16/05/2022
Một báo cáo Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nhận định rằng cuộc sống người tị nạn tôn giáo Việt Nam tại Thái Lan và Campuchia – đa phần là những người chạy trốn sự đàn áp tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên – rất bấp bênh.
Báo cáo “Tổng quan toàn cầu về người tị nạn chạy trốn sự đàn áp tôn giáo” của USCIRF công bố hôm 12/5 cho biết hiện có gần 1,500 người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan, bao gồm cả những người đã được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế, chưa được cấp quy chế và cả những bị từ chối.
“Phần lớn người Việt tị nạn ở Thái Lan là thành viên của các nhóm Tin lành người Hmong và người Thượng độc lập, những người bị đàn áp vì không chịu từ bỏ đức tin và không chấp nhận tham gia các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát”, USCIRF cho biết.
Các nhóm tôn giáo khác có thành viên phải đi tị nạn sang Thái Lan bao gồm các cộng đồng Hòa Hảo và Cao Đài độc lập, cũng như các nhóm thuộc giáo hội Phật giáo độc lập, bao gồm các Phật tử Khmer-Krom, cũng theo USCIRF.
Thái Lan không phải là quốc gia thành viên của Công ước LHQ về người tị nạn năm 1951 trong khi nước này lại thiếu khung pháp lý để bảo vệ người tị nạn và người xin tị nạn. Do đó, những người dù đã được văn phòng UNHCR ở Thái Lan cấp quy chế tị nạn vẫn có thể bị chính quyền Thái Lan coi là người nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ và đưa về nước, báo cáo cho biết.
“Người Thượng theo đạo Tin lành trốn sang Campuchia cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Trong khi Campuchia là quốc gia thành viên của Công ước về người tị nạn của LHQ, chính phủ Campuchia từ chối cho phép UNHCR tái định cư vĩnh viễn những người Thượng tị nạn sang các nước thứ ba, có thể do áp lực từ chính phủ Việt Nam,” báo cáo USCIRF viết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ của Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về báo cáo này.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam bác bỏ việc đàn áp tôn giáo và cho rằng quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của mỗi công dân luôn “được đảm bảo”.