02/06/2022
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 2/6 nói Đức phải nỗ lực hơn nữa để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine vẫn đang gây thiệt hại nặng nề cho cỗ máy chiến tranh của Nga, theo Reuters.
“Nền kinh tế Nga đang sụp đổ”, ông Habeck nói với các nhà lập pháp, đồng thời cho biết thêm rằng Đức đã đóng góp vai trò của mình bằng cách giảm xuất khẩu sang Nga trong tháng 3 tới 60%, và có phần chắc là còn giảm mạnh hơn vào tháng 4.
Kim ngạch xuất khẩu của các nước đồng minh tham gia lệnh trừng phạt sang Nga đã giảm 53% so với những tháng trước, trong khi mức giảm ở các quốc gia trung lập hoặc thân Nga là 45%, theo Bộ trưởng Habeck.
“Ông Putin vẫn nhận được tiền nhưng … thời gian không có lợi cho Nga, nó đang bất lợi Nga”, ông nói.
Theo ông Habeck, hậu quả của lệnh trừng phạt là Moscow đã không thể mua các phụ tùng, linh kiện quan trọng phục vụ khả năng chiến đấu của nước này, chẳng hạn như “các phiên bản cập nhật an ninh cho máy bay, với kết quả là máy bay sẽ sớm bị xếp xó”.
Liên quan đến chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với Quốc hội Luxembourg trong một bài phát biểu trên video hôm 2/6 rằng Nga hiện đang chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, vẫn theo Reuters.
“Chúng tôi phải tự vệ trước gần như toàn bộ quân đội Nga. Tất cả các đội hình quân sự sẵn sàng chiến đấu của Nga đều tham gia vào cuộc xâm lược này”, ông nói và cho biết thêm rằng chiến tuyến trải dài hơn 1.000 km.
Cũng theo Reuters, các lực lượng Nga ở phía đông Ukraine đang cố gắng tiến về phía nam tới các thành phố quan trọng của Ukraine là Kramatorsk và Sloviansk, thống đốc khu vực địa phương cho biết hôm 2/6.
“Mặt trận Lyman và Izyum là hướng chính mà kẻ thù đang cố gắng tiến lên để chiếm các lãnh thổ của Sloviansk và Kramatorsk, là các mục tiêu chính của chúng ở phía bắc của khu vực”, thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko nói trong một cuộc họp báo.
Ông Kyrylenko cũng cho biết 340.000 cư dân vẫn ở trong khu vực do Ukraine kiểm soát, trong tổng số 1,67 triệu dân trước chiến tranh.