Lê Thị Trang Đài: chính trị gia gốc Việt đầu tiên trúng cử Nghị viện Liên bang Úc

  • Nguyễn Quang Duy
  • Gửi bài cho BBC từ Melbourne, Úc

một giờ trước

\"Tân
Chụp lại hình ảnh,Tân dân biểu Lê Đài thắng cử với khẩu hiệu \”Tôi sẽ ở Quốc hội để phục vụ BẠN, chứ không phải phục vụ bất kỳ đảng phái chính trị nào.\”

Ứng cử viên độc lập Lê Đài, một người Việt tỵ nạn cộng sản, vừa giành được ghế dân biểu khu vực Fowler, chiến thắng một chính trị gia lãnh đạo Đảng Lao động, cựu Thủ hiến tiểu bang New South Wales, cựu Thượng nghị sĩ Liên bang, bà Kristina Keneally.

Fowler là một khu vực an toàn của Đảng Lao động nên đây là chiến thắng của cử tri lao động phản kháng lại hệ thống chính trị của Đảng Lao động và một bài học cho chúng ta cùng suy ngẫm.

Hạt cử tri \’an toàn\’ của Đảng Lao động

Khu vực Fowler nằm phía tây nam thành phố Sydney, là một khu vực đa văn hóa, đa sắc tộc với trên một nửa dân số là di dân, trên 15% là người gốc Việt và chỉ trên 10% là có cả cha lẫn mẹ sinh ra tại Úc.

Người di dân lại thường bỏ phiếu cho Đảng Lao động, nên các dân biểu của đảng thay nhau nắm giữ khu vực này từ khi được thành lập vào năm 1984 cho đến nay.

Vì là đơn vị bầu cử an toàn nên các dân biểu Đảng Lao động chỉ lo phục vụ chính sách \”Đảng\”, hơn là quan tâm đến nguyện vọng của cư dân địa phương, còn Đảng Tự do không thèm để ý đến khu vực này.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Fowler cao gần gấp đôi mức trung bình của cả nước, mức lương do đó thấp hơn so với mức lương trung bình toàn nước Úc, có cư dân phải làm đến hai, ba công việc bán thời gian mới đủ trang trải cuộc sống vô cùng khó khăn.

Fowler là một khu vực nghèo, kém an ninh và chậm phát triển, giới tiểu thương trong khu vực không được đảng nào thực sự quan tâm nâng đỡ. Nhà thương, trường học, đường xá, cảnh sát, các dịch vụ công cộng đều thua kém các khu vực khác trong vùng.

Không riêng khu vực Fowler, hầu hết các khu vực có đông di dân và đông người Việt sinh sống đều cùng chung hoàn cảnh chính trị, kinh tế và xã hội.

Không phục vụ đảng phái chính trị

Bà Lê Đài (Lê Thị Trang Đài) từ Sài Gòn đi tỵ nạn cùng gia đình năm 1975 khi mới 7 tuổi, và ở Hong Kong 4 năm trước khi đến Úc năm 1979.

Bà có chồng người Úc và một con trai, hiện định cư tại khu vực Fowler.

Học xong trung học bà đi làm cho một tờ báo địa phương, rồi trở thành ký giả cho đài ABC, đi học lại và tốt nghiệp ngành Chính trị tại Đại Học Macquarie.

\"Nghị
Chụp lại hình ảnh,Nghị viên Lê Đài vận động Hội đồng thành phố Fairfield thông qua nghị quyết công nhận cờ vàng là biểu tượng của người Việt tự do

Trong cuộc bầu cử bổ túc cho khu vực Cabramatta năm 2008, bà Lê Đài ứng cử đại diện cho Đảng Tự do, giúp đảng này tăng số phiếu thêm 21,8% so với cuộc bầu cử năm 2007, nhưng vẫn thua ứng cử viên Đảng Lao động.

Trong kỳ bầu cử định kỳ tiểu bang New South Wales năm 2011, bà Đài tiếp tục tranh cử đại diện Đảng Tự do tăng thêm thêm 5.1% số phiếu, nhưng vẫn không đủ phiếu để đánh bại ứng cử viên Đảng Lao động.

Năm 2012, bà Lê Đài ứng cử độc lập và đã thắng cử nghị viên hội đồng thành phố Fairfield.

Đến năm 2016, bà Đài bị Đảng Tự do cấm tham gia đảng 10 năm vì đã tự động thành lập một liên danh độc lập tranh cử ghế thị trưởng Fairfield, thách thức ứng cử viên được Đảng Tự do ủng hộ.

Năm 2017, bà đã vận động hội đồng thành phố Fairfield thông qua nghị quyết công nhận cờ vàng là biểu tượng của người Việt tự do.

Năm 2019, bà tiếp tục tranh cử đại diện khu vực Cabramatta, bà đạt được số phiếu hơn ứng cử viên Đảng Tự do và các đảng khác, nhưng vẫn thua số phiếu của ứng cử viên Đảng Lao động.

Năm 2021, bà Lê Đài được bầu làm Phó thị trưởng thành phố Fairfield.

Mỗi lần thất cử, bà Đài lại gặt thêm những kinh nghiệm để bước vào tranh cử dân biểu liên bang 2022 với khẩu hiệu \”Tôi sẽ ở Quốc hội để phục vụ BẠN, chứ không phải phục vụ bất kỳ đảng phái chính trị nào.\” (I will be there to serve YOU, and not any political parties.)

Làn sóng phản đối bên trong Đảng Lao động

Người xứng đáng để đại diện Đảng Lao động ra tranh cử lần này là luật sư Lê Tú, một người trẻ làm việc trong văn phòng dân biểu Chris Hayes, được chính ông Hayes đề cử thay ông tranh ghế Fowler và được sự ủng hộ của cơ sở đảng tại địa phương.

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Lê Đài sử dụng hình ảnh và lời kêu gọi cử tri của dân biểu Chris Haye \”Hãy dồn phiếu cho ứng cử địa phương\” làm bích trương tranh cử.

Nhưng cô Lê Tú đã bị ban lãnh đạo Đảng Lao động gạt sang một bên để nhường chỗ cho cựu thủ hiến New South Wales, cựu Thượng nghị sỹ Kristina Keneally.

Mặc dù là một chính trị gia chuyên nghiệp lãnh đạo Đảng Lao động, bà Keneally sinh sống tại Scotland Island, khu vực bờ biển giàu có ở phía bắc của thành phố Sydney, cách đơn vị Fowler đến hơn 2 giờ lái xe.

Bà được Đảng Lao động \”thả dù\” xuống đơn vị Fowler để đưa vào Hạ viện và nội các Lao động với chức vụ bộ trưởng bộ Nội vụ, một vai trò vô cùng quan trọng coi cả Cơ quan Tình báo Úc (ASIO) và Cảnh sát Liên bang.

Bà Keneally thì thuộc tầng lớp trên, khác xa với giới cử tri lao động nghèo, đa sắc tộc, đa văn hóa đơn vị Fowler.

Kinh nghiệm chính trị và kiến thức lãnh đạo tiểu bang và liên bang bà có thừa nhưng sự gần gũi với cử tri sắc tộc hầu như không có.

Năm 2016, chính dân biểu Chris Hayes cũng là nạn nhân của phe cánh trong Đảng Lao động.

Khi ấy tôi đang đại diện cho Khối 8406 Úc Châu, chúng tôi đã cùng nhiều tổ chức khác vận động để ông Chris Hayes không bị thuyên chuyển sang đơn vị bầu cử khác, nhường ghế Fowler cho một dân biểu trẻ cánh hữu thuộc thành phần lãnh đạo.

Tình trạng bè cánh, phản dân chủ của giới lãnh đạo Đảng Lao động đã tạo ra một làn sóng công khai phản đối tại đơn vị Fowler, chính ông Chris Hayes đã lên tiếng kêu gọi cử tri Fowler dồn phiếu cho ứng cử viên địa phương.

Cử tri làm cách mạng

Bà Lê Đài là một chính trị gia cơ sở (grassroots), xuất thân từ quần chúng sắc tộc, và bản thân là người tỵ nạn cộng sản đã nhân cơ hội xin phép dân biểu Chris Hayes để lấy hình ảnh và lời kêu gọi cử tri \”dồn phiếu cho ứng cử viên địa phương\” của ông làm bích trương tranh cử.

Để cứu nguy trước ngày bầu cử, thủ lĩnh Đảng Lao động ông Anthony Albaneses đã thân chinh đến đơn vị Fowler vận động cho bà Kristina Keneally. Nhưng không thể cứu vãn tình thế 18,6% cử tri lao động đã từ chối bỏ phiếu cho bà Keneally.

Bà Lê Đài còn được Đảng Tự do và đảng Đoàn kết nước Úc (United Australia) cho phiếu, nên với hơn 99.98% phiếu đã kiểm, bà nhận được ít nhất 52,32% tổng số phiếu, trong khi ứng cử viên Đảng Lao động Kristina Kneally chỉ được 47,68% phiếu.

Bà Lê Đài thắng cử, nhưng chiến thắng của bà từ một cuộc cách mạng \”quần chúng nổi dậy\” chống lại tình trạng bè cánh, phản dân chủ của giới lãnh đạo Đảng Lao động.

Từ nay đơn vị Fowler sẽ không còn là ghế an toàn Lao động nữa, từ nay tiếng nói của cử tri sẽ được các đảng chính trị và chính quyền lắng nghe.

Người chiến thắng cũng chính là các đảng viên Đảng Lao động tại cơ sở Fowler, vì đây là một bài học đắt giá cho tầng lớp lãnh đạo Đảng Lao động không được coi thường các cộng đồng và cử tri gốc sắc tộc cũng như thành viên đảng bộ địa phương.

\"Đài
Chụp lại hình ảnh,Bé Lê Thị Trang Đài (bìa phải) trong ảnh chụp hồi nhỏ ở Sài Gòn

Bà Lê Đài thực sự thắng cử bằng sức mình, bằng lá phiếu của cử tri, thay vì dựa vào \”Đảng\” để cuối cùng làm công bộc phục vụ trả ơn \”Đảng\”, là bài học cho tất cả những ai quan tâm, và muốn tham gia vào chính trường Úc.

Chính trị Úc cần thay đổi…

Ở Hạ viện, Đảng Lao động được 76 ghế, vừa đủ ghế để thành lập chính phủ đa số, liên Đảng Tự do Quốc gia chỉ được 55 ghế, Đảng Xanh được 4 ghế, 2 đảng nhỏ 2 ghế, độc lập được 10 ghế, còn lại 4 ghế chưa rõ kết quả.

Trong cuộc bầu cử 2022, liên Đảng Tự do Quốc gia mất 5,7% chỉ còn 35,7 % tổng số cử tri ủng hộ, trong khi Đảng Lao động mất 0,5%, chỉ còn 32,8 % tổng số cử tri ủng hộ. Như vậy, Đảng Lao động thắng cử và cầm quyền nhưng đại diện cho chưa tới 1/3 tổng số cử tri Úc.

Khuynh hướng cử tri Úc bầu cho các ứng cử viên độc lập và các đảng nhỏ càng ngày càng trở nên rõ nét.

Bầu cử 2022 có tới 10 dân biểu độc lập và tất cả đều là phụ nữ, nó cho thấy nữ giới Úc đã nhận thức được các đảng chính trị không còn đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của cử tri và của nước Úc.

Xét cho cùng, nước Úc cần thay đổi hệ thống chính trị, cần một thể chế cộng hòa, cần một hiến pháp mới, một hệ thống bầu cử mới mà người cầm quyền phải thực sự đại diện cho đại đa số cử tri.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, hiện sống tại Melbourne, Úc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment