Việt Nam hiện vẫn là mục tiêu của khoảng 80% các hành động lấn lướt ở Biển Đông từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc chính là nguồn gốc của những bất ổn ở khu vực Biển Đông trong suốt nhiều thập niên qua nhưng những hành động lất lướt của Bắc Kinh gần như không có liên quan gì đến những đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là kết luận trong một nghiên cứu mới của Cơ quan Nghiên cứu Châu Á (NBR), viện nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.
Trong báo cáo “Động lực của hành vi quyết đoán ở Biển Đông”, nhà nghiên cứu Andrew Chubb tìm hiểu những tranh chấp về chủ quyền ở trên biển và những thay đổi trong hành vi của các quốc gia có những đòi hỏi chủ quyền tích cực nhất ở vùng biển này bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam.
Báo cáo này dựa vào các dữ liệu đánh giá những thay đổi qua từng năm liên quan đến hành vi quyết đoán của ba quốc gia trong giai đoạn từ 1970 đến 2015.
Chuyên gia Chubb xác định bốn loại hành vi quyết đoán mà các quốc gia thực hiện khi theo đuổi các lợi ích của mình ở Biển Đông, từ các tuyên bố khẳng định chủ quyền, công hàm ngoại giao đến những đe doạ trừng phạt và việc sử dụng vũ lực.
Một trong những phát hiện được đưa ra trong báo cáo là sự gia tăng hành vi lấn lướt từ phía Trung Quốc liên tục ở khu vực Biển Đông với bằng chứng là Trung Quốc có các hành động lấn lướt trong phần lớn các năm tính từ năm 1970.
Ngoài ra, các hành động xâm lấn của Trung Quốc, hoặc các hành động liên quan đến đe doạ hoặc sử dụng trừng phạt đã trở nên thường xuyên hơn kể từ sau năm 2007, đó cũng là năm đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mở rộng nhanh chóng của hoạt động tuần tra trên biển của Trung Quốc và các nỗ lực mở rộng các thực thể trên biển.
Các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào hai quốc gia là Philippines và Việt Nam, theo kết quả của nghiên cứu, và thường không phải do mối quan hệ Mỹ – Trung, mặc dù Mỹ (quốc gia không có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông) trong thập niên vừa qua đã lên tiếng nhiều hơn về các hành vi của Trung Quốc ở vùng biển này. Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã gia tăng các hoạt động tự do hàng hải và tập trận tại vùng biển này.
Phản ứng của Hà Nội chủ yếu là các tuyên bố
Nghiên cứu mới cũng rút ra kết luận về lập trường của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngoài Trung Quốc. Theo nghiên cứu, từ những năm 1990, cứ mỗi một hành động được cho là quyết đoán của Hà Nội ở Biển Đông đều liên quan đến những tranh chấp của Hà Nội với Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn là mục tiêu của khoảng 80% các hành động lấn lướt ở Biển Đông từ phía Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, đến năm 2010, sau ba năm gắng gượng với những lấn lướt liên tục từ Bắc Kinh, Việt Nam đã không còn có thể bắt kịp được những hành động lấn át của Trung Quốc nữa và vào khoảng giữa năm 2011, các phản ứng của Việt Nam chủ yếu là các tuyên bố vào khi Hà Nội chuyển trọng tâm sang hướng ngoại giao.
Hành vi của Manila ở Biển Đông, mặt khác, lại rải rác và không nhất quán so với các quốc gia có đòi hỏi về chủ quyền khác, và chủ yếu là các sự việc đơn lẻ hơn là các hành động liên tục.
Các quan ngại nghiêm trọng từ phía Mỹ bắt đầu vào tháng 3/2009 khi tàu khảo sát USNS Impeccable của Mỹ được cho là đã bị tàu dân quân biển của Trung Quốc quấy nhiễu khi đang thực hiện hoạt động nghiên cứu gần đảo Hải Nam ở Biển Đông.
Nghiên cứu cho biết chính sách lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông không bị tác động bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc với chính sách về Mỹ của Trung Quốc chủ yếu bị hâm nóng từ khoảng một thập niên trước khi quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng từ năm 2017.
Tác giả nghiên cứu nói rằng thách thức đối với Washington là tìm ra được phản ứng đối với hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong khi vẫn tiếp tục được coi như là một lực lượng giúp bình ổn khu vực.
“Với thực trạng tăng cường sức mạnh của Trung Quốc đã được dự đoán, điều này chắc chắn có nghĩa là Hoa Kỳ có rất nhiều thách thức nếu họ muốn sử dụng công cụ chính sách để cố gắng ngăn chặn Trung Quốc không thực hiện các hành động lấn lướt” – Chuyên gia Chubb nói.
Tác giả cũng xem xét “ý tưởng cố gắng đối phó với chiến lược của Trung Quốc bằng cách cố tình làm gia tăng nguy cơ leo thang… đã được một số nhà nghiên cứu chính sách đưa ra trong các năm qua.”
Ông Chubb phản đối ý tưởng này và nói rằng một trong những sức mạnh của Mỹ ở khu vực là được xem như là một lực lượng giúp bình ổn. Ông nói:
“Nhìn vào tình hình trong suốt các thập niên qua, rõ ràng là Trung Quốc là nguồn gốc của những bất ổn và sự có mặt của Mỹ nhìn chung là giữ ổn định.
Chiến lược ngăn chặn nên tập trung vào các biện pháp kinh tế như đàm phán thương mại hơn là các hành động và làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự.”
Các nước ASEAN có thể làm hơn nữa để gửi ra một “tín hiệu ngăn chặn rõ ràng nhưng nhẹ nhàng” sẽ khiến Bắc Kinh nhượng bộ hoặc ít nhất khiến họ (Trung Quốc) tiết chế.
(Theo RFA)