Ukraina: Liên Âu đề nghị một khoản viện trợ mới lên đến 9 tỷ euro

Đăng ngày: 19/05/2022

\"\"
\"\"
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại trụ sở Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 18/05/2022. AFP – JOHN THYS

Thanh Phương

Hôm qua,18/05/2022, Ủy Ban Châu Âu đã đề nghị một khoản trợ giúp tài chính mới cho Ukraina trong năm 2022, với số tiền lên tới 9 tỷ euro, để giúp Kiev khắc phục các hậu quả của chiến tranh. 

Khoản viện trợ mới này được gọi là “trợ giúp tài chính vĩ mô”, mà Liên Hiệp Châu Âu cấp cho các nước láng giềng đang gặp những vấn đề trầm trọng về cán cân thanh toán, bổ sung cho trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Theo thẩm định của IMF, do chiến tranh xâm lược của Nga, thâm hụt cán cân thanh toán của Ukraina lên tới 14,3 tỷ euro. 

Trợ giúp tài chính mới của Liên Hiệp Châu Âu có thể là dưới dạng cho vay trung hạn và dài hạn, dưới dạng trợ cấp, hoặc phối hợp cả hai. Tuy nhiên, khoản trợ giúp này còn cần có sự chấp thuận của Nghị Viện Châu Âu và các nước thành viên Liên Âu. 

Trên mạng Twitter, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh khoản trợ giúp mới của Bruxelles. Theo ông, trợ giúp tài chính này “sẽ giúp Ukraina chiến thắng, vượt qua những hậu quả của cuộc xâm lược của Nga và thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina”.

Vào tuần trước, bộ trưởng Tài Chính Ukraina Serguiï Marchenko nhắc lại chính phủ Kiev thẩm định cần phải có 5 tỷ đôla mỗi tháng để nền kinh tế của nước này tiếp tục vận hành. Ông cũng đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế suy nghĩ về việc tài trợ cho kế hoạch tái thiết đất nước.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua cũng đã nêu lên vấn đề tái thiết Ukraina. Theo bà, kế hoạch này sẽ kết hợp các dự án đầu tư và các dự án cải tổ (chống tham nhũng, bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp… ) để giúp Ukraina tiến đến việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. 

Để tài trợ cho kế hoạch tái thiết Ukraina, Ủy Ban Châu Âu đã nêu lên khả năng một khoản vay chung trong Liên Hiệp Châu Âu, dựa theo kế hoạch phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid. Tuy nhiên, theo AFP, phương án này không được sự đồng tình của một số quốc gia thành viên Liên Âu, đặc biệt là Đức và các nước Bắc Âu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment