30 tháng 5 2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 30/5 tuyên bố ông không có kế hoạch gửi cho Ukraine loại tên lửa tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga.
\”Tôi sẽ không gửi bất cứ thứ gì có thể bắn vào Nga\”, Biden nói tại Nhà Trắng hôm thứ Hai khi được hỏi liệu ông có định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine hay không.
Ông Biden chỉ nói ngắn gọn, và vào lúc này chưa rõ Tổng thống Mỹ ám chỉ cụ thể loại vũ khí nào.
Trong vài ngày qua, truyền thông Mỹ, Anh đưa tin chính phủ Mỹ dường như sắp gửi một hệ thống tên lửa đa năng tầm xa (MLRS) tới Ukraine.
Nga coi việc chuyển giao vũ khí hạng nặng như vậy là một hành động leo thang khiêu khích.
Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức Ukraine khác đã thúc giục chuyển giao MLRS để chống lại các cuộc oanh tạc dữ dội của Nga ở khu vực phía đông Donbas.
Nga tiếp tục tấn công Severodonetsk và các khu vực khác của Donbas bằng tên lửa, xe tăng và các cuộc không kích.
Lực lượng của Kyiv hiện đang sử dụng pháo M777 do Mỹ chuyển giao, có tầm bắn khoảng 25km (16 dặm). Nhưng MLRS sẽ cho phép Ukraine đạt đến các mục tiêu xa hơn thế rất nhiều.
Một khẩu đội M270 MLRS có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó loại tiên tiến nhất có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 300km (186 dặm). Tuy nhiên, nó cũng có thể bắn các tên lửa tầm ngắn hơn với tầm bắn khoảng 70 km (43 dặm).
Giới hạn Ukraine với các tên lửa nhỏ hơn có thể là một cách để Mỹ tránh leo thang xung đột, trong khi vẫn cải thiện đáng kể kho vũ khí của Ukraine.
Một quan chức cấp cao của Mỹ được Washington Post dẫn lời cho biết Nhà Trắng cảm thấy thoải mái khi trao cho Ukraine hệ thống MLRS, nhưng sẽ giữ lại các vũ khí tầm xa nhất tương thích với hệ thống này.
Có những lo ngại rằng Ukraine có thể sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, và hành động như vậy có nguy cơ khiến Mỹ và các đồng minh Nato rơi vào xung đột trực tiếp với Moscow.
Vương quốc Anh cũng sở hữu hệ thống tên lửa MLRS. Thủ tướng Boris Johnson cho biết Ukraine nên nhận các tên lửa \”để tự vệ trước loại pháo rất tàn bạo của Nga\”, nhưng ông không nói rằng Anh sẽ cung cấp chúng.
Mỹ đã sử dụng MLRS để tiêu diệt các mục tiêu chính của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-91 và năm 2003.
Nga coi đây là \’chiến tranh ủy nhiệm\’
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây \”bơm vũ khí cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine\”.
Ông nói rằng phương Tây đang \”tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm\” chống lại Nga, điều mà ông cảnh báo, có nghĩa là \”sự leo thang không thể tránh khỏi\”.
Tuần trước, một người dẫn chương trình trên truyền hình nhà nước Nga cho biết Mỹ sẽ vượt qua \”lằn ranh đỏ\” bằng cách cung cấp MLRS cho Ukraine, và nó sẽ được coi là một nỗ lực nhằm \”kích động phản ứng rất gay gắt từ Nga\”.
Trong một động thái nhằm giúp Ukraine bảo vệ cảng trọng yếu ở Biển Đen, Đan Mạch đã cung cấp tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, có tầm bắn khoảng 130km (70 hải lý).
Ukraine có thể triển khai chúng cùng với tên lửa Neptune của họ, được cho là đã đánh chìm tuần dương hạm Moskva hàng đầu của Nga hồi tháng trước.
Tên lửa tầm xa của Nga đã tấn công các cơ sở giao thông đường sắt, kho chứa dầu và các cơ sở hạ tầng khác ở miền Tây Ukraine – phần nào được xem như một nỗ lực nhằm ngăn cản việc chuyển giao vũ khí của phương Tây.
Trong khi đó, tin cho hay Nga đã bắn hệ thống đa tên lửa loại mới nhất của mình vào các mục tiêu của Ukraine ở khu vực Kharkiv – một loại vũ khí được mô tả như một súng phun lửa khổng lồ. Việc sử dụng nó đã được hãng thông tấn Tass đưa tin, trích lời một quan chức an ninh Nga.
TOS-2 Tosochka là loại vũ khí nhiệt áp: nó tạo ra một vụ nổ lớn bằng cách đốt cháy một đám mây khí gas khi va chạm, làm mất oxy của bất kỳ ai trong khu vực vụ nổ.
Nga cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho các thành phố của Ukraine bằng cách sử dụng tên lửa hành trình tầm xa, một số được bắn từ tàu chiến.