Đăng ngày: 16/05/2022
Năng lượng đang là một mê hồn trận với nhiều thông tin trái chiều. Chiến tranh Ukraina sẽ đem lại nhiều thay đổi hay không trong lĩnh vực nhậy cảm đó cho tất cả các bên là Nga, Ukraina và đương nhiên là Liên Hiệp Châu Âu ?
Trong gần ba tháng từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, Kiev không ngớt đòi phương Tây cấm vận dầu, khí của Nga, ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Matxcơva nhưng Ukraina vẫn là cửa ngõ đưa năng lượng của Nga vào châu Âu. Kremlin đặt điều kiện, rồi thông báo ngưng cung cấp khí đốt cho các quốc gia « thù nghịch » nhưng vẫn thuê đường ống của Ukraina để đưa khí đốt vào Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles tuy mạnh dạn tuyên bố cấm các tàu chở hàng của Nga cập bến nhưng vẫn mở rộng vòng tay đón các tàu chở dầu của những hãng như Gazprom hay Rosneft.
Khí đốt : Nga và Ukraina vẫn duy trì kênh đối thoại
Mãi đến hôm 11/05/2022, tức hơn hai tháng từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, Kiev qua trung gian tập đoàn quản lý hệ thống trung chuyển khí đốt quốc gia GTSOU mới thông báo ngưng chuyển khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu qua đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraina. Chính xác hơn là đóng cửa Sokhranivka, « cổng vào » trong vùng Lugansk. Đây là nơi « quân Nga đang chiếm đóng ». Công ty khí đốt quốc gia Naftogaz của Ukraina quy trách nhiệm cho Gazprom và Nga « can thiệp » vào các trạm trung chuyển và cả mạng tin học của Ukraina.
Không được báo trước, Liên Âu đã bị hụt hẫng vì quyết định nói trên và đã mất đi thêm một nguồn cung ứng kể từ khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2- đưa năng lượng của Nga sang Đức mà không phải đi qua lãnh thổ Ukraina, bị đình chỉ sau quyết định của Matxcơva đem quân xâm chiếm Ukraina. Sokhranivka là điểm mỗi ngày 32 triệu mét khối khí đốt, tương đương với 1/3 tổng xuất khẩu của Nga được chuyển sang châu châu Âu và chiếm 3% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của toàn khối Liên Âu.
Năng lượng, một lá bùa hộ mạng cho Ukraina
Do phải đóng cửa trạm Sokhranivka tại Lugansk, Ukraina lập tức bù đắp lại bằng cách tăng công suất của đoạn đường ống ở Sudzha cách biên giới với Nga chỉ 8 km. Điều đó cho thấy tuy có chiến tranh, nhưng khí đốt vẫn là sợi dây cột chặt hai quốc gia láng giềng này với nhau.
Kiev cho Nga thuê đường ống để đưa khí đốt của Nga sang châu Âu trong lúc Matxcơva dù không run tay khi cần oanh tạc vào các khu dân cư trên lãnh thổ Ukraina nhưng các khu lắp đặt đường ống dầu, khí của đối phương vẫn khá an toàn. Giám đốc GTSOU, Serguei Makogon không lấy làm ngạc nhiên bởi, từ đầu năm tới nay, Nga thu vào 40 tỷ đô la nhờ bán dầu khí, khí hóa lỏng cho Liên Âu và nguồn thu nhập hàng chục tỷ đô la đó là một dạng « bảo hiểm » cho Ukraina.
Một thí dụ điển hình là đường ống Brotherhood dài 4.000 km đi ngang lãnh thổ Ukraina (đường ống đầu tiên đưa khí đốt của Nga sau châu Âu, hoạt động từ năm 1967) : cuối tháng 3/2022, công suất của đường ống này được nhân lên gấp đôi so với hôm 23/02/2022, tức một ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin quyết định « mở chiến dịch đặc biệt » « giải phóng Ukraina » khỏi ách của một chính quyền phát xít » như ngôn từ của Kremlin sử dụng.
Theo thống kê của tổ chức Entsog, bao gồm các công ty quản lý hệ thống các đường ống dẫn khi đốt của châu Âu, Brotherhood chẳng những vẫn hoạt động bất chấp chiến tranh mà còn hoạt động mạnh hơn so với trước để phục vụ « khoảng một chục thành viên Liên Âu » trong đó bao gồm ba nền kinh tế hàng đầu của khối này là Đức, Pháp và Ý.
Vậy Ukraina có lợi gì hay không khi thúc giục Liên Âu cấm vận dầu khí của Nga ?
Báo Libération hôm 12/04/2022 trích dẫn chuyên gia Pháp về năng lượng Thierry Bros, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, theo ông, trước viễn cảnh chiến tranh Ukraina, Liên Âu đã vội vã tích trữ khí đốt của Nga : trong thời gian từ tháng Giêng đến tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu tăng 39 % và đương nhiên là Ukraina hưởng lợi trong thương vụ này. Mỗi năm nhờ cho Nga thuê các đường ống Kiev thu về khoảng 1,3 tỷ đô la. Bài toán rất đơn giản : nhờ làm chủ các đường ống dẫn khí đốt, mỗi ngày Matxcơva vẫn phải rót cho Kiev 3,5 triệu đô la, một giọt nước so với thu nhập 400 triệu của Nga nhờ xuất khẩu năng lượng cho châu Âu. Thierry Bros kết luận : thế giới mà cấm vận năng lượng Nga Kiev cũng bị thiệt hại nhưng cắt được một nguồn thu nhập hàng trăm triệu đô la của Nga mỗi ngày là điều quan trọng để buộc Matxcơva ngừng cỗ máy chiến tranh. Đây cũng là lập luận được giám đốc hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraina GTSOU đưa ra.
Có điều, từ lâu nay, Nga đã có những bước chuẩn bị để giảm lệ thuộc vào một đối tác là Ukraina. Từ 2019 khi đàm phán lại với Kiev về các hợp đồng thuê đường ống, Gazprom đã giảm mạnh lượng khí đốt chung chuyển qua ngả Brotherhood : đang từ 65 tỷ mét khối/ năm ở thời điểm 2020 nay chỉ còn 40 tỷ mét khối/năm. Cùng lúc, Nga càng lúc trông cậy nhiều hơn vào Nord Stream 1 (xuyên qua biển Baltic, hoạt động từ 2012) hay đường ống Yamal đi ngang qua lãnh thổ Belarus và Ba Lan.
Giơ cao, đánh khẽ
Dù vậy bàn cờ năng lượng giữa Nga-Ukraina và khách hàng quan trọng nhất của Nga tức Liên Âu phức tạp hơn nhiều.
Trước hết trong quan hệ giữa Nga và Liên Âu : Ngày 08/04/2022 Bruxelles thông báo đợt trừng phạt thứ 5 nhắm vào Matxcơva do xâm chiếm Ukraina. Trên nguyên tắc hơn 2.800 tàu chở hàng của Nga bị cấm cập cảng của 27 thành viên châu Âu, ngoại trừ một vài ngoại lệ nếu như đó là tàu chở lương thực, thuốc men hay năng lượng.
Bốn tuần lễ sau, báo Die Welte của Đức ghi nhận các tàu chở dầu của những tập đoàn Nga như Rosneft hay Lukoil vẫn ra vào các hải cảng lớn của Liên Âu « gần như bình thường ».
Theo các số liệu của ngân hành Anh, Lloyd’s, mỗi ngày vẫn có 4,5 triệu thùng dầu, trị giá trên dưới 500 triệu đô la Mỹ rời các cảng của Nga trực chỉ châu Âu. Ngành xuất khẩu dầu hỏa của Nga giữ được nhịp độ này nhờ vào các công ty vận chuyển đường biển của Hy Lạp.
Giới trong ngành ghi nhận : vào lúc mà các nhà môi giới, các tập đoàn dầu hỏa và công ty vận chuyển hàng hải của châu Âu và Mỹ ngừng giao dịch với các đối tác Nga, thì Hy Lạp là một ngoại lệ. Các đường ống dẫn dầu sang châu Âu bị chựng lại trong lúc xuất khẩu bằng đường biển lại « ăn nên làm ra » hơn bao giờ hết, vừa để cung cấp cho thị trường châu Âu, vừa để đưa dầu của Nga sang tận Ấn Độ Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Ngoài Hy Lạp, thì Hungary với lập trường thân Nga của thủ tướng Orban, đang mua dầu khí của Gazprom với giá thấp hơn so với một số thành viên khác trong Liên Âu kém thân thiện với Matxcơva. Budapest không vội trừng phạt Nga để đi tìm một nguồn cung ứng thay thế. Nói cách khác, Liên Âu tỏ quyết tâm giảm lệ thuộc vào dầu khí Nga, nhưng 27 thành viên đều có những tính toán riêng, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Hiềm khích âm ỉ giữa Ukraina và Nga nhưng đôi bên vẫn trong cái vòng luẩn quẩn
Liên hệ giữa Ukraina và Nga càng phức tạp hơn nữa : đây luôn là cái gai trong quan hệ song phương từ khi Liên Xô sụp đổ.
Kremlin đã đòi được thanh toán bằng đồng rúp dù tới nay không mấy được toại nguyện, điều đó không cấm cản châu Âu vẫn mùa vào năng lượng của Nga và còn mua nhiều hơn so với trước. Bất chấp chiến tranh và các đợt trừng phạt của phương Tây, ngành dầu khí của Nga vẫn bình yên vô sự. Ukraina bị bom đạn của Nga tàn phá, các hệ thống đường ống dẫn dầu khí « gần như nguyên vẹn » theo đánh giá của lãnh đạo tập đoàn quản lý hệ thống GTSOU của Ukraina. Bruxelles liên tục tố cáo Nga xem năng lượng như loại vũ khí để khiêu chiến không chỉ với Ukraina mà với toàn Liên Âu, điển hình là quyết định ngưng xuất khẩu khí đốt cho hai thành viên của Liên Hiệp Châu Âu là Bulgari và Ba Lan.
Nhưng châu Âu từ lâu nay vẫn « nghiện » dầu khí của Nga. Serguei Makogon, giám đốc hệ thống quản lý đường ống dẫn khí đốt của Ukraina chỉ trích Liên Âu luôn sợ phải cứng giọng với Gazprom vì biết là mình trong « thế yếu » và tệ hơn nữa, Bruxelles « tự đặt mình vào thế phải lệ thuộc vào dầu, khí của Nga ».
Kiev vẫn chưa « nuốt trôi » chiến thuật của các tập đoàn dầu khí Nga tìm cách giảm lệ thuộc vào mạng đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraina. Nhưng bỏ qua nguồn thu nhập hơn một tỷ đô la một năm đối với Kiev chắc chắn là một quyết định « đau đớn » như chính lãnh đạo GTSOU công nhận. Chỉ cần tinh ý một chút cũng đủ thấy rằng, Serguei Makogon, tuy chỉ trích châu Âu đã mềm yếu với Gazprom để bị Matxcơva o ép nhưng lãnh đạo tập đoàn quản lý mạng đường ống dẫn khí đốt quốc gia Ukraina khéo léo đề nghị đóng cửa hệ thống Nord Stream1. Đó là tuyến đường xuyên qua biển Baltic, làm mất đi trọng lượng và vai trò của Ukraina.
GTSOU cho rằng trong bối cảnh hiện tại, để gia tăng sức ép với Matxcơva, cần đóng cửa Nord Stream 1 và để bù lại, Nga sẽ phải tăng công suất các đường ống đi ngang qua lãnh thổ Ukraina. Năng lượng sẽ là tấm bia đỡ đạn có hiệu quả hơn nữa cho một quốc gia đang bị tấn công. Serguei Makogon trực tiếp nêu lên vấn đề : « Nga mà càng lệ thuộc vào Ukraina để xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, thì khả năng đàm phán của Kiev càng lớn ».
Không chỉ có Liên Âu mà cả Ukraina cũng chưa thể « cai » nghiện dầu khí của Nga. Phía Nga thì cũng không sẵn sàng đóng cửa với Ukraina để mất đi hàng trăm triệu đô la mỗi ngày.