Thỏa thuận hợp tác Nga-NATO ký 25 năm trước, di tích thời đã qua

Đăng ngày: 01/06/2022

\"\"
\"\"
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (ngoài cùng bên phải) đón các đại diện Nga đến họp Hội đồng Nga-NATO, ngày 12/01/2022, Bruxelles, Bỉ. AP – Olivier Hoslet

Anh Vũ

Cách nay 25 năm, Nga và NATO cho rằng có thể lật sang trang mới của cuộc chiến tranh lạnh với Văn kiện nền tảng ( Acte fondateur), một thỏa thuận hợp tác nhằm thiết lập «  nền hòa bình bền vững và bao trùm ». Trong lúc cuộc chiến tranh tại Ukraina  đang hồi ác liệt bên cạnh cuộc đọ sức căng thẳng giữa Nga và NATO, chúng ta cùng ngược lại thời gian vào thời điểm khi mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Matxcơva không còn coi nhau như kẻ thù.

Ngày 27/05/1997 đã được coi là mốc thời gian mà phương Tây và Nga bước vào kỷ nguyên mới sau một nửa thế kỷ xung đột  quan hệ. Ngày hôm đó tại Paris, tổng thống Pháp Jaques Chirac đã long trọng tiếp các đồng nhiệm Mỹ, Bill Clinton và Boris Eltsine của Nga để cùng nhau ký Văn kiện nền tảng cho các mối quan hệ, hợp tác và an ninh chung giữa Cộng hòa Liên bang Nga và NATO.

Không có sức nặng pháp lý của một hiệp ước, Văn kiện nền tảng, kết quả của nhiều năm tháng thương lượng ở cấp cao nhất, đã cho ra đời một kết cấu mới về an ninh tại châu Âu. Từ văn kiện đó, hai bên không còn coi nhau như đối thủ mà là những đối tác. Tài liệu gồm 24 trang của văn kiện dự trù tăng cường quan hệ đối tác với Matxcơva trong lĩnh vực chống khủng bố, duy trì hòa bình, giải trừ vũ khí và cả quan hệ kinh tế. Văn kiện cũng kèm theo việc thành lập một Hội Đồng chung thường trực NATO- Nga.

Theo Văn kiện nền tảng, sự hợp tác giữa hại bên phải dựa trên « những nguyên tắc nhân quyền và các quyền tự do công dân ». Các nước ký vào văn kiện cam kết không « sử dụng đến đe dọa hay vũ lực » chống nhau cũng như chống lại bất kỳ quốc gia nào khác. Nhà nghiên cứu Nicolas Tenzer, giám đốc của trang thông tin Desk Russie, trên kênh truyền hình France 24 đã đánh giá « đó là một thời kỳ khác, một giai đoạn đầy hy vọng cho sự chuyển biến của nước Nga ». Ông cũng nhắc lại là trước văn kiện nền tảng này đã có một văn kiện về quan hệ đối tác vì hòa bình hai bên đã ký năm 1994.

Viên gạch lát con đường mở rộng sang phía đông

Sau khi Liên Xô bị sụp đổ năm 1991, NATO đã đặt câu hỏi về sứ mệnh mới của mình. Khi đó các nước trong khối Đông Âu bị rơi vào khoảng trống về an ninh sau khi Hiệp ước Vacxava, một liên minh quân sự của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thời chiến tranh lạnh, bị giải thể, và các đơn xin gia nhập của những nước Đông Âu là vấn đề hoàn toàn chính đáng cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương  do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Trong bối cảnh như vậy, Văn kiện nền tảng xuất hiện như một « công cụ cần thiết cho sự bành trướng (của NATO) sang khu vực ảnh hưởng cũ của Matxcơva », chuyên gia Amelie Zima đã ghi nhận trong một bài viết trên Tạp chí nghiên cứu so sánh Đông-Tây.

Văn kiện nền tảng, định hình các quan hệ Nga-NATO, có xu hướng tránh va chạm, trong lúc đợt mở rộng đầu tiên đang thành hình với đơn xin gia nhập của Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan. Cả ba nước này đều đã vào NATO 2 năm sau đó.  

Để tránh không làm Nga cảm thấy bị cô lập hay bị đe dọa từ  liên minh chính trị-quân sự được thành lập từ năm 1947 với mục đích đề phòng Liên Xô tấn công, NATO đã đưa ra bảo đảm với Matxcơva trong Văn kiện nền tảng rằng Liên minh cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả các cơ sở cất giữ, trên lãnh thổ của các thành viên mới trong tương lai và không gia tăng quân số đóng thường trực tại các nước đó.  

Mặc dù có những thận trọng, Boris Eltsine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một bộ phận công luận và chính giới Nga. Họ chỉ trích ông đã  góp phần hạ nhục Liên Xô với việc chấp nhận các yêu sách của phương Tây. Tổng thống Nga lúc bấy giờ vẫn tin tưởng việc xích lại gần NATO sẽ chỉ có lợi cho đất nước.

Vẫn luôn bị tổng thống Nga Vladimir Putin coi là sự « phản bội », việc mở rộng sang các nước trong khối Xô Viết cũ giờ là một trong những bất đồng chủ yếu giữa Matxcơva và NATO.

Văn kiện nền tảng dưới thời  Vladimir Putin

Văn kiện nền tảng rõ ràng đã mang lại sinh khí mới cho quan hệ Nga-NATO. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đầu tiên đã nổ ra ngay năm 1999 với chiến dịch quân sự của phương Tây tại Kosovo. Trong vụ việc này, Nga, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đã phản đối gay gắt.

Tuy vậy, sự phản đối mạnh mẽ đó không gây căng thẳng kéo dài. Một bầu không khí ấm áp đã bắt đầu từ những năm 2000. Đó là giai đoạn hòa dịu, có được phần nhiều nhờ sự xích lại gần nhau giữa Nga và Hoa Kỳ ở vào thời điểm ông Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của mình.

Sau các vụ khủng bố 11/09, mục tiêu là đấu tranh chống khủng bố. Ông Putin khi đó là người đã đề nghị Nga được đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chung đó của thế giới. Tổng thống Nga nhận thấy trong các vụ khủng bố có cơ hội để xích lại gần với phương Tây, đồng thời cũng là cách để dẹp im các chỉ trích Kremlin về cuộc chiến tranh tại Tchetchenia, vẫn được Nga gọi là «  chiến dịch chống khủng bố ».  

Trong bối cảnh thuận lợi như vậy Hội Đồng Nga-NATO đã ra đời năm 2002, giúp cho Matxcơva dự họp bình đẳng với các thành viên khác của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Các cuộc họp như vậy đã bị gián đoạn vào năm 2008, sau khi xảy ra cuộc tấn công xâm lược của Nga vào Gruzia.

Từ thời điểm đó đến nay, quan hệ Nga – NATO không ngừng xuống cấp, Văn kiện nền tảng trước đó trở thành như di tích của một thời đã qua. Đã xảy ra « các tội ác chiến tranh ở Syria, sáp nhập Crimée năm 2014 cùng với cuộc xâm lược một phần vùng Donbass », chuyên gia Nicolas Tenzez nhắc lại. Theo ông, qua hệ đối tác hai bên đã « tổn hại với những năm dưới thời Putin, một chế độ ngày càng trở nên hung hăng ».

Trong khoảng từ năm 2016 đến 2019, Hội Đồng Nga-NATO chỉ họp có 5 lần và phiên cuối cùng là vào hồi tháng Giêng năm nay, một tháng trước khi Nga khởi sự cuộc xâm lược Ukraina. Cả hai bên đều đã nhận thấy có những bất đồng lớn.

Nếu như các kênh liên lạc giữa Matxcơva và Liên Minh phương Tây vẫn để mở, Hội Đồng Nga-NATO chưa hề bị giải tán, nhưng hai bên cựu thù rõ ràng đã lại trở thành đối thủ của nhau. Có nên cắt cầu với Vladimir Putin và nước Nga hay không ? Câu hỏi này đã dấy lên trong các nước phương Tây từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina.

Phần đông giới quan sát cho rằng có sự căng thẳng cao độ trở lại với Nga, nhưng vào một thời điểm nhất định vẫn cần phải thương lượng tìm ra lối thoát cho cuộc khủng khoảng. Đây cũng là điều gây chia rẽ trong cácc nước châu Âu. Còn chuyên gia Nicolas Tenzer thì nhận định : «Tất nhiên cần phải duy trì các quan hệ với Nga về lâu dài. Nhưng với chế độ Putin, phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và chống lại nhân loại thì tuyệt nhiên là không thể được ».

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment