Công an Hà Nội gây khó dễ việc tiếp tế cho nhà hoạt động Trương Văn Dũng đang bị tạm giam

RFA
2022.05.26

\"CôngÔng Trương Văn Dũng (áo đen) trong một lần tham gia biểu tình hồi năm 2012 FB Trương DũngCông an Hà Nội gây khó dễ việc tiếp tế cho nhà hoạt động Trương Văn Dũng đang bị tạm giam

Gia đình nhà hoạt động Trương Văn Dũng, người vừa mới bị bắt hôm 21/5 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” nói rằng Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội gây khó dễ cho gia đình trong việc tiếp tế cho ông.

Hôm 24/5, bà Nghiêm Thị Hợp đến nơi đang tạm giam ông Dũng để gửi cho chồng mình một số đồ dùng và thức ăn. Tuy nhiên, trại giam không nhận đồ và thức ăn bà đã chuẩn bị sẵn từ nhà mà buộc phải mua thức ăn từ căng-tin của trại giam với giá đắt gấp nhiều lần so với giá thị trường.

Ngoài ra cán bộ trại cũng không cho bà gửi tiền lưu ký cho chồng mà chỉ được mua quần áo lót và thức ăn từ căng-tin của trại để chuyển vào. Phía trại cũng từ chối cho gia đình gửi sách vào trong với lý do họ không thể kiểm soát được nội dung.

Bà Hợp nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do sau khi trở về từ trại tạm giam:

“Họ nói tôi không được mang đồ ăn từ nhà đến mà phải mua thức ăn từ căng-tin. Họ bày ra đấy và mình lấy một tờ giấy rồi viết những thứ mình muốn mua, rồi họ cho đồ vào một cái bao và chuyển vào nơi tiếp nhận. Giá cả thì cũng đắt, có cái đắt ít, có cái đắt nhiều.”

Trong lần gửi đồ đầu tiên, bà Hợp mua từ căng-tin của trại giam nhiều thứ, bao gồm thịt đã chế biến sẵn, muối vừng, ruốc, tôm khô, bánh mì, sữa, quýt.

Bà Hợp cho biết, một ít đậu rán căng-tin bán giá 90.000 đồng trong khi giá ngoài thị trường chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng, còn 1kg quýt có giá lên tới 90.000 đồng.

Bà cho biết nhân viên căng-tin sẽ nhận chuyển đồ vào cho người bị tạm giam nếu người nhà không trực tiếp đến gửi. Trong trường hợp như vậy, sau khi người nhà chuyển tiền mua thức ăn và đồ dùng cộng thêm khoản phí 150.000 đồng thì phía căng-tin sẽ đóng gói đồ như yêu cầu và chuyển vào trong. 

Khi được hỏi về hạn chế trong việc gửi thức ăn cho chồng mình thì bà Hợp cho biết:

“Có hai hoá đơn, một hoá đơn hạn chế mua dưới 60.000 đồng, còn hoá đơn kia thì mua thoải mái nhưng liệu có đến tay chồng mình không thì không biết.”

Điều 24 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội Việt Nam ban hành vào tháng 11 năm 2015, quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền gửi lưu ký để mua đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt của họ bằng hình thức ký sổ.” Tuy nhiên, luật này không quy định khi nào thì gia đình của người bị tạm giam/tạm giữ được quyền gửi tiền lưu ký cho người thân.

Chúng tôi tìm hiểu về việc gửi đồ cho thân nhân trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội từ một số gia đình tù nhân lương tâm khác và được biết họ có thể gửi tiền lưu ký hoặc mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt khác từ căng-tin của trại giam ngay từ lần đầu lên thăm sau khi người nhà bị bắt. 

Bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng- người bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án 5 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” cuối năm ngoái, cho biết 3 ngày sau khi chồng mình bị bắt, bà được phép gửi quần áo cùng một số đồ dùng mua tại căng-tin của trại và 2 triệu tiền lưu ký trong lần gửi đồ đầu tiên. Bà cũng nói trại tạm giam này cho phép gia đình được gửi đồ nhiều lần trong tháng và không thấy bị hạn chế tổng số tiền để mua đồ. 

Tuy nhiên, bà Na cho biết cán bộ trại không cho gia đình cho gửi thức ăn chế biến từ nhà mà phải mua tại căng-tin với giá đắt dù trong giai đoạn điều tra hay đã ra tòa xong.

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương,  cũng cho biết trong lần gửi đồ đầu tiên cho chồng tại Trại tạm giam số 1, bà chỉ được gửi quần áo. Ngày hôm sau, bà cùng nhiều người dân Dương Nội đến trại để đấu tranh thì mới được ban giám thị trại này cho gửi tiền lưu ký để ông Phương có thể sử dụng số tiền này mua đồ từ căng-tin của trại.

Bà Thu cũng nói theo kinh nghiệm của bà thì không có hạn chế về số tiền được gửi lưu ký, nhưng người bị tạm giam chỉ được tiêu 300.000 đồng trong một tuần. Tuy nhiên, nếu mua đồ từ căng-tin của trại thì số lượng và chủng loại không bị hạn chế. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment