bị áp lực tăng sản lượng khí đốt

Hiện tại, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp là ba thị trường đến chủ chốt cho sản phẩm của Nigeria LNG.

\”Có cơ hội để tăng sản lượng. Hiện tại, Nigeria LNG mới chỉ đạt được 72% huy động của nhà máy, có nghĩa là vẫn còn 28% công suất để sử dụng, miễn là họ có thể lấy được khí đốt và đó là thách thức lớn nhất hiện nay,\” nguồn tin cho biết.

Ông trích dẫn vô số vấn đề đang cản trở khả năng đẩy mạnh sản xuất của công ty, bao gồm việc giảm các giếng khí đốt và thiếu kinh phí cho hoạt động đầu nguồn.

\”Chúng là những thứ có thể được khắc phục trong thời gian ngắn – từ 6 đến 18 tháng.\”

Theo Andy Odeh, Tổng Giám đốc Quan hệ Đối ngoại và Phát triển Bền vững của Nigeria LNG, các cuộc thảo luận đang diễn ra với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên để giải quyết những vấn đề này và ông hy vọng sẽ tăng mức sản xuất của LNG \”từ cuối năm nay trở đi,\” ông nói.

Một dự án khí đốt mới của Nigeria LNG, Train 7, sẽ tăng công suất lên 35%, từ 22 triệu tấn hiện tại mỗi năm, vào năm 2025.

Tuy nhiên, các hợp đồng với nhà mua, phần lớn ở châu Âu, đã được thực hiện. Nigeria LNG cũng đang tiến hành các nghiên về tính khả thi cho một dự án bổ sung, Train 8, để thúc đẩy hơn nữa khả năng cung ứng.

Quốc gia tây Phi cũng đóng vai trò quan trọng trong dự án đường ống xuyên Sahara đang bị đình trệ – một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài 4.400km sẽ chạy từ Nigeria, qua Niger đến Algeria.

Nó sẽ kết nối cơ sở hạ tầng đường ống hiện có ở Algeria, nối các quốc gia tây Phi với châu Âu.

Dự án được khởi động vào những năm 1970, nhưng bị gây khó khăn bởi các đe dọa về an ninh, những quan ngại về môi trường và thiếu kinh phí.

Trong một cuộc họp vào tháng Hai, các quan chức khu vực đã cam kết sẽ thực hiện dự án đến cùng.

\"BBC\"/

Tuy nhiên, Kayode Thomas, người đứng đầu Bell Oil & Gas, cho biết một dự án khác – đường ống dẫn khí đốt Nigeria – Morocco, sẽ kết nối cơ sở hạ tầng ở tây Phi với Morocco để đến châu Âu – đang gây thu hút.

\”Chúng tôi vẫn không chắc chắn liệu dự án này sẽ làm giảm sản lượng bán của đường ống dẫn xuyên Sahara hay sẽ song song với nó,\” ông nói.

Dự án, ước tính chi phí 25 tỷ USD và kết nối 13 quốc gia tây và bắc Phi, sẽ được hoàn thành theo từng giai đoạn trong vòng 25 năm.

Bà Nakhle cho biết việc chuyển sang tìm nguồn khí đốt từ châu Phi cũng có thể mang lại lợi ích cho các nước như Tanzania và Mozambique, mặc dù một dự án khổng lồ ở đó do công ty Total của Pháp điều hành hiện đang tạm dừng sau một cuộc tấn công lớn của binh lính Hồi Giáo có căn cứ tại khu vực này.

\”Có tiềm năng rất lớn ở châu Phi, nhưng tôi phải nói rằng nó sẽ rất hạn chế trong ngắn hạn bởi vì các dự án khí đốt cần thời gian để hiện thực hóa,\” bà nói.

Nhưng trong trung và dài hạn, \”bạn sẽ thấy đầu tư lớn hơn để tăng khả năng lấy nhiều khí đốt hơn khỏi lòng đất và mang chúng đến châu Âu\”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment