Tân nội các Pháp ra mắt: Bộ trưởng Giáo Dục ‘‘làm lu mờ’’ 26 nhân vật còn lại

Đăng ngày: 23/05/2022

\"\"
\"\"
Tân bộ trưởng Giáo dục Pap Ndiaye, gốc Seneral. Ảnh chụp ngày 23/05/2022, tại phủ tổng thống. REUTERS – CHRISTIAN HARTMANN

Trọng Thành

Pháp có chính phủ mới, gần một tháng sau khi Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống, là chủ đề chính của hầu hết các báo ngày đầu tuần. Bên cạnh một số gương mặt mới, tân nội các, ra mắt thứ Sáu 20/05/2022, được đông đảo báo giới nhìn nhận như là sự tiếp nối chính quyền Macron nhiệm kỳ I. Quân Ukraina cố thủ tại nhà máy Azovostal chấm dứt gần 3 tháng kháng cự, ngành bảo hiểm trước thách thức Biến đổi khí hậu cũng là các chủ đề trang nhất nhiều báo.

‘‘Chính phủ: Những lựa chọn và tính toán của Macron’’ là nhan đề trang nhất Le Monde. Theo Le Monde, tổng thống và tân thủ tướng Elisabeth Borne ‘‘bảo đảm một phần tính ổn định với thành phần một nửa là các bộ trưởng nhiệm kỳ trước’’. Bộ Kinh Tế, bộ Tư Pháp, bộ Hải Ngoại, bộ Chuyển Đổi Sinh Thái… được giao phó cho ‘‘những trụ cột’’ của nhiệm kỳ đầu tiên, mà đa phần thuộc cánh hữu. Le Monde ghi nhận chính quyền Macron tiếp tục tìm kiếm một số gương mặt mới, nhưng không nhiều như năm 2017.

Tân bộ trưởng Giáo Dục: Sử gia gốc Phi châu, chuyên về kỳ thị chủng tộc

Tân bộ trưởng Giáo Dục là gương mặt mới tiêu biểu, gây nhiều phản ứng trái ngược. Le Monde có bài xã luận “Pap Ndiaye cho ngành giáo dục, trọng lượng của một biểu tượng”, nhấn mạnh việc “chỉ vừa mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Giáo Dục Quốc Gia và Giới Trẻ, nhà sử học Pap Ndiaye đã thu hút toàn bộ sự chú ý, trở thành tâm điểm của các tranh luận, làm bùng lên các cuộc đấu khẩu chính trị đầu tiên, đến mức làm lu mờ toàn bộ 26 nhân vật trong chính phủ – các bộ trưởng, bộ trưởng chuyên trách và quốc vụ khanh – vốn được bổ nhiệm cùng lúc”.

Tân bộ trưởng Giáo Dục, “sử gia chuyên về Hoa Kỳ và các cộng đồng thiểu số, gốc Senegal, giảng viên đại học, là người tiên phong tại Pháp trong các nghiên cứu về kỳ thị chủng tộc”. Le Monde nhận xét : “Chỉ chừng ấy thôi là đủ để cho thấy việc bổ nhiệm này có thể được giải thích như một sự chối bỏ đối với đường lối của người tiền nhiệm, cựu bộ trưởng Jean-Michel Blanquer, người chủ trương quan điểm cộng hòa cứng rắn theo truyền thống, và người chống lại ‘chủ nghĩa tả khuynh – Hồi giáo’ (mà cánh hữu cáo buộc có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Pháp)”.

Tả hoan nghênh, hữu lo ngại, cực hữu phản đối dữ dội

Le Monde mô tả phản ứng của chính giới Pháp: “Việc bổ nhiệm nhà sử học gốc Phi châu, chuyên về kỳ thị chủng tộc ngay lập tức đã được đông đảo cánh tả, đứng đầu là thủ lĩnh đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon nhiệt liệt hoan nghênh, cánh hữu lo ngại, cánh cực hữu phản đối’’ với cáo buộc sử gia Pap Ndiaye là “người cổ vũ cho các cộng đồng dân cư xuất thân từ các thuộc địa”.

Le Monde cũng ngay lập tức phản bác luận điểm của phe cực hữu, khi nhấn mạnh là tân bộ trưởng Giáo Dục người da đen Pap Ndiaye “được các đồng nghiệp ca ngợi về thái độ chừng mực, có năng lực ứng xử phù hợp với các xúc cảm trong các tranh luận, lập trường trung thành với quan điểm cộng hòa”. Cụ thể trong vấn đề tiếp cận khoa học lịch sử về quá khứ thực dân, có thể được tóm tắt trong một nhận định như sau: “Không phủ nhận, cũng không sám hối”.

Le Monde ca ngợi: việc bổ nhiệm sử gia Pap Ndiaye là một “tín hiệu mạnh”, trong bối cảnh giáo dục quốc gia là một trong những lĩnh vực cải cách lớn của nhiệm kỳ 5 năm tới. “Tín hiệu mạnh” gửi đến các giáo viên, đang “có quan hệ khó khăn” với bộ trưởng tiền nhiệm. Đối với một bộ phận giới trẻ đang cảm thấy bị kì thị. Đây là tín hiệu cho thấy chính quyền tôn trọng “sự đa dạng” về nguồn gốc, và “thành công sẽ đến với những ai nỗ lực”.

Trước hết là để thu hút cử tri cánh tả, trước thềm bầu Quốc Hội

Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng chỉ ra là việc bổ nhiệm tân bộ trưởng, sử gia chống kỳ thị sắc tộc, gốc châu Phi, có ý nghĩa trước hết về mặt tranh cử. Sau khi đã mượn của thủ lĩnh cánh tả Jean-Luc Mélenchon thuật ngữ “kế hoạch hóa sinh thái”, tổng thống Macron lại tiếp tục tìm cách lấy lòng cử tri cánh tả với quyết định bổ nhiệm nói trên. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 6 tới, đối thủ nguy hiểm nhất với ông Macron là liên đảng cánh tả.

Theo Le Monde, tổng thống Macron cần bảo đảm có được đa số tối đa tại Quốc Hội mới, vì vậy chiến thuật của ông là “hạn chế đến mức tối thiểu các mạo hiểm”. Vì lẽ đó mà bên cạnh gương mặt mới gây chấn động này, đa số các trụ cột trong chính phủ là xuất thân từ cánh hữu, thuộc chính phủ tiền nhiệm.

La Croix cũng cùng ghi nhận: chính phủ Borne ‘‘thể hiện tính liên tục và được bố trí một cách khôn khéo”, với mục tiêu trước hết là nhằm đến cử tri trong cuộc bầu cử Quốc Hội tới. \”Thông điệp chính trị\” của tân nội các là \”không rõ ràng\”. 

\”Khan hiếm giáo viên\”: Giáo dục công lập Pháp lún sâu trong khủng hoảng

Nhật báo thiên tả Libération cũng dành chủ đề tranh nhất cho tân bộ trưởng Giáo Dục với hàng tựa “Khan hiếm giáo viên. Nỗi đau đầu”. Libération nhấn mạnh: “trong lúc số lượng giáo viên tuyển mộ ngày càng thấp, tân bộ trưởng Pap Ndiaye sẽ phải có rất nhiều nỗ lực để khiến ngành giáo dục hấp dẫn trở lại”. Xã luận Libération nhan đề “Các bất bình đẳng” hướng sự chú ý của độc giả trước hết vào hai người con của tân bộ trưởng, hiện đang là học sinh trung học, được chính tân bộ trưởng nhắc đến trong bài diễn văn nhậm chức, cùng với câu hỏi : các con tân bộ trưởng “theo học trường công hay trường tư ?”.

Tại sao đặt vấn đề trường công, trường tư? Đối với Libération, nền giáo dục công lập Pháp với nguyên tắc “trường học công bình đẳng với tất cả”, đang đứng trước thử thách sống còn. Theo Libération, chính sách “giao quyền tự chủ” hiện nay của các trường mà tổng thống Macron thúc đẩy mạnh mẽ là nguyên nhân chính. Nếu tân bộ trưởng tiếp tục đường lối này, thì điều này có nghĩa là bất bình đẳng sẽ gia tăng, tình trạng thiếu giáo viên càng nghiêm trọng hơn.

Thiếu hụt giáo viên là vấn đề hàng đầu. Libération công bố bản đồ toàn quốc Pháp, cho thấy tình trạng chung, đặc biệt nghiêm trọng là hai sở giáo dục Versailles và Créteil (ven Paris), nơi tỉ lệ ứng cử viên thấp hơn nhiều so với số chỗ làm được đề nghị, với tỉ lệ lần lượt là 36% và 45%.

Hồ sơ chính của Libération tập trung chỉ trích các sai lầm của chính phủ tiền nhiệm, cũng như xu hướng cắt giảm đầu tư cho giáo dục công của các chính phủ cánh hữu từ đầu những năm 2000. Một trong những lý do căn bản là mức đãi ngộ với giáo viên sụt giảm mạnh. Hiện tại, một thầy giáo tốt nghiệp đại học mới vào nghề chỉ được hưởng 1,1 lương SMIC (tức lương tối thiểu), so với 2 lần SMIC trong những năm 1970. Việc tỉ lệ giáo viên dạy theo hợp đồng gia tăng so với cách nay 10, 15 năm cũng là một yếu tố làm suy yếu “vị thế chính trị” của giáo giới, bởi người giáo viên làm theo hợp đồng ít gắn bó với cơ sở trường học, với các nghiệp đoàn hơn.

Về phản ứng của các nghiệp đoàn giáo viên, Libération ghi nhận một mặt tâm trạng hài lòng với tín hiệu cắt đứt với “5 năm Blanquer”, nhưng mặt khác các nghiệp đoàn cũng đầy lo lắng, khi không quên rằng tân bộ trưởng phải có trách nhiệm thực thi “chính sách tự do hóa” của tổng thống (hay nói cách khác là tiếp nối \”5 năm Blanquer\”).

Nghệ thuật” dùng người của Macron: Lo ngại và hy vọng

Tân bộ trưởng Giáo Dục cũng là chủ đề chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro, với hàng tít trang nhất “Le Maire (bộ trưởng Kinh Tế tái cử), Ndiyae (tân bộ trưởng Giáo Dục): Macron mạo hiểm với phương pháp ‘đồng thời, cùng lúc’ (‘en même temps’)”. Le Figaro lo ngại tính chất “thiếu nhất quán” của tân nội các Elisabeth Borne, khi bộ trưởng Giáo Dục là một nhân vật có uy tín của cánh tả trong lĩnh vực văn hóa, nhưng sẽ làm việc cùng với nhiều bộ trưởng cánh hữu.

Xã luận Le Figaro, nhan đề “Cách biệt lớn” cũng ghi nhận giống với Le Monde, là việc bổ nhiệm người bộ trưởng Giáo Dục nói trên có ý nghĩa trước hết với liên đảng cầm quyền trong cuộc tranh cử Quốc Hội, để “lấy lòng cử tri cánh tả”. Nhật báo thiên hữu cũng ghi nhận là, hình ảnh chính phủ với các bộ trưởng vừa được bổ nhiệm cũng tương ứng với tính cách của tổng thống, “ứng xử mềm dẻo”, luôn tìm kiếm “sự cùng tồn tại của các mặt đối lập”, “chung sống với những điều nghịch lý”…

Le Figaro trầm trồ khen ngợi lựa chọn của tổng thống Macron, khi gọi ông là “người nghệ sĩ” biết sử dụng những “cách biệt lớn”, và cho biết “nóng lòng chờ đợi xem làm thế nào mà một bộ trưởng Nội Vụ (cánh hữu) như Gérald Darmanin, đón nhận những lời lẽ của bộ trưởng Giáo Dục Pap Ndiaye (cánh tả), người thường xuyên lên án ‘các hành động bạo lực của cảnh sát’ hay ‘tư tưởng kỳ thị chủng tộc bắt rễ sâu’ trong đất nước chúng ta”.

Chính phủ mới cũng là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Les Echos ghi nhận việc bổ nhiệm tân bộ trưởng Giáo Dục “gây ngạc nhiên”: trong lúc nhiều nghiệp đoàn hoan nghênh, ngược lại trên các mạng xã hội và trong giới cực hữu, bùng lên những phản ứng thù hận dữ dội.

Sức mua, việc làm, cải cách hưu trí và chuyển đổi sinh thái là các ưu tiên của chính phủ mới, theo ghi nhận của Les Echos. Cải thiện sức mua được coi là hồ sơ chính đầu tiên của chính phủ. Hôm nay, bộ trưởng Kinh Tế tái bổ nhiệm Bruno Lemaire gặp gỡ các đại diện của giới chủ, với mục tiêu chính là thúc đẩy nỗ lực ngăn chặn các hậu quả lạm phát.

Nga tuyên bố “giải phóng”: Mariupol hoang tàn sau 3 tháng chiến tranh 

Về thời sự quốc tế, Ukraina tiếp tục là chủ đề chính. Ba tháng kháng cự tại Mariupol là hồ sơ lớn trang nhất của Le Monde. Đối với chính quyền Nga, nhà máy Azovstal đã được “giải phóng hoàn toàn”, sau khi các binh sĩ Ukraina ra hàng. Kiev hiện chưa xác nhận cuộc “sơ tán” hoàn tất hay chưa. Theo Le Monde, thành phố cảng Mariupol đã trở thành “biểu tượng” cho việc quân đội Nga không có khả năng chinh phục một thành phố, mà không hủy diệt. Chính quyền Kiev cho biết khoảng 20.000 người đã bị giết hại tại Mariupol, khoảng 80% người dân sống sót đã khỏi thành phố. Ba tháng sau chiến tranh Mariupol chỉ còn là đống hoang tàn, khác hẳn với tuyên bố của Matxcơva “giải phóng thành phố”.

Mariupol: ‘‘Thành phố 100% nói tiếng Nga’’ không thần phục Putin

Đối với chính quyền Ukraina, cuộc kháng cự kéo dài ba tháng này là một “thành công mang tính biểu tượng”, tương phản rõ ràng với hàng loạt thất bại kể từ đầu cuộc xâm lăng Nga. Le Monde cũng dành một phóng sự để mô tả niềm tin của nhiều người Mariupol sẽ trở về đón Năm Mới tại thành phố, đang bị quân Nga chiếm đóng.

Lý giải về mức độ tàn phá ghê gớm tại Mariupol, hơn nhiều so với nhiều thành phố Ukraina khác, một số giới chức tòa thị chính thành phố cho biết hủy diệt Mariupul là quyết định trả thù của tổng thống Nga, bởi thành phố Mariupol, nơi 100% cư dân nói tiếng Nga, không chấp nhận quy hàng Matxcơva. Không những thế, trong vòng 8 năm qua, kể từ khi phe ly khai thân Nga nổi lên tại vùng Donbass, Mariupol đã phát triển vượt bậc, trở thành một đối trọng với vùng Dobass thân Nga. Có thêm khoảng 120.000 người dân Donetsk đã đến định cư tại Mariupol kể từ đó.

Azovstal: ‘‘Biểu tượng của cuộc kháng chiến Ukraina’’

Về phần mình, Le Figaro nói về “Azvostal: chuyện kể về cuộc cố thủ anh hùng, đã trở thành biểu tượng cho cuộc kháng chiến Ukraina”. Quân Ukraina hạ vũ khí từ cuối tuần trước, hôm nay Le Figaro có bài “phục dựng lại một trận chiến quan trọng với cả hai phía”. “Heroiam Slava!” (Vinh quang cho những anh hùng!), hai từ mà người Ukraina thường dùng để nói về cuộc kháng chiến, đặc biệt có ý nghĩa để nói về cuộc kháng cự trong vòng vây của khoảng hai nghìn binh sĩ, liên tục bị đối phương tấn công với hỏa lực áp đảo. Cố thủ trong trạng thái kiệt quệ về mọi mặt, từ thực phẩm, thuốc men, vũ khí, và không hy vọng được cứu viện. Các binh sĩ cố thủ trong các hầm ngầm Azovstal đã không ít lần tưởng như đã không còn có khả năng trụ được. Rút cục việc hạ vũ khí đã diễn ra thông qua đàm phán quốc tế.

Hiện tại số phận của hai ngàn binh sĩ Ukraina hiện chưa rõ ràng. Nga sẽ trao đổi tất cả như tù binh hay sẽ xét xử một số người như tội phạm chiến tranh, và giao họ cho Cộng hòa ly khai Donetsk để trừng phạt bằng án tử hình?

Đối với Le Figaro, trận chiến Azovstal “đã đi vào lịch sử”. Theo sử gia Mykola Dorochko, Viện Quan hệ Quốc tế ở Kiev, “sự hy sinh của những người bảo vệ Mariupol là nguồn cảm hứng đối với tất cả các đơn vị đang chiến đấu trên các mặt trận khác của đất nước”. Cũng theo vị sử gia này, chính quyền Kiev rút cục đã thành công trong mục tiêu khó khăn, thương lượng với Nga để đưa các chiến binh anh hùng còn sống ra ngoài.

Biến đổi khí hậu: Hãng bảo hiểm ngày càng sợ bán bảo hiểm nơi ở

Biến đổi khí hậu thách thức ngành bảo hiểm là hồ sơ chính của phụ trương Kinh tế của Les Echos. Trong lúc tình trạng khô hạn tại Pháp là thách thức hàng đầu với bảo hiểm Pháp, thì khắp nơi trên thế giới, theo Le Figaro, khô hạn, cháy rừng cũng là một nguyên nhân chính khiến các hãng bảo hiểm ngày càng không còn dám bán bảo hiểm nơi ở.

Tình hình nghiêm trọng có thể thấy qua một vài con số, như riêng tại California, từ 30 năm trở lại đây, 50% nhà ở có nguy cơ bị cháy. 38% quận, huyện ở Mỹ sẽ bị thiếu nước vào năm 2050, theo một thăm dò của S&P Global Ratings năm 2020.

Doanh thu của ngành bảo hiểm toàn cầu hiện tại ước tính 1.800 tỉ đô la. Theo văn phòng McKinsey, các tổn thất do biến đổi khí hậu sẽ tăng từ khoảng 2% đến hơn 4% GDP toàn cầu vào năm 2050.

Các cảm xúc: Những sức mạnh điều khiển chúng ta

Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay dành chủ đề chính cho “Các cảm xúc, những sức mạnh điều khiển chúng ta”. La Croix dự kiến dành 9 số báo cho chủ đề này. Trong số đầu tiên ra ngày hôm nay, La Croix phỏng vấn sử gia Georges Vigarollo, chuyên về lịch sử cảm xúc và chính trị. Bài phỏng vấn mang tựa đề “Các cảm xúc thời hiện đại có một vị trí chưa từng có trong lịch sử”. Giáo sư Georges Vigarollo, giám đốc nghiên cứu của EHESS (Paris), là tác giả của hơn một chục cuốn sách liên quan đến lịch sử tình cảm, cảm xúc, và cảm nhận về cơ thể.

Bài Liên Quan

Leave a Comment