Nga đẩy mạnh chiến lược dùng lương thực làm vũ khí chống phương Tây ?

Đăng ngày: 30/05/2022

\"\"
\"\"
(Ảnh minh họa) – Các tàu hàng tại cảng Odessa, Ukraina, tháng 11/2016. REUTERS – Valentyn Ogirenko

Trọng Nghĩa

Nguy cơ khủng hoảng lương thực tại nhiều nơi trên thế giới do Nga phong tỏa các hải cảng của Ukraina ngày càng lộ rõ. Đích thân tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã nêu vấn đề này với nguyên thủ Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm ngày 28/05/2022, và phản ứng của Matxcơva rất rõ ràng : “Sẵn sàng” giúp tái lập việc xuất khẩu ngũ cốc, nhưng phương Tây phải gỡ bỏ trừng phạt nhắm vào Nga.

Đối với giới phân tích, đây là thêm một dấu hiệu cho thấy Matxcơva đang tiếp tục chiến lược sử dụng vũ khí lương thực để chống lại phương Tây. Theo hầu hết các nhà quan sát, trước mắt Nga là nước thắng lớn trong cuộc khủng hoảng lương thực mà Matxcơva đã góp phần gây ra với cuộc xâm lược Ukraina. Các cuộc giao tranh đã khiến cho các cảng ở Biển Đen, đầu mối chính xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, bị phong tỏa, đẩy giá các mặt hàng này tăng vọt. 

Một ví dụ điển hình là giá lúa mì trên thế giới đã vượt mức 400 euro/tấn trên thị trường Paris, trong khi trước chiến tranh, giá này chỉ dao động quanh mức 280 euro. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, trong bối cảnh Nga, một nhà sản xuất lớn trên thế giới vẫn tiếp tục xuất khẩu, sản phẩm của họ đã được giá cao, mang về cho Matxcơva một nguồn lợi tức quan trọng. Theo dữ liệu của hãng SovEcon, chuyên nghiên cứu thị trường nông nghiệp vùng Hắc Hải, Matxcơva đã thu về 1,9 tỷ đô la kể từ tháng 9/2021, chỉ riêng nhờ thuế xuất khẩu.  

Không chỉ thế, cuộc chiến Ukraina đã cho phép Matxcơva gạt bỏ được Ukraina, đối thủ chính của Nga trên thị trường nông sản quốc tế, khi những biện pháp phong tỏa của Nga trên Biển Đen đã chặn đứng đường xuất khẩu chủ yếu của Ukraina. 

Phương Tây và chính quyền Kiev đang cố gắng tìm cách đưa được 10 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraina. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc đường bộ đang yếu kém, lại có khác biệt lớn về khổ đường ray ở Ukraina, kế thừa từ thời Liên Xô, và ở Ba Lan, nên vận chuyển lương thực qua ngả đường bộ không phải là giải pháp tốt. 

Khả năng dùng võ lực để phá phong tỏa trên biển của Nga cũng được gợi lên, nhưng hiện chưa có nước phương Tây nào dám thúc đẩy, cho dù trên trường quốc tế, Nga hiện bị coi là thủ phạm chính của tình trạng hỗn loạn lương thực hiện nay.  

Hôm thứ Hai 23/05, tại Diễn Dàn Kinh Tế Thế Giới Davos, ông David Beasley, người đứng đầu Chương Trình Lương Thực Thế Giới, cho rằng : “Việc không mở lại các cảng là một lời tuyên chiến với an ninh lương thực toàn cầu.” Đây cũng là quan điểm của bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, khi bà cáo buộc Putin sử dụng “nạn đói và ngũ cốc để thực thi quyền lực của mình”.  

Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ các cáo buộc trên. Theo Điện Kremlin, “những nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những khó khăn trong việc đưa nông sản phẩm đến các thị trường thế giới đều không có căn cứ”.  

Về phần mình, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho “các lệnh trừng phạt Nga của Hoa Kỳ và châu Âu” là nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực. Trả lời tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/05, ông không hề thay đổi thái độ khi cho rằng “Nga sẵn sàng giúp tìm ra các phương án cho việc xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả ngũ cốc của Ukraina từ các cảng trên Biển Đen”, nhưng phương Tây “hiển nhiên là phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt” nhắm vào Matxcơva.   

Nga như vậy đã mặc nhiên công nhận là họ sử dụng lương thực làm đòn bẩy địa chính trị. Trên báo Pháp Les Echos, Tim Benton, giám đốc nghiên cứu của viện Chatham House tại Luân Đôn đã nói thẳng: “Đó là sử dụng thực phẩm như một vũ khí chiến tranh”. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment