Tổng thống Hàn Quốc – nghề nguy hiểm bậc nhất của thế giới

Đăng ngày: 25/05/2022

\"\"
\"\"
Tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sau lễ nhậm chức ngày 10/05/2022. AP – Ha Sa-hun

Trần Công

Hàn Quốc có phải là một quốc gia tàn ác, khi mà họ đã đưa phần lớn tổng thống của họ vào tù sau khi kết thúc nhiệm kỳ? Tôi hi vọng xã hội sẽ nhận thức được rằng không nên có thêm những tổng thống Hàn Quốc bất hạnh nữa.”

Đây là lời nói của giáo sư Ra Jong-il (라종일 ) giáo sư tại Đại Học Gachon – tác giả của cuốn sách “Những tổng thống bất hạnh của Hàn Quốc” đã đưa ra quan điểm về cách đối xử tàn bạo mà những cựu tổng thống Hàn Quốc phải gánh chịu sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Kể từ khi Quốc Hội Hàn Quốc bầu Lý Thừa Vãn trở thành tổng thống của Đại Hàn Dân Quốc, 13 nhân vật đã lần lượt được bầu chọn để ngồi vào vị trí quyền lực nhất của quốc gia này. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đều không có một “cái kết” có hậu sau khi mãn nhiệm. Cho tới nay, có tới 9 trong số 13 cựu tổng thống đã bị ám sát, tự tử, sống lưu vong, buộc từ chức, hoặc bị kết án tù dài hạn.

Danh sách những tổng thống “bất hạnh” bao gồm: Tổng thống đầu tiên Lý Thừa Vãn (이승만) – buộc sống lưu vong tại Hawai đến khi chết, tổng thống Yun Bo-seon (윤보선) bị ép từ chức sau 2 năm cầm quyền, tổng thống Park Chung-hee (박정희) – bị bắn chết ngay trong bữa tiệc tại phủ tổng thống, tổng thống Choi Kyu-hah (최규하) bị tiếm quyền và từ chức sau chưa tới một năm cầm quyền, tổng thống Chun Doo Hwan (Jeon Du-hwan 전두환) bị kết án 8 năm tù, tổng thống Roh Tae-woo bị tuyên án 20 năm tù (노태우), tổng thống Roh Moo-Hyun (노무현) tự sát sau khi kết nhiệm kỳ 1 năm, tổng thống Lee Myung-bak (이명박) bị kết án 17 năm tù, tổng thống Park Geun-hye (박근혜) bị quốc hội phế truất và bị kết án tới 20 năm tù. Với những thống kê như trên, tổng thống Hàn Quốc đã thực sự trở thành một nghề vô cùng “nguy hiểm” trên thế giới.

Nền dân chủ bậc nhất thế giới

Theo đài KBS tổng hợp, Hàn Quốc đã chuyển mình từ nhóm “dân chủ khiếm khuyết” sang nhóm “dân chủ đầy đủ” vào năm 2021 và đứng thứ 2 Châu Á chỉ sau Đài Loan.

Những tiếng hô vang “Park Geun Hee từ chức”, những ngọn nến dường như cháy suốt đêm, hàng trăm nghìn người biểu tình chiếm đóng khu vực phía trước dinh tổng thống và hàng loạt vị trí khác tại Seoul trong nhiều tuần liền hồi cuối năm 2016 là minh chứng rõ ràng nhất về nền dân chủ của Hàn Quốc. Người dân nước này đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, họ có khả năng đưa một tổng thống lên cầm quyền và sẵn sàng hạ bệ họ nếu những người này liên quan đến những bê bối tham nhũng.

\"\"
Ảnh tư liệu: Quân đội Hàn Quốc vây bắt những người nổi dậy trong phong trào Gwangju, bị chế độ độc tài Chun Doo Hwan trấn áp đẫm máu. Ảnh chụp ngày 27/05/1980. AP – SADAYUKI MIKAMI

Hơn ai hết, người dân Hàn Quốc hiểu rõ và trân trọng giá trị dân chủ mà họ đã phải vất vả mới dành được từ tay những nhà lãnh đạo độc tài. Một trong số những phong trào đòi dân chủ từ tay độc tài nổi tiếng nhất là phong trào dân chủ Gwangju (광주 민주화 항쟁). Hơn 2000 người dân Hàn đã ngã xuống vì bị chính quyền tổng thống Chun Doo-hwan đàn áp đẫm máu.

Người dân Hàn Quốc vẫn luôn nhắc lại sự kiện này bằng tất cả những gì họ có thể thể hiện được như xây đài tưởng niệm, làm phim, viết sách, và soạn nhạc cho thế hệ sau mãi mãi không thể quên được những mất mát mà cha ông họ phải chịu đựng để có được một nền dân chủ hàng đầu Châu Á.

Xã hội phân cực đáng báo động

Chúng ta phải đoàn kết lại để xây dựng Đại Hàn Dân Quốc” – đây là một tuyên bố ngay sau khi đắc cử của Tân thống thống Yoon Seok-yeol. Tuyên bố này và lượng phiếu chênh lệch chỉ 0.8% trong đợt bầu cử tổng thống vừa rồi đã chỉ ra một sự thật rằng “xã hội Hàn Quốc đang phân cực một cách đáng báo động.

Khi nhắc đến sự phân cực này, giáo sư Choi Bae-geun (최배근) đã nhắc tới sự bất bình đẳng trong thu nhập, sự suy thoái cơ cấu nhân sự, công việc liên tục rời khỏi Hàn Quốc khiến cho ngày càng ít việc làm được tạo ra, người nghèo sẽ lại càng nghèo hơn còn tầng lớp thượng lưu thì lại càng ngày càng giàu, tài sản của họ lại được thừa kế bởi thế hệ sau.

\"\"
Sinh viên và công dân biểu tình trước văn phòng tỉnh Jeonnam, ngày 18.5.1980. © Ảnh chụp màn hình trang mạng m.huffingtonpost.kr

Ngoài ra tình trạng lão hóa dân số cũng khắc sâu thêm vấn đề này, càng ngày càng nhiều người già nhưng số lượng trẻ em lại giảm khiến cán cân thế hệ lệch hẳn về một bên. Những sự phân cực này có thể đóng một vai trò quan trọng trong phân cực chính trị.

Theo báo Hani, sự phân cực về chính trị ở mức độ rất nghiêm trọng đang hiện hữu tại Hàn Quốc. Điều này dẫn đến sự căm ghét lẫn nhau giữa hai đảng chính trị tại Hàn Quốc, họ không công nhận những nỗ lực của nhau khi đảng viên đảng đối lập đang nắm quyền tổng thống.

Tuy nhiên sự phân cực này nguy hiểm hơn ở khu vực các cử tri, bởi vì họ không thể thỏa hiệp giống như giới “tinh hoa chính trị”. Họ ủng hộ đảng phái vì những lời hứa, nhưng nếu những lời hứa đó tan thành mây khói trong thời gian đảng đó cầm quyền thì sự căm giận sẽ thực sự được bộc phát. Và đảng cầm quyền ở lần bầu cử sau cần phải làm gì đó để giải quyết được quả bom đang chờ phát nổ này.

Anh Gyu-Dong tại đại học KyungPook cho biết khi được phỏng vấn:

Do mâu thuẫn giữa đảng cánh tả và cánh hữu trong quá trình hiện đại hóa sau chiến tranh Triều Tiên, cả hai bên đã cố gắng tấn công mỗi bên đối lập để dành quyền kiểm soát quốc gia. Theo suy nghĩ của tôi, một sự cố tai tiếng nào đó có thể xảy ra khi một tổng thống điều hành quốc gia. Tuy nhiên, đảng đối lập không thể tha thứ cho tổng thống, vì vậy họ đã xúi giục người dân và sau đó là buộc tội tổng thống sau khi họ kết thúc nhiệm kỳ.

\"\"
Tượng đài dân chủ Gwangju. © Wikipedia

Mối quan hệ giữa tài phiệt và chính trị

Có một tầng lớp tinh hoa của Hàn Quốc được gọi là Cheabol, họ là những tài phiệt có tập đoàn lớn và cha truyền con nối. Họ được cho là nắm giữ tới 80% nền kinh tế Hàn Quốc, chính vì vậy mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” (win-win) giữa nhóm tài phiệt và đảng phái luôn hiện hữu.

Một ví dụ rõ nét nhất là mối quan hệ giữa “thái tử” Samsung và bà Park, cựu tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2013 – 2017. Ông này đã hối lộ tổng thống Park và người bạn của bà này để nhận lại sự ủng hộ trong việc kế vị và đảm bảo quyền kiểm soát tập đoàn Samsung. Sau đó, ông đã bị kết án 5 năm tù và được tha bổng sau chỉ hơn 2 năm ngồi tù, mới gần đây nhân vật này đã đại diện tập đoàn Samsung đón tiếp tổng thống Yoon và nguyên thủ Mỹ Joe Biden đến thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

\"\"
Thủ lĩnh đảng vì quốc dân cùng người biểu tình yêu cầu Tổng thống Park Geun-hee từ chức. © Ảnh chụp màn hình trang mạng news.imaeil.com

Bên trong của một xã hội dân chủ lại đang tồn tại một hệ thống bao gồm nhiều gia tộc độc tài sẵn sàng làm những việc đằng sau hậu trường để đạt được một mục đích nhất định, và dường như họ thường thắng trong cuộc chơi này.

Sự chăm sóc đặc biệt từ truyền thông

Trước khi được bầu làm tổng thống, các ứng cử viên sẽ được giới báo chí chăm sóc “đặc biệt”, vì dường như hầu hết đời tư của họ sẽ được đưa tin công khai với công chúng. Ngoài ra, các ứng cử viên sáng giá sẽ có những buổi tranh luận công khai trên truyền hình để cử tri hiểu rõ và quyết định nên bầu ai với tấm phiếu của mình. Và trong thời gian này, những phát ngôn của họ sẽ được công khai và bàn luận trên đủ các trang báo cũng như cử tri.

Một ví dụ cho trường hợp này chính là lời phát biểu của ông Yoon (trong thời gian trước bầu cử) khi được báo Joogang phỏng vấn. Ông Yoon tuyên bố“sẽ tiến hành điều tra các hành vi tiêu cực của chính quyền ông Moon (Moon Jae-in)”nếu ông Yoon đắc cử. Báo chí được xem như quyền lực thứ 4, báo chí có thể tạo ra làn sóng dư luận hoặc có thể nhấn chìm một vụ việc nào đó bằng khả năng vô hạn của họ.

Tổng thống không chỉ là tổng tư lệnh điều hành một quốc gia, đó còn là vị trí cao nhất mà cá nhân một chính trị gia có thể đạt được. Để trở thành tổng thống tại Hàn Quốc, ứng cử viên phải trải qua quá trình xác minh sơ bộ và sau đó là bầu cử công khai. Tuy nhiên, kết cục của hầu hết tổng thống tại Hàn Quốc lại là những kết cục đáng buồn.

\"\"
Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Samsung Electronic Pyeongtaek Campus, Hàn Quốc ngày 20/05/2022. AP – Kim Min-hee

Từ đống đổ nát của chế độ thuộc địa và chiến tranh Liên Triều, những tổng thống của Hàn đã chỉ huy đất nước để đạt được “Kỳ tích sông Hán” và đưa đất nước phát triển thành một đất nước tự do dân chủ thuộc top đầu thế giới. Nhưng kết cục của họ lại quá bi thảm nếu so sánh với nửa còn lại của bán đảo Triều Tiên, nơi quyền lực được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment