Thứ Sáu, 20 Tháng Năm 2022
- Thị
Nói tới Thị, xin nhìn về thời hồng hoang ăn lông ở lỗ của bộ lạc và thị tộc. Xã hội khi đó rất lạc hậu nên cần người, sanh đẻ rất khó nuôi, thành ra vai trò người đàn bà rất quan trọng.
Thị tộc mẫu hệ là hình thức thị tộc đầu tiên và phổ biến của xã hội loài người. Người phụ nữ có vai trò lớn, là người đứng đầu gia đình và các thị tộc.
Thị tộc phụ hệ là giai đoạn kế tiếp Thị tộc mẫu hệ, ra đời từ thời kỳ đồ đá.
Dân tộc Việt phải nhắc tới “Hồng Bàng Thị” (鴻龐氏) dịch ra là “Họ Hồng Bàng,” nhưng ý nghĩa ban đầu là “Người Mẹ Hồng Bàng.”
Bên Tàu cũng có, như: “Phục Hi Thị” (伏羲氏), “Thần Nông Thị” (神農氏), “Cát Thiên Thị” (葛天氏), “Hữu Hỗ Thị” (有扈氏) cũng là kiểu này.
Nữu Hỗ Lộc Thị thời nhà Thanh là một trong bát kỳ, Sùng Khánh Hoàng thái hậu dòng tộc Nữu Hỗ Lộc Thị là thân mẫu của Càn Long Hoàng đế. Hòa Thân, một nhân vật đầy quyền lực cũng thuộc Nữu Hỗ Lộc Thị.
Thị là một danh xưng mặc định cho người đàn bà. Cả Tàu lẫn Việt đều chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít chỉ phụ nữ là “Y thị.” Thành ra có những cách gọi, xưng hô đàn bà như bà Trần Thị, Nguyễn Thị, Lý Thị, Vương Thị…
Nên nhớ Việt tộc là một tộc khá cá biệt của thế giới văn minh. Chúng ta theo chế độ mẫu hệ dài hơn người Tàu nữa, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh là bằng chứng.
Tôi đã từng nói Việt tộc ta trường tồn là có một phần “Mẫu hệ,” nhờ mẫu hệ mà 1000 năm bị Tàu đô hộ ta không mất gốc.
Cái chế độ mẫu hệ ở Việt Nam ta từ hồi Bà Trưng, Bà Triệu và tới nay đã là phụ hệ khi con mang họ cha. Tuy nhiên con mang họ cha là lý thuyết thôi, trong gia đình quyền lực của các bà vẫn bao trùm.
Cái câu “Hỏi má mày” nghe trong xóm làng hơi nhiều.
Ông bà xưa Việt Nam ta có câu: “Mua heo chọn nái; mua gái chọn dòng” là vì thế.
Người Việt mình rất nhân văn, không có tục bó chân đau đớn như Tàu, chẳng có tục tùy táng người hầu, vợ lẽ sau khi chết… Việt cổ có tục xâm mình, ăn trầu và nhuộm răng đen.
Người Việt đặt tên con gái thì dùng nguyên chữ “Thị” (氏) làm chữ lót một cách bất di bất dịch.
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, bà là chánh thất vua Gia Long, là mẹ đẻ của Hoàng tử Cảnh.
Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc – tên thường gọi là Bà Từ Cung, là thứ thất của vua Khải Định – mẹ của vua Bảo Đại… rồi bà Nguyễn Hữu Thị Lan, bà Bùi Thị Xuân, Ngô Đình Thị Hiệp…
Người Việt đặt lót Thị nhiều chứ người Tàu không thấy kiểu này.
Nói như vầy cho dễ hiểu: Việt đặt là Bành Thị Chơi, Tàu đặt tên là Bành Sướng Chơi (?) và Tàu kêu thông dụng là bà Bành Thị.
Nhưng không phải cứ con gái là đặt Thị. Có người không lót chữ Thị. Đó là tùy ý thích thôi. Thí dụ như Bà Đạm Phương nữ sử, tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh là cháu nội vua Minh Mạng. Ca sĩ Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang là cháu sơ vua Minh Mạng.
Nhưng lại có bà Tôn Nữ Thị Ninh. Cái tên này hay hè? Công Tằng Tôn Nữ Thị Ninh.
Nhưng Thị cũng là một cái họ riêng dù hiếm hoi. Vua Minh Mạng cho người gốc “Khmer” mang họ Thị.
Kết luận:
Lót chữ Thị (氏) là dấu vết và nhắc nhớ tới mẫu hệ của Việt tộc ta.
- Văn
Văn ra đời sau chữ Thị, vì phụ hệ đi sau mẫu hệ.
Trong Nho giáo xưa thì học là giỏi, trau dồi học vấn, văn ôn võ luyện.
Võ thì mạnh bạo, nhưng sát phạt, không dám khoe, văn thì phải khoe.
Ông bà ta quan niệm học hành thi cử tiến thân.
“Trai nam nhân thi chữ
Gái thục nữ thi tài.”
Chữ Văn (文) xuất xứ đầu tiên nghĩa là “Chữ.”
Chữ tượng hình là chữ bắt chước hình tượng các loài mà đặt ra kêu là “Văn” (文), gộp cả hình với tiếng gọi là “Tự” (字).
Văn tự là chữ viết, thành ra ta có Anh Văn, Pháp Văn, Hoa Văn…
Văn còn là“Văn minh” (文明), “Văn hóa” (文化).
Người xưa tôn thờ sao Văn Xương, Văn Khúc vì tượng trưng cho thông minh, hiếu học, học giỏi, văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, thành đạt.
Người Việt thích lót chữ Văn cho con trai là muốn con mình học giỏi, thi đậu, thành đạt.
Các bạn nên hiểu là bên Tàu cũng có lót chữ Văn, tuy nhiên không nhiều như Việt mình, thí dụ Triệu Văn Trác, Mã Văn Tài.
Nhưng con gái mà tên Phạm Văn Phương thì kể cũng lạ.
Văn cũng là một cái họ khá phổ biến của người Tàu và Việt Nam, thí dụ Văn Thiên Tường, Văn Tiến Dũng (!).
Nhưng cũng như Thị, người Việt không phải cứ con trai là lót chữ Văn. Thí dụ như Hồ Quý Ly có con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương…
Nhà Lê Sơ, con cháu Lê Lợi đặt tên là Lê Nguyên Long, Lê Bang Cơ, Lê Nghi Dân, Lê Tư Thành…
Chúa Nguyễn thì lót chữ Phúc cho con, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Khoát…
Vua Minh Mạng thì làm bài phiên hệ “Miên-Hường…” đặt cho con.
Họ Ngô thì lấy chữ Đình lót cho con: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm…
Tóm lại: Chữ lót Văn (文) là như vậy đó.
Khuyết Danh
Trần Văn Giang (ghi lại)