Dưới thời Thượng phụ Kirill, giáo hội Chính thống Nga đã trở thành nơi chính yếu lan truyền tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Putin…
- Lê Tây Sơn
27 tháng 5, 2022
Thượng phụ Kirill – đồng minh giáo hội Chính thống của Tổng thống Nga Vladimir Putin – đã giúp huy động người dân ủng hộ vô điều kiện cho cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Thượng phụ Kirill đã tiếp thêm sức sống cho cuộc xâm lược khi nói dối với hàng triệu tín đồ rằng cuộc chiến Ukraine là “cuộc đấu tranh thần thánh chống lại phương Tây”.
Bệ đỡ vững chắc cho Putin
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai, Thượng phụ Kirill, một đồng minh quan trọng của Putin, đã đặt giáo hội Chính thống Nga ngay sau tổng thống, mang lại cho Putin sự ủng hộ quan trọng tại một quốc gia có 63% dân số theo Chính thống giáo. Trong các bài giảng được phát trên các kênh truyền hình Chính thống giáo và YouTube, vị giáo chủ 75 tuổi, người đã lãnh đạo nhà thờ từ năm 2009, nói rõ chiến dịch quân sự của Nga là để bảo tồn và thống nhất các vùng đất Đông Slav bao gồm Ukraine dưới thẩm quyền tinh thần và chính trị của Moscow. Luận điểm này được Kirill tán thành với sự nhiệt tình đặc biệt từ năm 2012.
Dưới thời Thượng phụ Kirill, giáo hội Chính thống Nga đã trở thành nơi chính yếu lan truyền tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Putin. Sergey Chapnin, người trước đây từng làm việc với Kirill như biên tập viên tạp chí hàng tháng của giáo hội và hiện trở thành người chỉ trích, cho biết: “Phục tùng là mệnh lệnh của chế độ cũng giống như các kênh truyền hình nhà nước và các tập đoàn lớn của Nga”. Ông nhấn mạnh: “Các giáo sĩ cấp cao là thành phần của ‘chủ nghĩa Putin’ thối nát. Thật khủng khiếp khi sự hợp tác với nhà nước đã biến nhà thờ thành con cừu non và vô đạo đức!”.
Sự ủng hộ của Kirill được xem là một yếu tố quan trọng giúp hợp thức hoá cuộc xâm lược khi quân đội Nga tiến vào Ukraine trong chiến dịch xâm chiếm lãnh thổ. Hàng ngàn binh sĩ Nga bỏ mạng ở đó và những vết nứt dần xuất hiện trong những câu chuyện truyền hình được dàn dựng cẩn thận về sức mạnh của một quân đội đang rệu rã. Bên ngoài nước Nga, lòng trung thành của Kirill đối với Putin đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong cộng đồng Chính thống giáo phương Đông với khoảng 220 triệu tín đồ. Nhưng có vẻ ông ta còn say máu hơn nữa khi đối mặt những lời chỉ trích.
Liên minh châu Âu (EU) hiện xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Kirill, gồm cả đóng băng tài sản và cấm đi lại. Vladimir Legoida, phát ngôn viên của Kirill, bác bỏ cáo buộc nhà thờ bị chính trị hóa quá mức. “Chúng tôi nghe thấy điều này thường xuyên và nó hoàn toàn đến từ những người không hài lòng với việc nhà thờ không trở thành công cụ của phe đối lập. Sự hợp tác của nhà thờ với nhà nước chỉ phản ánh nhu cầu của xã hội” – ông ta biện bạch trong một văn bản.
Vào Tháng Ba, Kirill đã ban tặng một thánh tích tôn kính của Đức Mẹ Đồng trinh cho Giám đốc Vệ binh Quốc gia, một tay tướng đã bị cả châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt, với hy vọng điều này “sẽ truyền cảm hứng cho những người lính trẻ bảo vệ tổ quốc”. Trong một bài phát biểu gần đây, ông ta cáo buộc phương Tây đe dọa “diệt chủng” đối với các quốc gia không cho phép người đồng tính biểu tình hoặc tán thành các giá trị tự do kiểu phương Tây.
Trong Lễ Phục sinh Chính thống giáo vào ngày 24 Tháng Tư, Putin đã tham dự thánh lễ do Kirill chủ trì tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moscow. Trong thông điệp Phục sinh hàng năm, Tổng thống Nga cảm ơn Kirill đã “phát triển sự hợp tác hiệu quả với nhà nước” và “quan tâm tăng cường sự đoàn kết và hiểu biết giữa mọi người”.
Các giáo sĩ Chính thống giáo Nga thường có các bài giảng ủng hộ Điện Kremlin phát sóng trên các kênh truyền hình Chính thống giáo. Trong một lần xuất hiện gần đây trên kênh Tsargrad, giáo sĩ Andrei Tkachev sinh ra ở Ukraine đã tố cáo những người phản đối chiến dịch quân sự là âm mưu lật đổ nhà nước Nga. “Tư tưởng chủ hòa còn nguy hiểm hơn chiến tranh” – ông ta nói. Một cuộc khảo sát vào Tháng Tư của FOM do nhà nước hậu thuẫn cho thấy 66% người Nga tin vào giáo hội Chính thống Nga và 54% tin tưởng cá nhân Thượng phụ Kirill. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa dân số ủng hộ cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tại Ukraine, gần 2/3 số nhà thờ Chính thống giáo vẫn chính thức liên kết với giáo hội Chính thống Nga. Trước chiến tranh, hệ phái nhà thờ này đã giúp duy trì ảnh hưởng rộng lớn của Moscow ở Ukraine, thông qua các hội nghị, các chuyến thăm cá nhân của Kirill và một chiến dịch truyền thông xã hội phối hợp cổ vũ cho một giáo hội Chính thống Nga thống nhất trải dài khắp khu vực.
Những tiếng nói phản bác
Cuộc tranh luận gay gắt về việc giáo hội Chính thống Nga ủng hộ chiến tranh đã nổ ra ở Nga và trong cộng đồng Chính thống giáo phương Đông, nhóm Cơ đốc nhân lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau giáo hội Công giáo La Mã. Vào ngày 25 Tháng Hai, một giáo sĩ của một giáo xứ nông thôn nằm ở phía Đông Bắc Moscow đã so sánh chiến dịch Putin vừa phát động với cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler năm 1939. “Những người lính Nga đang giết chết anh chị em của họ trong nhà Chúa – Giáo sĩ Ioann Burdin viết trên trang web của giáo xứ – Chúng ta không thể xấu hổ nhắm mắt để gọi màu đen là trắng và những điều xấu xa là tốt”.
Bị buộc tội “làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga” trong một bài giảng vào ngày 6 Tháng Ba, và bị phạt khoảng $500, Burdin là một trong 273 giáo sĩ của Chính thống giáo Nga đã ký vào lời kêu gọi phản chiến được công bố trên cổng thông tin nhà thờ độc lập Pravmir vào ngày 1 Tháng Ba. Hàng trăm giáo sĩ và nhà thần học Chính thống giáo trên toàn cầu cũng viết thư ngỏ tố cáo sự câu kết của Kirill và Putin trong cuộc xâm lược và chỉ trích khái niệm “Thế giới Nga” mà họ gọi là “một hình thức của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo”.
Ở Ukraine, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, giáo hội Chính thống Ukraine ly khai ra đời với khoảng 7,000 giáo xứ, chiếm 1/3 tổng số, để tách khỏi nhà thờ Nga. Thượng phụ Bartholomew I của thành phố Constantinople (Hy Lạp) được xem là nhà lãnh đạo tinh thần toàn cầu của Chính thống giáo phương Đông, không đồng tình với sự phản đối của Moscow và chấp nhận giáo hội mới vào năm 2019. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Thượng phụ Bartholomew đã chỉ trích gay gắt sự xâm lược của Nga.
Quá khứ KGB của kẻ đi đêm với quỷ
Sinh ra với tên Vladimir Gundyaev, Kirill được nhiều nhà sử học tin rằng là ông từng là đặc vụ KGB. Dưới thời Kirill, nhà thờ đã ủng hộ nỗ lực của Putin nhằm giành lại ảnh hưởng đối với các vùng lãnh thổ từng thuộc Liên Xô, gồm bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 và một phần miền Đông Ukraine do phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát.
Kirill sinh năm 1946, ở thành phố Leningrad, nay là St.Petersburg. Sau khi tốt nghiệp chủng viện Leningrad năm 1970, ông đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của giáo hội và gia nhập bộ phận quan hệ đối ngoại, một vị trí cho phép ông thường xuyên công du nước ngoài khi đa số người dân Liên Xô bị cấm. Bằng chứng từ các hồ sơ thời Liên Xô được công khai vào thập niên 1990 cho thấy Kirill là một điệp viên KGB với mật danh “Mikhailov”.
Mặc dù không nêu đích danh, nhưng một số tài liệu nói “Mikhailov” là người đại diện cho Nhà thờ Chính thống Nga tại Hội đồng Nhà thờ Thế giới (World Council of Churches-WCC) có trụ sở tại Thụy Sĩ với nhiệm vụ được trao là dự các hội nghị nhà thờ quốc tế và cung cấp thông tin cho KGB. Chi tiết này phù hợp với tiểu sử của Kirill, người mới 24 tuổi khi trở thành đại diện của nhà thờ tại WCC vào năm 1971. Felix Corley, một tác giả ở Vương quốc Anh chuyên nghiên cứu các mối liên hệ của KGB với các lãnh đạo nhà thờ, nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Kirill chính là một đặc vụ KGB. Vào cuối thời kỳ Liên Xô, việc các nhà lãnh đạo cấp cao của giáo hội Chính thống giáo và các tôn giáo khác hợp tác với cảnh sát mật là điều bình thường dù mức độ khác nhau”.
Ban đầu, Kirill được xem là một nhà cải cách không bị chính quyền khuất phục và tìm cách làm sạch hình ảnh giáo hội như “một thể chế đang bị vấy bẩn bởi mối quan hệ với KGB”. Ông bị sa thải khỏi vị trí hiệu trưởng Học viện Thần học Leningrad năm 1984 và được gửi đến tỉnh Smolensk vì dám công khai phản đối cuộc chiến tranh của Liên Xô ở Afghanistan và truyền bá “ảnh hưởng của phương Tây” cho sinh viên bằng cách dạy các tư tưởng thần học phương Tây. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận quan hệ đối ngoại của nhà thờ và ngồi đó suốt 20 năm.
Khi trở thành thượng phụ năm 2009, Kirill chuyển dần sang ủng hộ Putin dù ông vẫn được xem là nhà cải cách trong thể chế bảo thủ truyền thống, ví dụ ủng hộ làn sóng phản đối cuộc bầu cử Quốc hội gian lận vào Tháng Mười Hai 2011 bằng cách kêu gọi chính quyền nên lắng nghe yêu cầu của những người biểu tình. Nhưng chỉ vài tuần sau, tất cả đã thay đổi sau cuộc gặp trực tiếp với Putin và các lãnh đạo Chính thống giáo khác (lúc đó, Putin là thủ tướng sau khi giữ chức tổng thống từ năm 2000 đến năm 2008 để đáp ứng điều kiện ra tranh nhiệm kỳ tổng thống thứ ba). Tại cuộc họp, Kirill ca ngợi Putin đã giúp Nga phục hồi sau sụp đổ kinh tế thập niên 1990 và so sánh sự cai trị của Putin với “phép màu từ Chúa”.
Vào Tháng Tư 2012, các blogger người Nga bỗng chú ý một bức ảnh được công bố trên trang web của nhà thờ Nga vào Tháng Bảy 2009, cho thấy Kirill đeo một chiếc đồng hồ Breguet của Thụy Sĩ trị giá $30,000. Khi bị phe đối lập chế nhạo, Kirill nói với một nhà báo Nga là ông ta có một chiếc Breguet nhưng chưa bao giờ đeo, rằng “các bức ảnh là ghép”.
Sau khi Liên Xô tan rã, chính phủ mới thông qua luật cho phép giáo hội Chính thống Nga đòi lại tài sản bị quốc hữu hóa trong nhiều thập niên, đồng thời tài trợ một chương trình khổng lồ xây dựng nhà thờ trên khắp đất nước, với nguồn vốn từ các doanh nghiệp công hoặc các quỹ liên kết với giáo hội. Dưới thời Kirill, các nhà thờ mới dành cho Cơ quan An ninh Liên bang, Lực lượng Dù, Vệ binh Quốc gia, và Các ực lượng Vũ trang Nga, đều được ban phép. Nhà thờ Các lực lượng Vũ trang Nga có sàn được lát bằng kim loại đúc từ vũ khí nấu chảy thu giữ của Đức Quốc xã, các bức tranh tường về cảnh chiến đấu và có tòa nhà phụ dành riêng cho các vị thánh bảo trợ của quân đội Nga.