Tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi phát triển nhanh hơn UAV quân sự và dân sự, nhận định đây là vấn đề quan trọng cho thế hệ tiếp theo.
Viện nghiên cứu trên Đài Loan tổ chức loạt chuyến bay thử nghiệm UAV thế hệ mới dựa trên mẫu có thể mang tên lửa không đối đất.
Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn, cơ sở chế tạo vũ khí hàng đầu của Đài Loan, trong hai tuần qua thử nghiệm khả năng bay tầm trung và tầm xa của thiết bị bay không người lái (UAV) Đằng Vân 2.
“Cuộc thử nghiệm có các hạng mục như xem mẫu UAV thế hệ hai có thể bay được bao xa và hoạt động được bao lâu”, một nguồn tin thân cận với cuộc thử nghiệm ngày 17/5 cho biết.
UAV Đằng Vân 2 cất cánh từ căn cứ Giai Sơn của lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan tại huyện Hoa Liên và bay trong gần ba giờ, đáp ứng yêu cầu về năng lực bay cơ bản do cơ quan phòng vệ của hòn đảo đặt ra. “Hiệu suất quang học, khả năng chỉ huy và kiểm soát, khả năng giám sát và các tính năng khác của UAV được thử nghiệm”, nguồn tin cho biết.
Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn dự kiến bắt đầu thử nghiệm tác chiến đối với UAV Đằng Vân 2 vào tháng Sáu và hy vọng có thể lập phi đội tác chiến cùng mẫu MQ-9B Sea Guardians do Mỹ sản xuất.
Tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi phát triển nhanh hơn UAV quân sự và dân sự, nhận định đây là vấn đề quan trọng cho thế hệ tiếp theo. Mỹ tháng 11/2020 duyệt bán 4 UAV vũ trang MQ-9B và các thiết bị liên quan trị giá 600 triệu USD cho Đài Loan.
Các chuyên gia tại Mỹ và Đài Loan đều đánh giá UAV vũ trang có thể hiệu quả trong phòng thủ trước một cuộc tiến công từ đại lục. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
UAV Đằng Vân do Đài Loan phát triển giống mẫu MQ-1 Predator của Mỹ, có thể sử dụng tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire. Nguyên mẫu Đằng Vân 2 là bản nâng cấp với tải trọng lớn hơn, lực đẩy mạnh hơn, hệ thống điều khiển cải tiến và hệ thống điện dự phòng ba lớp.