Đăng ngày: 27/05/2022
Khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ lần đầu tiên nối lại đối thoại không chính thức sau một thập kỷ gián đoạn vào cuối năm 2017, Trung Quốc tin rằng liên minh giữa 4 nước sẽ sớm sụp đổ.\”Có vẻ như họ không bao giờ thiếu những ý tưởng để gây chú ý\”, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói một cách miễn cưỡng về QUAD như trên vào đầu năm 2018, vài tháng sau khi nhóm tổ chức cuộc họp cấp cao đầu tiên tại Manila.
Ông Vương kết luận : “Họ giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương, họ có thể gây chú ý, nhưng sau đó sẽ sớm tan biến”.
Hơn 4 năm trôi qua, đối thoại An ninh Tứ giác hay còn được gọi là Bộ Tứ vẫn tồn tại. Thay vào đó, nhóm tiếp tục phát triển trên nhiều phương diện.
Được tập hợp xung quanh phương châm thúc đẩy một \”Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở\”, 4 nước đã tổ chức hai cuộc tập trận hải quân kể từ năm 2020. Lãnh đạo các thành viên Bộ Tứ đã gặp nhau ba lần kể từ năm ngoái, bao gồm một hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng.
Hôm 24/05/2022, bốn nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau tại Tokyo. Hội nghị thượng đỉnh này là điểm nhấn trong chuyến công du đầu tiên của ông Joe Biden tới châu Á trên cương vị tổng thống Mỹ, khi ông tìm cách thúc đẩy liên minh mạnh hơn và quan hệ đối tác chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Việc nhóm tái hoạt động ban đầu đã bị Trung Quốc khinh miệt và rồi sau đó Bắc Kinh phải chuyển sang đề phòng và coi Bộ Tứ là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm bao vây Trung Quốc thông qua các đồng minh chiến lược và quân sự. Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích nhóm này là \”NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương\”, cáo buộc khối này \”phát triển tâm lý Chiến tranh Lạnh\” và \”gây ra cạnh tranh địa chính trị.\”
Mối lo lắng đó tăng lên kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina xuất hiện. Sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Matxcơva đã làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc đối với toàn cầu, khiến nước này bị cô lập hơn trên chính trường thế giới. Mọi thứ còn trầm trọng hơn với sự kiên định của Trung Quốc đối với chính sách zero-Covid, với những hạn chế nghiêm ngặt về biên giới đang cô lập nước này khỏi một thế giới mà phần lớn các nước đã vượt qua được đại dịch.
Trong khi tổng thống Biden đi khắp thế giới để củng cố các mối quan hệ ngoại giao, thì chủ tịch Tập Cận Bình đã không rời Trung Quốc trong suốt 25 tháng. Chuyến công du ngoại giao mới nhất của ông Biden tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã khiến Bắc Kinh thực sự khó chịu.
\”Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Hoa Kỳ xây dựng, nhân danh tự do và cởi mở, thực sự nhằm mục đích tạo bè phái\”, ông Vương nói như trên hôm 22/05 khi ông Biden kết thúc chuyến thăm Seoul và chuẩn bị tới Tokyo.
\”Họ tuyên bố có ý định \’thay đổi môi trường xung quanh Trung Quốc\’, nhưng mục đích của họ là kiềm chế Trung Quốc và biến các nước châu Á – Thái Bình Dương trở thành \’con tốt\’ cho quyền bá chủ của Mỹ\”, ông Vương nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng Bộ Tứ không phải là một NATO châu Á và cũng không mong muốn trở thành một liên minh. Theo giới chuyên gia, tính linh hoạt của nhóm như một diễn đàn không chính thức cho phép xây dựng nhiều quan hệ đối tác hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương mới mà Biden khởi động ở Tokyo.
Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại quỹ Marshall của Đức, Kristi Govella cho biết : \”QUAD đang cố gắng khẳng định rằng họ có một chương trình nghị sự tích cực, hướng nhiều hơn đến việc cung cấp những gì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cần, chứ không phải trở thành một thực thể chống Trung Quốc giống như NATO\”.
Động lực đằng sau QUAD
Việc ban đầu Trung Quốc nghĩ rằng Bộ Tứ sẽ tan rã, một phần do tiền lệ.
Năm 2007, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị tái lập Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc họp lần đầu vào năm 2004) và diễn đàn này tồn tại chưa đầy một năm do sự khác biệt về lợi ích và áp lực từ phía Bắc Kinh. Bộ Tứ sụp đổ vào tháng 1 năm 2008, khi Úc tuyên bố rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các tính toán địa chính trị và chiến lược trong khu vực đã thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã từ bỏ phương châm kéo dài nhiều thập kỷ của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là \”ẩn mình chờ thời\”. Thay vào đó, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, sử dụng một cách linh hoạt sức mạnh kinh tế và quân sự của mình.
Một năm sau khi ông Tập nhậm chức, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và ngày càng quân sự hóa các đảo nhân tạo trên khắp vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nước này đã tăng cường lực lượng quân sự nhằm đối phó với Nhật Bản, điều các tàu tuần duyên vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp (được gọi là quần đảo Điếu Ngư ở Trung Quốc) và điều máy bay chiến đấu vào không phận nói trên.
Thời điểm đầu đại dịch, Trung Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Và dọc theo biên giới Himalaya đang tranh chấp với Ấn Độ, binh lính Bắc Kinh và New Delhi đã đụng độ trong cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa hai bên trong vòng 4 thập kỷ.
Các căng thẳng mà Trung Quốc gây ra đã đẩy các nước châu Á tiến gần hơn đến quỹ đạo của Washington. Và dưới thời tổng thống Biden, việc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Yuki Tatsumi, đồng giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson cho biết: \”Động lực lớn nhất cho sự hồi sinh của QUAD là sự quyết đoán và hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc\”.
\”Không chỉ ở Biển Đông mà những hành động của Trung Quốc ở cả Ấn Độ Dương suốt dọc khu vực đảo Thái Bình Dương đã khiến nhận thức về Trung Quốc của các nước thành viên QUAD xích lại gần nhau hơn.\”
Khi Bắc Kinh ngày càng xa cách với phương Tây và các đồng minh, thì họ lại ngày càng xích lại gần Matxcơva, nhưng quan hệ đối tác \”không có giới hạn\” của họ với Nga đã trở thành một \”gánh nặng\” khi Nga vô cớ xâm lược Ukraina đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu.
Chuyên gia Tatsumi nhận định : \”Sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Matxcơva đã tái khẳng định hình ảnh Trung Quốc như là kẻ phá bỏ trật tự quốc tế hiện có mà các nước trong khu vực này đang được hưởng lợi và tiếp tục được hưởng lợi từ đó\”.
Mặc dù QUAD chưa bao giờ nêu đích danh Trung Quốc trước công luận, nhưng thật khó để không nhận ra những ám chỉ được che đậy qua loa. Tháng 9 năm ngoái, khi gặp mặt tại Washington, bốn nhà lãnh đạo đã cam kết \”thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên quy tắc bắt nguồn từ luật pháp quốc tế và không bị cưỡng ép\” – một lời chỉ trích rõ ràng đối với hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Đáp lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích QUAD \”phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực.\”
Hồi tháng 3, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho rằng việc lập \”các nhóm, khối nhỏ khép kín và dành riêng cho một số nước cũng nguy hiểm giống như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu\”.
Ông nói: \”Nếu những hành động tiếp diễn mà không bị kiểm soát, chúng sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng được và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương qua bờ vực thẳm.\”
\’NATO châu Á\’ không tồn tại
Các chuyên gia cho rằng phản ứng nhanh chóng và sự phối hợp của NATO đối với cuộc xâm lược Ukraina của Nga có thể khiến Bắc Kinh cảnh giác.
Trung Quốc coi nền dân chủ tự quản của Đài Loan là một tỉnh ly khai và đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang ở mức cao nhất trong những thập kỷ gần đây, với việc quân đội Trung Quốc điều số lượng máy bay chiến đấu cao kỷ lục đến gần hòn đảo – một sự phô trương sức mạnh trong khu vực.
Trong cuộc họp vào tháng 3 để bàn về cuộc khủng hoảng Ukraina, các nhà lãnh đạo trong Bộ Tứ thống nhất rằng \”không thể chấp nhận các thay đổi đơn phương đối với hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.\”
Nhưng Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Baptist Hồng Kông nhấn mạnh rằng QUAD không phải là một liên minh chính thức như NATO.
\”Đó không phải là NATO của châu Á. Cấu trúc an ninh của khu vực là một tập hợp các liên minh song phương do Mỹ ký kết sau Thế chiến thứ hai với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines. Vì vậy, không có cái gì gọi là NATO ở Đông Á.\”
Và không giống như Nhật Bản và Úc, Ấn Độ không phải là đồng minh của Mỹ. Ấn Độ đã theo đuổi truyền thống chính sách đối ngoại phi liên kết kể từ khi độc lập.
Có sự khác biệt về cấu trúc. Các chuyên gia cho biết trong những năm gần đây. Ngoài việc tập trung vào các vấn đề an ninh, Bộ Tứ còn phát triển nhiều lĩnh vực hợp tác khác, nhằm cố gắng giải quyết tốt hơn các nhu cầu trong khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm vào tháng 3 năm ngoái, các nhà lãnh đạo QUAD cam kết cung cấp một tỷ liều vac-xin Covid-19 cho khắp châu Á vào cuối năm 2022. QUAD cũng đã thành lập các nhóm chuyên gia phụ trách hồ sơ biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Trong chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương, một kế hoạch được tính toán từ lâu nhằm thúc đẩy sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng khuôn khổ này có thể tạo động lực cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước trong nhóm QUAD, chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Trong con mắt của Bắc Kinh, những nỗ lực này có thể sẽ được coi là một khiêu khích trực tiếp. Hôm 22/05, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, mặc dù Trung Quốc luôn hoan nghênh các đề xuất có lợi cho hợp tác khu vực, nhưng nước này phản đối các nỗ lực gây chia rẽ và xung đột.
Ông Vương nói : \”Bất kỳ ai cố gắng cô lập Trung Quốc bằng một khuôn khổ nào đó thì sẽ chỉ tự cô lập chính bản thân mình.\”
Nhưng QUAD sẽ cần phải chứng minh rằng nhóm có thể thực hiện những lời hứa của mình. Những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã gặp khó khăn và Mỹ sẽ cần thuyết phục các đồng minh và đối tác tiềm năng rằng họ sẽ giữ cam kết với khu vực sau nhiệm kỳ của tổng thống Biden.
Susannah Patton, một nhà nghiên cứu tại viện Lowy ở Sydney cho biết, QUAD đã vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà phân tích. Bà nói : \”Nhóm QUAD là một phương tiện để (các thành viên của nhóm) trình bày một tầm nhìn khác về cách thức hoạt động của khu vực và báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẽ không thể luôn làm mọi thứ theo ý mình.\”
\”Trong tương lai, cách thức phát triển của QUAD phần lớn sẽ phụ thuộc vào các hành động của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá hoại các chuẩn mực trong khu vực và đe dọa các nước khác, Bộ Tứ sẽ đáp trả.\”