“Chúng ta đã có kinh nghiệm với Cộng Sản tại Việt Nam, chúng ta không muốn điều đó xảy ra ở đây. Những cái này không thuộc về trường học. Trường học nên dạy học sinh cách suy nghĩ thấu đáo về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, và toán học…,” vị tiến sĩ gốc Việt chia sẻ.
Bị bại liệt lúc 2 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi, được đưa sang Mỹ qua chương trình “Operation Babylift” những ngày cuối cuộc chiến Việt Nam, và ngồi xe lăn suốt đời. Tuy nhiên, tất cả những điều này không thể cản trở Tiến Sĩ Stefan Bean, tên Việt Nam là Lê Thành Nam, trở thành một mẫu người thành công, có gia đình, có bốn người con, và bây giờ ra ứng cử chức tổng quản trị Sở Giáo Dục Orange County trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm 7/6.
Trước khi ứng cử lần này, là lần đầu tiên, Tiến Sĩ Stefan Bean từng làm giáo sư đại học Cal State Dominguez Hills, Carson; hiệu trưởng Cornerstone Academy, Los Angeles; giáo viên, hiệu trưởng, và tổng quản trị Học Khu Aspire Public Schools, Los Angeles.
Sau khi tốt nghiệp trung học Lutheran High School of San Diego, ông lấy bằng cử nhân đại học USC, bằng cao học đại học Loyola Marymount University, và bằng tiến sĩ (doctorate) đại học Cal State Fullerton.
“Tôi bị bại liệt từ lưng trở xuống, cha mẹ bỏ lúc tôi 2 tuổi, rồi người ta thấy tôi ngồi trên lề đường, họ đưa vào trại mồ côi, may mắn đi trong chuyến bay không bị rớt qua chương trình Babylift ngày 6 Tháng Tư, 1975, với tên thật là Lê Thành Nam,” Tiến Sĩ Stefan Bean kể. “Trong danh sách, tôi đi chuyến bay thứ nhất, túi của tôi người ta đã bỏ lên đó rồi. Nhưng không hiểu sao, họ đưa tôi sang chiếc máy bay khác.”
Chiếc máy bay C-5 đó, chuyến bay thứ nhất, cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất được 12 phút thì bị rớt, làm thiệt mạng 141 trong số 149 trẻ mồ côi.
“Nơi đầu tiên tôi đến là San Diego, ở với gia đình ông bà Greg và Judy Bean. Năm năm sau, khi tôi được 7 tuổi, ông bà chính thức nhận tôi làm con nuôi, đổi tên thành Stefan Bean. Ông bà có hai người con, nhận nuôi thêm 10 đứa, như vậy, tôi có 11 anh chị em.”
Tiến Sĩ Stefan Bean cho biết, ông từng trải qua nhiều cuộc giải phẫu, “để người ta bỏ thêm thịt vào chân tôi.”
Trường học của ông không có đủ tiện nghi cho một học sinh khuyết tật, thế là cha mẹ đưa ông vào trường tư để ông có đủ điều kiện học.
Mặc dù không thể chơi các môn thể thao như bóng rổ hoặc bóng chày, cậu bé Stefan không ngồi yên một chỗ.
Ông chọn làm trọng tài cho các trận đấu, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia ban chấp hành hội học sinh, và phát triển khả năng nói tiếng Anh của mình.
Ông trở thành học sinh xuất sắc, được bầu làm trưởng khối lớp 6, và với khả năng ăn nói lưu loát, được đưa đi Washington DC phát biểu, vận động cho quyền lợi người khuyết tật.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được học bổng toàn phần vào học đại học USC, và tốt nghiệp bằng cử nhân.
Tại USC, trong lúc làm việc trong trường, ông gặp cô Janet Soares, người vợ tương lai.
“Tôi xin hẹn đi chơi với cô ba lần, đều bị từ chối. Phải đến lần thứ tư cô mới đồng ý,” Tiến Sĩ Stefan Bean vừa nói vừa đưa ba ngón tay lên.
Hai người hẹn hò nhau một năm, sau khi làm đám hỏi một năm, họ làm đám cưới năm 2000, sau đó có bốn người con với nhau, con gái 19 tuổi đang học USC, con gái 17 tuổi và con trai 14 tuổi đang học trung học Los Alamitos High School, và con gái 11 tuổi học Rossmoor Elementary School.
Năm 2014, Janet Bean, người bạn đời của tiến sĩ, phát hiện bị ung thư, và qua đời năm 2020.
Dù trong cảnh “gà trống nuôi con,” dù vẫn phải ngồi xe lăn, Tiến Sĩ Stefan Bean vẫn làm tròn nhiệm vụ của người cha, chăm sóc các con.
“Cả đời tôi như vậy quen rồi,” ông nói một cách vui vẻ.
Khi được hỏi vì sao muốn làm tổng quản trị Sở Giáo Dục Orange County, Tiến Sĩ Stefan Bean cho biết: “Khi Janet còn sống, tôi có hứa với vợ tôi rằng tôi sẽ bảo vệ con cái không bị tẩy não qua các chương trình giáo dục có dạy về tình dục và thay đổi giới tính.”
“Trường học phải là nơi nâng đỡ học sinh, dạy cho các em tranh đua phù hợp với thế giới ngày nay, chứ không phải dạy những điều người ta muốn dạy, ví dụ như lý thuyết về chủng tộc, giống như chủ nghĩa Marxist,” ông tiếp.“Học sinh phải có cơ hội công bằng để họ trở thành những gì họ muốn”
Ông giải thích thêm: “Chúng ta đã có kinh nghiệm với Cộng Sản tại Việt Nam, chúng ta không muốn điều đó xảy ra ở đây. Những cái này không thuộc về trường học. Trường học nên dạy học sinh cách suy nghĩ thấu đáo về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, và toán học…”
Về chủng tộc, ông Bean nói rõ hơn: “Chúng ta cần nâng đỡ và hiểu thêm sự khác biệt giữa những nền văn hóa, và làm thế nào chúng ta có thể làm việc như là một dân tộc.”
“Lý thuyết về chủng tôi đôi khi đi quá xa, làm cho chúng ta có cảm giác chủng tộc này hơn chủng tộc khác. Chúng ta muốn trân trọng mọi chủng tộc, một cách không thiên vị,” Tiến Sĩ Bean nói thêm.
Tiến Sĩ Bean cũng ủng hộ tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.
Ông nói: “Tất cả cơ hội phải công bằng. Học sinh phải có cơ hội công bằng để họ trở thành những gì họ muốn. Ngay cả trong trường hợp của tôi, tôi cũng được giúp đỡ một chút, và tôi tin như vậy, nhưng không phải là tôi được cơ hội vì màu da của tôi, vì hoàn cảnh của tôi.”
Về chức vụ tổng quản trị hiện nay, Tiến Sĩ Stefan Bean cho biết: “Nếu đắc cử, tôi sẽ làm việc chung với Hội Đồng Giáo Dục để đạt kết quả cho mọi người.”
Theo trang web tranh cử của ông, Tiến Sĩ Stefan Bean được bốn trong năm thành viên Hội Đồng Giáo Orange County chính thức ủng hộ. Ngoài ra, ông cũng được đảng Cộng Hòa Orange County, Nghị Hội Đảng Cộng Hòa Orange County, và một số dân cử và cựu dân cử chính thức ủng hộ.
(Theo Người Việt)