Ngoại Giao, Quốc Phòng, Giáo Dục: Các gương mặt mới trong tân nội các Pháp

Đăng ngày: 21/05/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Pháp vừa được bổ nhiệm, bà Elisabeth Borne, có mặt trên kênh truyền hình TF1 tối thứ Sáu 20/05/2022 để giới thiệu chính phủ mới. AFP – BERTRAND GUAY

Thanh Phương

Hôm qua, 20/05/2022, theo đề nghị của tân thủ tướng Elisabeth Borne, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm một chính phủ mới. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ bầu cử Quốc Hội.

Đáng chú ý trong thành phần tân nội các là chức ngoại trưởng được giao cho một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, đó là bà Catherine Colonna, 65 tuổi, hiện là đại sứ Pháp tại Luân Đôn và từng là bộ trưởng đặc trách châu Âu dưới thời tổng thống Jacques Chirac. 

Tổng thống Macron còn bổ nhiệm một trong những nhân vật thân cận làm tân bộ trưởng Quốc Phòng, đó là ông Sébastien Lecornu, 35 tuổi, nguyên là bộ trưởng bộ Hải Ngoại trong chính phủ cũ. 

Nhưng 3 chức vụ chủ chốt khác thì không có gì thay đổi: ông  Bruno Le Maire tiếp tục làm bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính, ông Gérald Darmanin giữ nguyên chức bộ trưởng Nội Vụ và ông Eric Dupont-Moretti vẫn nắm bộ Tư Pháp.

Bất ngờ lớn nhất trong thành phần tân nội các chính là bộ trưởng Giáo Dục Pap Ndiaye, một nhà trí thức mang hai dòng máu Pháp và Senegal. Năm nay 56 tuổi, ông là một chuyên gia về lịch sử xã hội Hoa Kỳ và về các sắc tộc thiểu số, cho tới nay vẫn điều hành Viện Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Nhập cư.

Việc bổ nhiệm ông Ndiaye vào chiếc ghế bộ trưởng Giáo Dục đã bị phe cực hữu phản đối. Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt Trận Dân Tộc, chỉ trích tân bộ trưởng Giáo Dục là một người theo xu hướng indigéniste (bảo vệ bản sắc dân nhập cư từ các thuộc địa củ của Pháp), ám chỉ ông là một người “kỳ thị da trắng”.

Trên đài truyền hình TF1 tối qua, thủ tướng Elizabeth Borne đã bác bỏ những cáo buộc đó, khẳng định ông Pap Ndiaye là một “người Cộng Hòa rất nhiệt thành”, có chung mục tiêu là “giúp cho con em chúng ta được hưởng bình đẳng về cơ hội tiến thân”.

Một thành viên đáng chú ý khác của tân nội các, đó là Rima Abdul Malak, 43 tuổi, bộ trưởng Văn Hóa, một nhân vật mang hai quốc tịch Pháp-Liban, cho tới nay là một cố vấn của tổng thống Macron. 

Chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne tuân thủ rất nghiêm chỉnh nguyên tắc về bình đẳng nam nữ, bao gồm 14 bộ trưởng là phụ nữ (kể cả thủ tướng) và 14 bộ trưởng nam giới.

Về xu hướng chính trị, thành phần tân nội các cũng theo đúng đường lối của tổng thống Macron, tức là bao gồm những nhân vật mới đến từ cánh trung, cánh tả và cánh hữu.

Chính phủ của bà Elisabeth Borne sẽ họp phiên đầu tiên vào thứ Hai tuần tới 25/03 và sẽ bắt tay vào việc, trong bối cảnh quốc nội và quốc tế đầy khó khăn, với cuộc chiến tranh Ukraina, với mức lạm phát đang tăng vọt và với đà tăng trưởng kinh tế đang khựng lại. 

Chính phủ mới còn sẽ phải tham gia vào cuộc tranh cử, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp hai ngày 12 và 19/06. Đảng của tổng thống Macron sẽ cố giành được một đa số mới ở Hạ Viện.

Bài Liên Quan

Leave a Comment