Đăng ngày: 19/05/2022
Cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraina đã khiến giá cả hàng trăm loại thực phẩm tăng vọt. Ngân hàng Thế giới thứ Tư 18/05/2022 thông báo sẽ đầu tư tổng cộng 30 tỉ đô la để hỗ trợ bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh Ukraina.
Ngân hàng Thế giới thông báo trong số 30 tỉ đô la đầu tư đó, 12 tỉ được dành làm nguồn vốn cho các dự án mới và hơn 18 tỉ được cấp cho các dự án đã được thông qua, nhưng cho đến nay chưa được cấp vốn. Đa phần nguồn tài chính được dành để hỗ trợ châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung Á và Nam Á.
Theo AFP, các dự án mới liên quan tới việc hỗ trợ nông nghiệp và các biện pháp bảo vệ xã hội nhằm làm giảm các hệ quả của việc giá thực phẩm đối với những người nghèo nhất. Bên cạnh đó còn có các dự án liên quan đến nước và hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Trong thông cáo nói trên, chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhấn mạnh : « Sự tăng giá thực phẩm có tác động tàn phá đối với những người nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất ». Chủ tịch Ngân hàng Thế giới lưu ý là để cung cấp thông tin và ổn định thị trường, điều quan trọng sống còn là các nước ngay từ bây giờ phải có các tuyên bố rõ ràng về việc gia tăng sản xuất, để đối phó với hệ quả từ chiến tranh Ukraina.
Chiến tranh Ukraina khiến xuất khẩu ngũ cốc từ hai nước Nga – Ukraina, vốn là những nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn của thế giới, giảm sút mạnh, khiến thế giới có nguy cơ khan hiếm ngũ cốc, đẩy giá cả tăng mạnh, còn Ấn Độ lại hạn chế xuất khẩu lúa mì khiến giá lúa mì một lần nữa tăng vọt trong vài ngày qua.
Tình hình càng đáng lo trong bối cảnh nhiều nước sản xuất nông nghiệp lớn đang bị hạn hán đe dọa. Ngay cả Pháp, một trong những nước xuất khẩu nhiều lúa mì, cũng dự báo sản lượng vụ thu hoạch tới sẽ giảm. Sản xuất giảm sút khiến kho dự trữ nông phẩm của thế giới cũng giảm, làm dấy lên mối lo ngại về nạn đói tại những nước kém phát triển.
Hồi năm 2021, gần 200 triệu người tại 53 nước đã lâm cảnh mất an ninh lương thực. Các chuyên gia dự báo con số này sẽ còn tăng mạnh do giá ngũ cốc và phân bón đều tăng. Theo Liên Hiệp Quốc, lạm phát cũng có nguy cơ làm cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới thêm nghiêm trọng, nhất là ở châu Phi.