31 tháng 5 2022
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thống nhất về kế hoạch cấm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Nga.
Hiện thời, lệnh cấm là một thỏa hiệp mà sẽ không gây ảnh hưởng đến việc nhập khẩu dầu qua đường ống, sau sự phản đối của Hungary.
Chánh văn phòng Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết thỏa thuận này đã cắt đi \”một nguồn tài chính khổng lồ\” cho cỗ máy chiến tranh của Nga.
Đây là một phần của gói trừng phạt thứ sáu được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels với tất cả 27 quốc gia thành viên đã nhất trí.
Ông Michel cho biết EU cũng đã đồng ý các biện pháp cứng rắn nhắm vào ngân hàng lớn nhất của Nga – Sberbank và ba đài truyền hình quốc doanh.
Các thành viên EU đã bỏ ra hàng giờ đồng hồ gắng sức giải quyết những khác biệt về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, với Hungary là nước phản đối chính.
Ông Michel nói với các phóng viên sự thỏa hiệp là kết quả của nhiều tuần tranh luận, cho đến khi đi đến thống nhất với \”một sự miễn trừ tạm thời đối với dầu đi qua các đường ống dẫn đến EU\”.
Do đó, các biện pháp trừng phạt trước mắt sẽ chỉ ảnh hưởng đến lượng dầu của Nga được vận chuyển vào EU qua đường biển – chiếm 2/3 tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Nhưng thực tế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết phạm vi của lệnh cấm sẽ rộng hơn, vì Đức và Ba Lan đã tình nguyện cắt giảm dần lượng dầu nhập khẩu qua đường ống vào cuối năm nay.
Bà Von der Leyen cho biết: \”Phần còn lại khoảng 10-11% gồm các khu vực Druzhba phía nam\”, bà Von der Leyen nói khi đề cập đến đường ống Nga cung cấp dầu cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Hội đồng châu Âu sẽ xem xét lại sự miễn trừ này \”càng sớm càng tốt\”, bà nói thêm.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ban đầu được đề xuất bởi Ủy ban châu Âu – cơ quan xây dựng luật cho các quốc gia thành viên – vào một tháng trước.
Nhưng sự phản đối, đặc biệt là từ Hungary, quốc gia nhập khẩu 65% dầu từ Nga thông qua các đường ống dẫn, đã làm đình trợ đợt trừng phạt mới nhất của EU.
Các quốc gia không giáp biển khác, chẳng hạn như Slovakia và Cộng hòa Séc, cũng yêu cầu thêm thời gian vì các nước này phụ thuộc vào dầu của Nga. Bulgaria, đã bị Gazprom ngừng cung cấp khí đốt của Nga, cũng đã tìm cách không tham gia.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra trên khắp châu Âu cũng không giúp được gì. Giá năng lượng tăng vọt – trong số những thứ khác – đã hạn chế sự mong muốn của một số nước EU đối với các lệnh trừng phạt, vốn cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong suốt cuộc hội đàm, đồng thời đổ lỗi cho Ủy ban châu Âu đã không đàm phán một cách hợp lý về lệnh cấm với các nước thành viên.
Ông nói rằng năng lượng là một \”vấn đề hệ trọng\” và \”chúng ta cần các giải pháp và sau đó mới là các lệnh trừng phạt\”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã tham dự hội nghị thượng đỉnh, kêu gọi các nước EU ngừng \”cãi vã\” nội bộ, tuyên bố rằng điều này chỉ giúp đỡ cho Moscow.
Ông Zelensky nói: \”Mọi cuộc cãi vã ở châu Âu phải đi đến hồi kết, những bất hòa nội bộ chỉ khuyến khích Nga ngày càng gây áp lực lên quý vị\”.
Ông nói: \”Đã đến lúc quý vị không thể chia rẽ, không phải là những mảnh riêng lẻ, mà là một tổng thể thống nhất.\”
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói các nước thành viên không nên \”sa lầy\” vào lợi ích cá nhân của riêng mình.
Ông nói: \”Nó sẽ khiến chúng ta phải trả giá nhiều hơn. Nhưng đó chỉ là tiền bạc. Người Ukraine đang phải trả giá bằng sinh mạng của mình\”.
Chiến tranh Ukraina : Liên Âu đồng thuận về loạt trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga
Đăng ngày: 31/05/2022 – 11:24
2 phút
Ukraina đã giành được một chiến thắng trên mặt trận cấm vận dầu khí của Nga ? Hôm qua, 30/5/2022, sau một ngày họp căng thẳng, lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được một đồng thuận về loạt trừng phạt mới, loạt thứ sáu, nhắm vào Nga. Thỏa thuận này đặc biệt cho phép thiết lập một lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga.
Từ Bruxelles, đặc phái viên đài RFI, Valérie Gas cho biết cụ thể :
« Đúng vào nửa đêm, làn khói trắng bốc lên từ cuộc họp của lãnh đạo Liên Âu – hình ảnh ví von như cuộc bầu giáo hoàng thành công, một thông báo rất được trông đợi : Một thỏa thuận ngưng nhập khẩu khoảng 90% dầu hỏa của Nga từ đây đến cuối năm. Thỏa thuận liên quan đến việc giảm dần nhập khẩu dầu lửa qua đường biển, chiếm đến 2/3 lượng mua, cộng với việc Đức và Ba Lan cam kết ngưng nguồn nhập bằng đường bộ từ đây đến năm 2023.
Sự ngập ngừng của Hungary, vốn bị phụ thuộc nhiều vào dầu hỏa của Nga, cuối cùng cũng đã được giải quyết. Hungary đã có được một thời hạn để nhập khẩu và những bảo đảm về nguồn cung ứng để chấp nhận các đề xuất của Liên Âu và cho phép thông qua loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Nhiều biện pháp khác cũng được dự trù : Sherbank, ngân hàng lớn nhất của Nga chẳng hạn sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống SWIFT ; ba kênh truyền hình của Nga sẽ bị cấm hoạt động cũng như nhiều trừng phạt khác nhắm vào các cá nhân có can dự vào cuộc chiến sẽ được đưa ra.
Mục tiêu ở đây, đặc biệt là từ phía Pháp, là buộc Nga phải « đánh giá lại chi phí chiến tranh » của mình. Khi đồng thuận về những loạt trừng phạt mới, châu Âu cuối cùng đã vượt qua được những chia rẽ để thể hiện tình đoàn kết với Ukraina. »
Theo giải thích chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cấm vận dầu lửa của Nga sẽ được tiến hành từng bước, ngừng nhập dầu thô trong sáu tháng tới, ngừng nhập các loại sản phẩm đã qua tinh chế, trong tháng tới/ Biện pháp này là vấn đề gai góc nhất gây nhiều tranh cãi do vấp phải sự phản đối từ Budapest. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, thủ tướng Hungary, Victor Orban hoan nghênh Liên Âu miễn trừ cấm nhập khẩu dầu hỏa bằng hệ thống ống dẫn trên bộ.
Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu cũng nhất trí cấp một khoản tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraina để trang trải nhu cầu tiền mặt trong trước mắt và điều hành nền kinh tế. Kiev ước tính mỗi tháng cần đến 5 tỷ euro. Châu Âu khẳng định đây là khoản « cho vay dài hạn » với lãi suất ưu đãi.