Tham gia IPEF của Mỹ : Châu Á được gì ?

Đăng ngày: 31/05/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) họp trực tuyến về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF). Cuộc họp được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/05/2022. REUTERS – JONATHAN ERNST

Thanh Hà

Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương (IPEF) là một công cụ mới của Mỹ để kềm tỏa ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc. Để khởi động lại chiến lược xoay trục sang châu Á, tâm điểm địa chính trị và địa kinh tế của thế giới trong thế kỷ 21, Washington cần trả lời được hai câu hỏi : tham gia IPEF có lợi ích gì về thương mại, đầu tư ? Liệu IPEF có thể tồn tại sau thời đại Biden ?

Hôm 23/05/2022, tại Tokyo lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ thông báo cùng 10 đối tác, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc hay Singapore, New Zealand, Úc …  cam kết tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương IPEF. Đài Loan, Trung Quốc và Cam Bốt, Lào, Miến Điện không được mời tham gia.  

Năm năm sau khi Washington ra khỏi Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, chính quyền Biden đưa ra một công cụ mới nhằm củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực, làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn địa chính trị. 

IPEF không là một thỏa thuận thương mại  

Những tài liệu được công bố tới nay cho phép đưa ra một số nhận xét như sau về IPEP : thứ nhất, Khuôn Khổ Kinh Tế đó không phải là một dự thảo về một hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các đối tác trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Hơn nữa Washington tạm thời bác bỏ khả năng gia nhập trở lại Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương phiên bản mới CPTPP sau khi chính quyền Trump năm 2017 đã rút Mỹ ra khỏi một sáng kiến do chính Hoa Kỳ đề ra trong chiến lược « xoay trục sang châu Á ».  

David Dapice, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Việt Nam của Ash Center trường Harvard Kennedy School giải thích : Sáng kiến của Washington không đưa ra bất kỳ một cam kết cụ thể nào về thuế xuất nhập khẩu giữa Hoa Kỳ với các thành viên khác, về viễn cảnh hàng của từ Nhật Bản đến Ấn Độ hay Hàn Quốc, Việt Nam … dễ tiếp cận với thị trường Mỹ hơn. Các bên hoàn toàn không xem IPEF là đòn bẩy cho thương mại trong khối.  

Theo phân tích của chuyên gia Mỹ, trường Harvard Kennedy School, IPEF không thể là một cơ sở tiền đề dẫn tới một hiệp định tự do mậu dịch bởi  7 trong số 13 nước tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương là các thành viên Hiệp Hội ASEAN mà về thương mại thì Mỹ trong thế nhập siêu so với các đối tác này. Chính quyền Biden không vội mở cửa thêm thị trường Mỹ cho các đối tác Đông Nam Á.  

Các thông cáo chính thức của Nhà Trắng, phủ tổng thống Hàn Quốc hay Úc đều nhấn mạnh đến những con số như : « Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương hiện tại được 13 quốc gia hưởng ứng, liên quan đến vận mệnh của một khu vực với hai tỷ rưỡi dân, tương đương với 32 % dân số toàn cầu và có trọng lượng kinh tế gần 41 % GDP của thế giới ».  

Để so sánh, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP, một sáng kiến của Bắc Kinh, quy tụ 15 thành viên, trong đó có cả những đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ như là Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng về kinh tế trọng lượng của RCEP (RCEP tạo ra khoảng 30,5 % GDP toàn cầu) thấp hơn so với IPEF vừa được Washington đề xướng.  

Sức thuyết phục của « một tầm nhìn » và những « chuẩn mực » ?  

Điểm thứ nhì công luận được biết tới nay về sáng kiến của Mỹ là IPEF sẽ là công cụ để « đối mặt với những thách thức kinh tế trong thế kỷ XXI » qua bốn ưu tiên « Thiết lập các quy tắc điều hướng cho nền kinh tế kỹ thuật số », « bảo đảm chuỗi cung ứng hoạt động một cách an toàn », « tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển năng lượng sạch, qua đó đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi năng lượng », chống biến đổi khí hậu và cuối cùng là « nâng cao các tiêu chuẩn về tính minh bạch, công bằng thuế khóa, chống tham nhũng »  

13 nước tham gia dự án, không nhất thiết phải hội tụ đủ các điều kiện trong cả bốn lĩnh vực vừa nêu. David Dapice cho rằng nguyên tắc này nhằm tránh đẩy các đối tác của Mỹ tại khu vực vào thế phải « chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc ». Một điểm khác nữa được giám đốc Ash Center trường Harvard Kennedy School ghi nhận đó là IPEF của chính quyền Biden lần này đã nhắc lại một trong những điểm then chốt từ bài diễn văn năm 2011 thời Barack Obama : « Viết ra các quy tắc định hướng » cho nền kinh tế của thế kỷ XXI và Mỹ không chấp nhận để cho Trung Quốc áp đặt những quy tắc định hướng đó với phần còn lại của thế giới.

Do vậy trên trang mạng của báo Nhật The Diplomat (hôm 26/05/2022) chuyên gia về quan hệ quốc tế Mohammadbagher Forough Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu và Khu Vực GIGA của Đức đánh giá IPEF là « nỗ lực thứ nhì của Mỹ để xoay trục sang châu Á », giành lại vị thế về kinh tế sau khi đã quyết định đứng ngoài CPTPP và không tham gia hiệp định RCEP của Trung Quốc.  

Câu hỏi còn lại là diễn văn của tổng thống Biden tại Tokyo vừa qua, cũng như Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương có sức thuyết phục hay không khi mà Nhà Trắng chẳng những không đáp ứng được những chờ đợi của châu Á (về thương mại và giảm các hàng rào quan thuế) mà chỉ nhấn mạnh đến một khu vực bảo đảm công việc làm cho « ba triệu người Mỹ », rót vào Hoa Kỳ « gần 900 tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài » và trong chiều ngược lại thì « Mỹ đầu từ gần 970 tỷ đô la vào Ấn Độ-Thái Bình Dương ».  

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNBC, David Adelman, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore hiện điều hành quỹ đầu tư Krane Funds Advisors, trụ sở tại New York cho rằng trước mắt châu Á thận trọng với Mỹ là điều dễ hiểu : 

« Trong bối cảnh hiện tại theo tôi các bên sẽ đàm phán gay go về từng chi tiết một trong văn bản thỏa thuận, tương tự quá trình thương thuyết về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP. Thái độ hoài nghi đối với Mỹ của một số bên tham gia là điều dễ hiểu. Tổng thống Biden có những mối quan tâm về chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, vì thế ông đã không đưa ra nhiều cam kết cụ thể với các lãnh đạo quốc tế trong vòng công du châu Á vừa qua. Tuy nhiên việc các bên đồng ý tham gia vào IPEF đã là một tín hiệu đáng khích lệ. Đây là điểm khởi đầu mở ra những giai đoạn kết tiếp, dù vậy tôi không dám lạc quan quá đáng ». 

Bên cạnh đó IPEF như chính tổng thống Biden đã nhấn mạnh đến một « tầm nhìn » của Mỹ để Hoa Kỳ và các đối tác Ấn Độ -Thái Bình Dương cùng nhau « viết ra các quy tắc định hướng » chung cho kinh tế khu vực.

Trong khi đó thì CPTPP với vai trò chủ đạo của Nhật Bản đã đi vào hoạt động, còn Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại-đầu tư với tất cả các quốc gia trong vùng, thậm chí không chừa các hòn đảo tí hon ở Thái Bình Dương, qua hàng loạt các chương trình từ Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21, đến RCEP và thông qua các hiệp định tự do mậu dịch song phương …

Washington dưới thời tổng thống Trump hay Biden thì chẳng qua chỉ là « rượu cũ bình mới », để tập trung vào chính sách America First. Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore David Adelman gián tiếp trả lời câu hỏi IPEF có là một công cụ giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh hay không.  

« Có những trở ngại thực sự trong tiến trình đàm phán với các đối tác của Hoa Kỳ. Chúng ta biết rõ những khúc mắc đó sẽ liên quan đến các chuẩn mực về lao động, về môi trường. Cần vượt được qua những khó khăn ấy thì mới mong dễ thâm nhập vào thị trường của Mỹ hơn hay là để đàm phán về các hàng rào quan thuế … Trước mắt, IPEF không đề cập đến các vấn đề cụ thể này. Hơn nữa không phải tình cờ mà trong vòng công du Hàn Quốc vừa qua, Joe Biden đã tham quan nhà máy của Samsung và ông đã đề cập đến các dự án đầu tư của Samsung tại Mỹ. Tương tự như vậy, tại nhà máy xe hơi Huyndai, tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh đến chương trình đầu tư của tập đoàn xe hơi Hàn Quốc này tại bang Georgia. Trước bầu cử giữa nhiệm kỳ -tháng 11/2022, ngay cả trong chuyến xuất ngoại, tổng thống Mỹ cũng nói đến các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ với mục đích trấn an công luận Mỹ »  

Bài học từ TPP của Obama ?  

Giám đốc trung tâm nghiên cứu Ash Center, Harvard Kennedy School, David Dapice nhìn nhận IPEF hiện vẫn còn là một khái niệm « trừu tượng » và cũng chưa rõ là công cụ đó sẽ « kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc » ở Ấn Độ -Thái Bình Dương dưới hình thức nào, hiệu quả đến đâu.  

Chính quyền Biden đề xuất IPEF trong bối cảnh Mỹ không thể tiếp tục đứng ngoài một khu vực mà kinh tế, thương mại càng lúc càng được kết nối với những hiệp định CPTPP hay RCEP … Nhà Trắng ý thức được rằng, củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương về mặt an ninh không thôi chưa đủ mà cần phải bổ sung thêm bằng những cam kết kinh tế mạnh mẽ hơn. Hiềm nỗi, chính quyền Biden không thể bảo đảm với các đối tác được là IPEF sẽ được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Mỹ cũng như công luận Mỹ ủng hộ.

Trong khi đó thì châu Á đã « rút kinh nghiệm » từ bài học TPP : một sáng kiến được tổng thống Barack Obama, với Joe Biden ở cương vị phó tổng thống, đưa ra nhưng rồi, khi Nhà Trắng đổi chủ, thì ông Donald Trump đã không ngần ngại « xé bỏ thỏa thuận đó vào sọt rác ». Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ hồi 2016, Hillary Clinton thậm chí cũng đã mạnh mẽ tấn công TPP của ông Obama.  

Nói cách khác, Ấn Độ-Thái Bình Dương cần được bảo đảm là IPEF sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả một khi Nhà Trắng đổi chủ. Đó là điều mà Biden không thể hứa trước với các đối tác Á châu.  

IPEF được đưa ra trong bối cảnh hình ảnh của Bắc Kinh đang xấu đi vì thái độ hung hăng của những nhà ngoại giao « chiến binh sói » Trung Quốc, nền kinh tế thứ nhì thế giới này lao đao vì chính sách « zero covid ». Dù vậy Trung Quốc vẫn là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong hệ thống thương mại quốc tế. Ảnh hưởng, trọng lượng của Trung Quốc tại châu Á lớn hơn so với của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương của tổng thống Biden « cai nghiện hàng Trung Quốc » hay giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào trung tâm kinh tế, công nghiệp đó ?

Các đối tác của Mỹ từ các nước nhỏ như Việt Nam hay Singapore đến những cường quốc công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc … đều là những quốc gia thực dụng. Không khó để cân nhắc giữa một bên là các « dự án đầu tư dù không hoàn hảo », bên kia là những « chuẩn mực » và đề xuất về « một tầm nhìn chung ».

Không khó để hiểu rằng, tổng thống Biden hay người tiền nhiệm đều đặt quyền lợi của người Mỹ lên trên hết. Hoa Kỳ đang phải đối phó với lạm phát, thậm chí thiếu một số mặt hàng như sửa cho trẻ sơ sinh nhưng xóa bỏ hàng rào quan thuế để hàng rẻ của nước ngoài ồ ạt xâm nhập thị trường Mỹ là điều đa số công luận khó có thể chấp nhận.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment