Đăng ngày: 01/06/2022
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu ngừng nhập khẩu dầu lửa Nga từ nay đến cuối năm 2022, Hungary hưởng đặc quyền có thêm 4 năm để tìm nguồn cung dầu lửa mới và tiếp tục được nhập dầu từ Nga thông qua đường ống Hữu Nghị – Druzhba. Nhượng bộ của Liên Âu để nhanh chóng trừng phạt cỗ máy chiến tranh Nga lại là thắng lợi đầu tiên cho ông Viktor Orban kể từ khi tái đắc cử thủ tướng.
Thông tín viên RFI Florence La Bruyère tại Budapest giải thích :
Chính sách bắt chẹt đã thành công. Thủ tướng Viktor Orban đã có được điều ông muốn : Budapest có thể tiếp tục nhập dầu lửa của Nga. Hungary không có biển và 65% dầu lửa của nước này nhập từ Nga thông qua đường ống Hữu nghị – Druzhba. Thủ tướng Orban cũng nhận được các bảo đảm, theo đó trong trường hợp đường ống cung cấp dầu cho Hungary và đi qua Ukraina bị gián đoạn, Hungary có thể nhập khẩu chất đốt Nga bằng đường biển.
Cuối cùng, ông Viktor Orban đã yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu tài trợ cho việc cải tiến các nhà máy lọc dầu của Hungary để thích hợp với các loại dầu khác. Và ông đã nhận được 800 triệu euro.
Cộng Hòa Séc và Slovakia, cả hai nước phụ thuộc vào dầu lửa Nga, cũng nhận được nhiều biện pháp miễn trừ. Như vậy, chính quyền Praha có thể tiếp tục bán lại nhiều loại sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga trong vòng nhiều tháng. Nhưng chỉ có Viktor Orban là người đứng đầu chính phủ duy nhất đe dọa không bỏ phiếu thông qua loạt trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.
Một nhà ngoại giao châu Âu phải thốt lên rằng « ông ấy đã bắt chúng tôi làm con tin trong suốt một tháng ». Cuối cùng, thủ tướng Hungary đã chấp nhận bỏ quyền phủ quyết khi các yêu cầu của ông được chấp thuận.
Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều khách hàng châu Âu
Kể từ ngày 01/06, tập đoàn Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều khách hàng châu Âu, trong đó có GasTerra B.V. của Hà Lan, Ørsted của Đan Mạch và Shell Energy Export của Anh do những khách hàng này không thanh toán bằng đồng rúp. Đây là biện pháp được tổng thống Nga áp đặt đối với các nước « không thân thiện » nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.
Khoảng 15% lượng khí đốt của Hà Lan được nhập từ Nga. Như vậy, khoảng 2 tỉ mét khối khí đốt sẽ không được cung cấp cho Hà Lan từ giờ đến tháng 10. Công ty GasTerra cho biết đã « lường trước được quyết định của Nga nên đã mua khí đốt ở nơi khác ». Khí đốt Nga chiếm khoảng 18% năng lượng tiêu thụ hàng năm của Đan Mạch. Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho các nước Phần Lan, Bulgari và Ba Lan cũng vì lý do trên.