Cáo buộc \”diệt chủng\”: Cao ủy Nhân quyền LHQ đến Tân Cương tuần tới

Đăng ngày: 21/05/2022

\"\"
\"\"
Một cuộc biểu tình tố cáo chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, trước nhà Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 26/01/2022, trước dịp Thế Vận Hội Mùa đông Bắc Kinh. REUTERSF – GONZALO FUENTES

Trọng Thành

Chuyến đi đến Tân Cương của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra từ ngày 23/05 đến 28/05/2022. Khu tự trị Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, là nơi Bắc Kinh bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc giam cầm, đàn áp cả triệu người thuộc cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ và một số sắc tộc thiểu số khác.

Tuy nhiên, hai ngày trước chuyến công du, chương trình cụ thể vẫn chưa hề được công bố. Giới bảo vệ nhân quyền cảnh báo, chuyến đi của Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet có thể bị chính quyền Bắc Kinh thao túng. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc không chấp nhận chuyến đi của phái đoàn Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới Tân Cương là một cuộc điều tra, mà chỉ coi như một chuyến viếng thăm \”hữu nghị\”.

Thông tín viên Stephane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :  

‘‘Chuyến đi của nhà lãnh đạo cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ là chuyến đi bị khép kín một phần. Hiện tại vẫn chưa biết những tổ chức xã hội dân sự và cơ sở chính quyền địa phương nào mà bà Michelle Bachelet sẽ có thể được gặp gỡ.  

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đề cập đến các cuộc thảo luận với \”đại diện của giới doanh nhân, giới học thuật, và việc tổ chức hội nghị với các sinh viên ở Quảng Châu\”, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền đông nam Trung Quốc. Đây là nơi phái đoàn của bà, – gồm 5 người đã phải trải qua 17 ngày cách ly dịch tễ tại khách sạn – hiện đang lưu trú (khác với đoàn đã có mặt tại chỗ, bản thân Cao ủy Nhân quyền sẽ không bị cách ly, khi đến Trung Quốc). 

Cuộc trao đổi trực tuyến sẽ diễn ra vào thứ Hai tới với các đại sứ quán nước ngoài tại Trung Quốc, có lẽ sẽ giúp chúng ta có thể hiểu thêm về một chương trình hiện còn đầy ẩn số.  

Liệu bà Michelle Bachelet có cơ hội trao đổi với những người đối thoại với bà \”mà không bị cản trở\” như yêu cầu đã được chuyển đến chính quyền Trung Quốc hay không? Những ai mà Cao ủy Nhân quyền được phép gặp trong chuyến đi của mình ? Liệu cao ủy Nhân quyền có thể nói chuyện với giáo sư lham Tohti, nhà kinh tế học người Trung Quốc và Giải thưởng Nhân quyền Sakharov, người đã bị kết án tù chung thân vào năm 2014 vì bị quy tội theo “chủ nghĩa ly khai”.

Nhiều hiệp hội lo ngại đây sẽ là một chuyến thăm bị bưng bít, bị hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc thao túng, như đã từng xảy ra đối với đoàn khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới tại thành phố Vũ Hán vào mùa đông năm 2021. 

Nỗi hoài nghi tương tự nhắm vào các lãnh đạo phương Tây, những người chưa bao giờ thành công trong việc giúp làm thay đổi các điều kiện của một chuyến đi bị đặt dưới sự giám sát cao độ như thế này. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên Cao ủy Nhân quyền đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2005. \”Bất chấp những khó khăn, chúng ta không thể chống lại một chuyến thăm như vậy, vốn đã được yêu cầu từ nhiều năm nay\”, theo nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu’’. 

Hoa Kỳ lo ngại và \”hoàn toàn không tin tưởng\” vào triển vọng chuyến đi

Về chuyến đi của cao ủy Nhân quyền đến Tân Cương, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết : Washington ‘‘rất lo ngại về triển vọng của chuyến đi sắp tới’’ và tỏ ý \”hoàn toàn không tin tưởng\” là chính quyền Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho phái đoàn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong mọi di chuyển và tiếp xúc ‘‘để có được một đánh giá đầy đủ và trung thực về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương’’. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng kêu gọi Phủ Cao ủy Nhân quyền công bố ‘‘không chậm trễ’’ bản báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương trước chuyến đi.  

Hồi đầu tháng 3/2022, ngay sau khi Phủ Cao Ủy Nhân Quyền thông báo thông tin về việc đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc về chuyến đi đến Tân Cương tháng 5/2022, gần 200 hiệp hội bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đã công bố một bức thư ngỏ, yêu cầu Phủ Cao Ủy Nhân Quyền công bố \’\’không chậm trễ\’\’ báo cáo của cao ủy Nhân quyền Bachelet về Tân Cương, vốn đã được Phủ Cao ủy nhiều lần hứa hẹn công bố.   

Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh, đã liên tục lên án \’\’tội ác diệt chủng\’\’ chống lại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Theo điều tra của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, ít nhất một triệu dân, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và một số cộng đồng thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, đang hoặc đã bị giam cầm trong hàng loạt trại tập trung tại Tân Cương. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment