Nga vừa ngưng cung cấp khí đốt cho Phần Lan – động thái leo thang mới nhất trong các tranh cãi với phương Tây về chi trả cho năng lượng từ Nga.
Công ty Khí đốt Gazprom khổng lồ của Nga xác nhận họ đã hoàn toàn ngừng xuất khẩu khí đốt cho Phần Lan lúc 04:00 giờ GMT sáng thứ Bảy.
Phần Lan nói tất cả nguồn cung từ Nga đã dừng lại, nhưng không có sự gián đoạn nào cho các khách hàng dùng khí đốt.
Helsinki đã từ chối thanh toán cho khí đốt nhập từ Nga bằng đồng rúp. Nhưng quyết định ngưng cung cấp khí đốt cho Phần Lan diễn ra sau khi có thông báo rằng nước này sẽ xin gia nhập khối NATO.
Mặc dù Nga mở cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/2, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu.
Sau khi nhiều nước phương Tây trừng phạt Nga vì cuộc chiến, Nga nói các quốc gia \”không thân thiện\” phải trả cho khoản mua khí đốt bằng đồng tiền của nước này, điều mà EU coi là hình thức hăm dọa.
Sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga là một yếu tố dẫn đến khủng hoảng giá sinh hoạt mà nhiều người tiêu dùng ở châu Âu đang phải đối mặt.
Phần Lan nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga nhưng khí đốt chỉ chiếm chưa đầy 1/10 tổng năng lượng tiêu thụ của nước này.
Hôm thứ Bảy, công ty nhà nước Gasgrid Finland nói trong một thông cáo rằng nguồn cung khí đốt qua điểm dẫn khí Imatra đã ngưng từ hôm 21/5.
Trước đó, công ty năng lượng nhà nước Gasum của Phần Lan mô tả động thái của Nga là \”rất đáng tiếc\”.
\”Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị cẩn thận cho tình huống này và chừng nào không có sự gián đoạn trong mạng lưới dẫn khí, chúng tôi sẽ có thể cung cấp khí đốt cho tất cả các khách hàng trong những tháng tới,\” CEO của Gasum Mika Wiljanen nói trong một thông cáo.
Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn điện Kremlin nói \”rõ ràng là không ai sẽ cung cấp bất cứ thứ gì miễn phí cả\”.
Chủ nhật tuần trước, Nga đã cắt nguồn cung cấp điện cho Phần Lan. Phía Nga đã đe dọa sẽ trả đũa nếu Phần Lan nộp đơn xin nhập khối NATO.
Trong một diễn biến khác, công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft cho biết hôm thứ Sáu rằng cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder thông báo ông sẽ không còn làm việc trong ban quản trị của công ty nữa.
Ông Schröder bị chỉ trích ngày một nhiều từ công chúng vì đã giữ một vị trí nhiều lợi lộc trong công ty Rosneft. Ông đã từ chối chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông coi là bạn, về quyết định xâm lược Ukraine.