Cựu cảnh sát hải phận Hồng Kông ra sách kể chuyện vượt biên của dân Việt

May 15, 2022

\"\"
“Along the Southern Boundary” của Les Bird gồm nhiều câu chuyện hãi hùng của thuyền nhân Việt Nam và nhiều hình ảnh khó tin do chính tác giả chụp

Một trong những tàu lớn mà ông Les Bird đưa vào Hồng Kông là tàu Huy Fong có ông Trần Đức, sau này trở thành giám đốc hãng thực phẩm Huy Fong chuyên sản xuất tương ớt Sriracha.

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM) vừa hợp tác với thư viện Santa Ana Library để ra mắt cuốn sách “Along the Southern Boundary” (Dọc Theo Ranh Giới Phía Nam) của tác giả kiêm nhiếp ảnh gia Les Bird.

“Along the Southern Boundary” là cuốn sách tổng hợp nhiều câu chuyện vượt biên hãi hùng với nhiều hình ảnh quý giá của thuyền nhân Việt Nam do ông Les Bird, cựu cảnh sát hải phận Hồng Kông, chụp được trong lúc cứu vớt thuyền nhân hơn 40 năm trước.

Ông Châu Thụy, đại diện VHM, nói: “Cuốn ‘Along the Southern Boundary’ của ông Les Bird là một cuốn tài liệu sống động rất có giá trị. Những câu chuyện mà ông Bird thu thập từ những cựu thuyền nhân và những hình ảnh do chính ông chụp được cũng là những gì mà chúng tôi, thành viên của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, vẫn tích cực thu lượm bấy lâu nay.”

“Một trong những tàu lớn mà ông Les Bird đưa vào Hồng Kông là tàu Huy Fong có ông Trần Đức, sau này trở thành giám đốc hãng thực phẩm Huy Fong chuyên sản xuất tương ớt Sriracha,” ông Châu Thụy cho biết.

\"\"
Trẻ em sống trong trại tị nạn chờ nhận phần ăn mỗi ngày

Ông Les Bird gia nhập cảnh sát hải phận Hồng Kông vào năm 1976, thời gian mà hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam đột ngột đến vùng biển Hồng Kông trên những chiếc thuyền mỏng manh.

Cuốn “Along the Southern Boundary” đầy ắp những câu chuyện, những nhân vật với những ngày tháng mà tác giả không bao giờ quên được.

Sự xuất hiện của tàu Sen On vào năm 1979 đặc biệt lưu lại trong tâm trí của ông Bird.

Ông là sĩ quan cảnh sát đầu tiên đến bãi biển hẻo lánh nơi chiếc tàu chở hàng gỉ sét này, đã được thuyền nhân Việt Nam lái hết tốc lực vào bãi biển sau khi bị thuyền trưởng và thủy thủ đoàn bỏ rơi.

Ông Bird kể: “Ngày 26/5/1979, là một ngày tôi không bao giờ quên được. Cảnh tượng một con tàu khổng lồ đang chạy vòng vòng với tốc độ tối đa, trên đó là 1,400 người tị nạn đang tranh giành một cách tuyệt vọng để nhảy xuống biển trước khi con tàu bị lật, vẫn còn nằm trong tâm trí tôi cho đến ngày nay.”

“Trẻ em cũng nhảy xuống biển. Khi con tàu nghiêng trong con sóng, một số trẻ em, vì sự an toàn của bản thân, đã bị cha mẹ ném lên tàu. Biển đầy những người tuyệt vọng la hét và xô đẩy nhau,” ông tiếp.

Cuốn biên niên sử lịch sử của người Việt tị nạn ở Hồng Kông cũng kể những câu chuyện đau khổ của hàng ngàn người tị nạn trong những năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đó còn là những câu chuyện tuyệt vời về lòng dũng cảm và sự sống sót.

(Theo Người Việt)

Bài Liên Quan

Leave a Comment