Đăng ngày: 31/05/2022
Khuya hôm qua (30/05), Hội Đồng Châu Âu đã nhất trí về loạt trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga, được Ủy Ban Châu Âu đề xuất trước đó 4 tuần, sau khi đạt được thỏa thuận về trường hợp đặc biệt Hungary và Slovakia. Loạt trường phạt thứ 6 sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn.
Trừng phạt Nga luôn là chủ đề gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu. Được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã phải kêu gọi 27 nước « ngừng tranh cãi » mà tập trung vào đối tượng chính là Nga. Trong loạt trừng phạt thứ 6 có thêm bốn ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thông tin Swiff, trong đó có ngân hàng lớn nhất Sberbank (chiếm 37% thị trường nội địa), ba đài phát thanh nhà nước Nga bị cấm ở châu Âu và khoảng 60 cá nhân Nga bị đưa vào « danh sách đen », trong đó có thượng phụ Kirill…
Thế nhưng, « cấm vận dầu lửa Nga tiếp tục gây chia rẽ EU », theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos. Liên Hiệp Châu Âu « gây sức ép tối đa đối với Viktor Orban » và cuối cùng phải nhân nhượng hai nước thành viên Hungary và Slovakia để « có thể trừng phạt Nga ngay lập tức ». Cụ thể, « 90% khối lượng dầu lửa nhập từ Nga sẽ nằm trong loạt trừng phạt » từ giờ đến cuối năm, trong đó 2/3 được giao bằng đường biển, cùng với quyết định đơn phương của Đức và Ba Lan ngừng nhập khẩu dầu Nga từ giờ đến cuối năm. Ba nước Hungary, Cộng Hòa Séc và Slovakia, phụ thuộc nhiều vào dầu lửa Nga, có thời hạn 4 năm, thay vì hai năm theo đề xuất ban đầu của Ủy Ban Châu Âu, để tìm nguồn cung thay thế và cải tạo hạ tầng.
Như vậy, dầu lửa được chuyển qua đường ống Hữu nghị – Druzhba sẽ tạm thời được miễn trong loạt trừng phạt này. Hungary, nước phụ thuộc 65% vào dầu lửa Nga, đã yêu cầu Bruxelles tài trợ 800 triệu euro để tái cơ cấu các nhà máy lọc dầu cho phù hợp với nguồn cung mới và xây dựng đường nối với đường ống của Croatia. Ngoài ra, thủ tướng Orban yêu cầu « cần được bảo đảm trong trường hợp xảy ra sự cố với đường ống dẫn dầu đi qua Ukraina (do Nga hoặc Ukraina cắt), Hungary có quyền nhận được dầu từ những nguồn cung khác ».
Theo Le Figaro, đây là giải pháp để « Liên Hiệp Châu Âu tìm cách thoát khỏi bế tắc về dầu lửa Nga ». Còn một quan chức ở Bruxelles cho rằng « châu Âu phải thể hiện sức mạnh », hình thành « một mặt trận đoàn kết » để cắt nguồn thu từ dầu lửa của Nga. Đây là lĩnh vực chưa bị đụng tới trong 5 loạt trừng phạt trước đó và mang lại cho Nga 100 tỉ đô la năm 2021.
Nhật báo Les Echos phản ánh mối quan ngại của giới chủ Ý Confindustria vì cho rằng cấm vận khí đốt và dầu lửa Nga là biện pháp « phản tác dụng » cho người dân Ý, cũng như châu Âu. Do đó, họ yêu cầu chính phủ nhanh chóng thông qua mức giá bán buôn khí đốt, kể cả việc Roma tự ban hành nếu không có quyết định từ Liên Hiệp Châu Âu.
Nga mất gần 1/3 ngân sách vì bị cấm vận chất đốt
Một phần ba ngân sách liên bang Nga là từ nguồn thu dầu lửa và khí đốt, được dành chi trả tất cả nhu cầu của Nga : lương của công chức, trợ cấp hưu trí, chăm sóc y tế và hoạt động của cảnh sát.Theo nhật báo Les Echos, « các biện pháp trừng phạt sẽ khuyến khích sự đa dạng của nền kinh tế Nga », có nghĩa là phải tìm các nguồn thu mới, phát triển các ngành công nghiệp dân sự nếu như châu Âu ngừng mua ngay chất đốt của Nga. Ngoài ra, chính quyền Matxcơva cũng phải ưu tiên phát triển trong nước để tránh tình trạng chảy máu chất xám. Ví dụ, năm 2012 có khoảng 14.000 nhà nghiên cứu rời khỏi Nga, con số này tăng thành 70.000 người trong năm 2021.
Trước mắt, giả thuyết Trung Quốc trở thành khách hàng của Nga thay thế châu Âu khó thành công vì đại dịch Covid-19 cùng với các đợt phong tỏa đang đè nặng lên nền kinh tế của nước này và làm giảm nhu cầu về năng lượng. Hệ thống đường ống vận chuyển chất đốt sang châu Á vẫn còn bị hạn chế. « Power of Siberia » là đường ống dẫn khí duy nhất nối Nga với Trung Quốc nhưng chỉ hoạt động một nửa công suất ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng. Cuối cùng, cũng phải tính tới yếu tố Bắc Kinh muốn giữ thế cân bằng trong các vấn đề địa-chính trị vì kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc và Mỹ cao hơn gấp 5 lần so với Nga. Tương tự, Liên Hiệp Châu Âu cũng là đối tác thương mại lớn gấp 5 lần Nga của Trung Quốc.
EU thiếu vũ khí để gửi hàng loạt cho Ukraina
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thảo luận về khoản hỗ trợ 9 tỉ đô la cho Kiev trong năm 2022 để tái vận hành nền kinh tế Ukraina và vấn đề bảo đảm an ninh lượng thực thế giới do Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraina ở biển Azov.
Ngoài khoản viện trợ trên, nhật báo Libération cho biết « Hội Đồng Châu Âu để mắt đến vũ khí » trong cuộc họp thượng đỉnh ở Bruxelles. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu dường như bất lực trước khả năng cung cấp khối lượng lớn vũ khí cho Ukraina, do hai nguyên nhân « thiếu đầu tư vào quốc phòng » và « thiếu thời gian ».
Kho vũ khí của nhiều nước châu Âu đang ở mức rất thấp, mà Đức là một ví dụ và Berlin đã không gửi gì cho Ukraina từ nhiều tuần qua. Chiến lược tự chủ quốc phòng châu Âu, từng bị coi là « ảo tưởng », được tổng thống Pháp tái khởi động tại thượng đỉnh ngày 11/03 ở Versailles, càng trở nên cần thiết trong bối cảnh như hiện nay.
Nhu cầu trước mắt là phải nhanh chóng bổ sung những khiếm khuyết năng lực của châu Âu. Tiếp theo là phải tránh để hàng trăm tỉ euro đầu tư thêm cho quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu, nếu tuân thủ mức 2% GDP dành cho ngân sách quốc phòng, đổ vào túi các nhà công nghiệp quân sự Mỹ bởi vì Bruxelles không có một đạo luật mua hàng châu Âu (Buy European Act) theo mô hình « Buy American Act » dành đấu thầu công cho các nhà công nghiệp châu Âu.
Ủy Ban Châu Âu đề xuất một loạt biện pháp để ưu tiên mua trang thiết bị quốc phòng của các nhà sản xuất châu Âu : tái lập các kho vũ khí với ngân sách 500 triệu eurro qua hình thức đầu tư chung của châu Âu, mua chung thiết bị quốc phòng hoặc miễn thuế VAT cho các thiết bị của châu Âu.
Đức bổ sung 100 tỉ euro hiện đại hóa quân độ trước mối đe dọa Nga
Trước sự đe dọa của Nga đối với an ninh của châu Âu, chính phủ Đức và phe đối lập đã tìm được một tiếng nói chung về một khoản ngân sách khổng lồ 100 tỉ euro để tái vũ trang quân đội (Bundeswehr), theo lời hứa của thủ tướng Olaf Scholz ngày 27/02, chỉ ba ngày sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina.
Theo nhật báo Les Echos, quỹ đầu tư quốc phòng mới sẽ được chi trong khoản nợ thêm và cần sự đồng ý của 2/3 nghị sĩ để lách các quy định được gọi là « khống chế nợ » quy định trong Hiến Pháp. Câu hỏi đặt ra là ngân sách này sẽ được sử dụng như thế nào ? Trong thời hạn bao nhiêu năm ?
Tuy nhiên, theo chuyên gia Claudia Major, thuộc Viện Đức về các vấn đề Ngoại giao và An ninh, vấn đề quan trọng là phải « xác định vai trò của quân đội Đức, nhiệm vụ của họ, cũng như những mối quan hệ thiếu cấu trúc giữa các lực lượng vũ trang, giới chính trị gia và các nhà sản xuất công nghiệp ».
NATO tăng cường an ninh ở sườn đông
Cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina và chưa có dấu hiệu kết thúc đã buộc NATO tăng viện ở sườn Đông. « Lực lượng Pháp mai phục ở Rumani », theo phóng sự của nhật báo Le Monde về ba tuần tập trận mang tên « Scorpion Legacy ».
Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của NATO, « thích ứng với tình hình đang diễn ra bên kia biên giới » Ukraina. Khoảng 120 người trên tổng số 500 quân nhân Pháp được điều đến Rumani vào tháng 02/2022 được triển khai ở làng Smardan, cách biên giới Ukraina 25 km và cách Moldova, quốc gia lo trở thành mục tiêu sắp tới của Nga, chỉ 10 km. Quân đội Rumani cũng huy động những đơn vị pháo binh tinh nhuệ nhất tham gia tập trận.
Tất các các lực lượng NATO (gồm 500 lính Pháp và 300 lính Bỉ hoặc Hà Lan luân phiên) đóng ở Rumani nằm trong « Battle Group Forward Presence » thuộc thẩm quyền của Pháp kể từ khi nước này được chỉ định là « quốc gia chủ chốt » vào cuối tháng 03. Theo dự kiến, các lực lượng NATO sẽ đồn trú lâu dài ở Rumani. Ngoài nhóm này, còn có 3 nhóm khác được thành lập tại Bulgari, Hungary và Slovakia kể từ khi xảy ra chiến tranh Ukraina cùng với 4 nhóm khác có từ năm 2017 tại các nước Baltic và Ba Lan.
Về mặt ngoại giao, tân ngoại trưởng Pháp bất ngờ đến thủ đô Kiev hôm 30/05. Chuyến thăm của bà Catherine Colonna để thể hiện đoàn kết với Ukraina được tất cả các nhật báo Pháp đưa tin. Một tin buồn được thông báo cùng ngày là một nhà báo Pháp, làm việc cho đài truyền hình BFM TV, đã chết trên chiến trường. Frédéric Leclerc-Imhoff bị trúng một mảnh vỡ của đạn pháo khi ngồi trong chiếc xe tải sơ tán người dân khỏi một khu vực giao tranh ở vùng Luhansk. Theo Le Figaro, ngoại trưởng Pháp « đã yêu cầu mở một cuộc điều tra minh bạch, trong thời hạn ngắn nhất để làm sáng tỏ bối cảnh của thảm kịch ». Đây là nhà báo thứ 8 bị chết trên chiến trường Ukraina kể từ ngày 24/02.
Hỗn loạn bên ngoài Stade de France : Bộ trưởng Nội Vụ Pháp bị chỉ trích tứ bề
Chủ đề trên trang nhất của các nhật báo Pháp, trừ nhật báo Công giáo La Croix, là tình trạng hỗn loạn bên ngoài sân vận động Stade de France vào tối Chung kết C1 châu Âu.
Theo Le Figaro và Les Echos, « Darmanin tự vệ ». Bộ trưởng Nội Vụ Pháp « lên án tình trạng buôn bán vé giả » ở quy mô công nghiệp bắt nguồn từ Anh. Theo ông, « khoảng 30.000 đến 40.000 cổ động viên Anh không có vé hoặc vé giả » tập trung bên ngoài sân vận động và đa số họ tìm mọi cách để vào bên trong. Nhiều kẻ lưu manh không giấy tờ, phần lớn không phải là Pháp, sống ở các khu vực lân cận, đã tranh thủ tình trạng lộn xộn để hôi của, móc túi, trấn lột. Cảnh sát, với lực lượng khoảng 6.800 người, thiếu chuẩn bị, tổ chức kém, đã không làm chủ được tình hình và dùng biện pháp mạnh như xịt hơi cay vào đám đông.
Trên trang nhất, Libération cáo buộc Darmanin « cự tuyệt về hỗn loạn trước trận chung kết Cúp C1 bóng đá châu Âu ». Nhật báo Le Monde thuật lại « chuỗi thất bại ở Stade de France ». Theo các nhật báo, lực lượng cảnh sát Pháp phải rút ra bài học để chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới bóng bầu dục và đặc biệt là Thế Vận Hội Paris.
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất để nói về « Pháp vẫn đứng đầu về đầu tư nước ngoài » ở châu Âu. Với 1.222 quyết định đầu tư trong năm 2021, Pháp đã đánh bại kỷ lục của năm 2019. Tuy nhiên, chỉ có 30% trong số này liên quan đến việc hình thành những dự án mới.