Đăng ngày: 02/06/2022
Thứ Tư, 25/05/2022, Bắc Triều Tiên bắn thử loạt ba tên lửa, trong đó có một tên lửa liên lục địa ICBM. Đúng như dự báo từ Washington trước đó, « hành động khiêu khích » này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Joe Biden rời Tokyo, kết thúc vòng công du Đông Á đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống.
Ngay lập tức, tân chính phủ Seoul đã có phản ứng, lên án vụ bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng là một « hành động bất hợp pháp, vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An ». Quân đội Hàn Quốc cùng ngày cũng cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành « một bài tập bắn tên lửa địa đối địa » và huy động chiến đấu cơ đối phó với các « hành động khiêu khích từ Bắc Triều Tiên có liên quan đến các vụ thử tên lửa ICBM và tên lửa đạn đạo ».
Làm thế nào diễn giải về chuỗi bắn thử tên lửa này của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đất nước đang có dịch bệnh ? Đây có phải là một cách phản hồi từ Kim Jong Un trước đề nghị phi hạt nhân hóa của tân tổng thống Hàn Quốc ? Phải chăng hành động này của Bắc Triều Tiên cũng là một lời đáp trả tuyên bố của nguyên thủ Mỹ khi đến thăm Seoul cho rằng sẽ gia tăng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn ? Vậy đâu là viễn cảnh cho cuộc đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên trong bối cảnh các bên đều tỏ ra cứng rắn ?
Trên đài RFI Tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), lần lượt giải đáp những câu hỏi trên và nêu lên những hệ quả chính trị trong khu vực.
*******
RFI Tiếng Việt : Bất chấp dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn về kinh tế, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo, trong đó có một tên lửa liên lục địa. Kim Jong Un muốn đưa ra một thông điệp gì ?
Antoine Bondaz : Có hai lý do để giải thích cho đợt thử tên lửa đạn đạo lần này của Bắc Triều Tiên. Thứ nhất, từ nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình phát triển năng lực đạn đạo và gia tăng các cuộc thử nghiệm, không chỉ là tên lửa tầm ngắn từ đầu năm nay, mà còn nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa, nhất là cho thử nghiệm cả các loại tên lửa liên lục địa.
Khía cạnh thứ hai là chính vào lúc này đang có một trận dịch ở Bắc Triều Tiên, mà chế độ phải thể hiện là họ vẫn bền vững, năng lực quân đội vẫn vững chắc và có thể đối phó được với mọi tình huống, mọi kịch bản. Do vậy, ý đồ ở đây là muốn chứng tỏ không những chế độ còn trụ được mà vẫn có thể tiếp tục « theo đuổi » chương trình phát triển năng lực đạn đạo.
Chưa có lúc nào Bắc Triều Tiên lại thực hiện nhiều vụ thử tên lửa như năm nay : Bảy cuộc bắn thử với tổng cộng hơn 20 tên lửa. Với ngần ấy vụ thử, Bình Nhưỡng muốn đi đến đâu ?
Antoine Bondaz : Quả thật là có một cú nhảy vọt các cuộc thử tên lửa chưa từng có từ đầu năm đến nay với một sự đa dạng thật sự về loại tên lửa đã được thử nghiệm, từ tầm ngắn, tầm xa, cho đến những loại tên lửa được Bắc Triều Tiên phô diễn như là tên lửa siêu thanh, tên lửa có khả năng thay đổi quỹ đạo v.v… Điều thấy rõ là các biện pháp trừng phạt, cho dù có một tác động quan trọng, nhất là đối với kinh tế và việc chuyển giao công nghệ cho Bắc Triều Tiên, cũng đã không thể nào ngăn cản các vụ thử tên lửa đạn đạo này.
Tuy nhiên, đáng chú ý ở đây là chế độ Bình Nhưỡng đang tìm kiếm ba điều trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên ra sức bình thường hóa các hoạt động thử tên lửa, nghĩa là hạn chế phản ứng của quốc tế mỗi khi có những đợt bắn thử bằng cách làm cho các vụ thử này trở thành một điều bình thường theo một cách nào đó.
Điều thứ hai, Bắc Triều Tiên đang hưởng lợi từ việc một phần cộng đồng quốc tế bị phân tâm do cuộc chiến tranh Ukraina. Sau cùng, một mối liên hệ khác có liên quan trực tiếp với Ukraina, đó chính là Bắc Triều Tiên đang tận dụng sự mất đoàn kết của cộng đồng quốc tế và nhất là từ các thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An.
Điều cực kỳ quan trọng cần nhấn mạnh ở đây chính là không như những vụ bắn thử tên lửa đạn đạo có cùng tính chất hồi năm 2017, những lần bắn thử trong năm 2022 này, đặc biệt là các tên lửa liên lục địa, đã không gây ra phản ứng nào từ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì đã không có một lệnh trừng phạt nào, không có một nghị quyết nào từ Hội Đồng Bảo An và thậm chí không có cả điều mà người ta gọi là tuyên bố chung, tức là một văn bản do năm nước thành viên thường trực cùng thông qua mà không cần lá phiếu biểu quyết.
Tóm lại, chính sự bình thường hóa, sự phân tâm và sự mất đoàn kết cho phép Bắc Triều Tiên tiếp tục gia tăng các vụ bắn thử tên lửa.
Như ông vừa nhắc đến Ukraina, nước này cũng từng là cường quốc thứ ba, nhưng đã chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vào năm 1994. Nhìn vào cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraina hiện nay, liệu lời kêu gọi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa của tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng như là từ phía Mỹ, để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận chẳng phải là không hợp thời ?
Antoine Bondaz : Một trong những bài học rút ra cho Bắc Triều Tiên, mà tôi nghĩ rằng trên thực tế họ cũng chẳng cần, vì Bình Nhưỡng cũng đã biết rất rõ, chính là kho vũ khí hạt nhân của họ là một sự bảo đảm cho sự sống còn, hay còn là một bảo hiểm sinh mạng cực kỳ quan trọng cho chế độ, cả trên bình diện thuần túy quân sự lẫn về mặt chính trị.
Thế nên, các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên sẽ không cần nói công khai rằng bài học rút ra từ cuộc chiến tranh Ukraina là phải gìn giữ kho vũ khí, bởi vì Bình Nhưỡng không công nhận dưới bất kỳ hình thức nào là có một cuộc chiến xâm lăng của Nga tại Ukraina. Xin nhắc lại là Bắc Triều Tiên là một trong số hiếm hoi các nước đã bỏ phiếu chống nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga và do vậy Bắc Triều Tiên sẽ không công nhận cuộc xâm lược đó và nước này còn nhận thấy rõ tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân.
Ngày nay chúng ta trong một bối cảnh ở đó việc tái khởi động đàm phán với Bắc Triều Tiên là cực kỳ khó khăn. Thứ nhất, vì đó không phải là ưu tiên của chính quyền Biden. Thứ hai, Bắc Triều Tiên càng phát triển kho vũ khí hạt nhân và đạn đạo của mình, thì việc phi hạt nhân hóa càng khó hình dung.
Vì vậy, ý tưởng đưa ra lúc này là làm thế nào để ít nhất có thể tái khởi các cuộc đàm phán, làm thế nào ít nhất khởi động lại đối thoại, bất kể là giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, hay là giữa Bình Nhưỡng với Washington. Tuy nhiên, hiện tại, cũng phải nhìn nhận là có ít dấu hiệu lạc quan về khả năng nối lại đối thoại.
Khi đến thăm Seoul, tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thông báo tăng cường các cuộc tập trận chung cũng như là gia tăng triển khai chiến đấu cơ hay tên lửa trên bán đảo « để chuẩn bị đối phó cho một cuộc tấn công hạt nhân ». Liệu kịch bản « một cuộc tấn công hạt nhân » từ Bình Nhưỡng có khả năng xảy ra hay không ? Đây chẳng phải là một hành động « tự sát » của chế độ Kim Jong Un ?
Antoine Bondaz : Đương nhiên, khả năng kịch bản ngày mai có một cuộc tấn công hạt nhân từ Bắc Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc hay Mỹ là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là luôn có một rủi ro tai nạn hay sự cố, có thể dẫn đến leo thang và biến thành xung đột. Do vậy, những tuyên bố gần đây từ phía Mỹ và Hàn Quốc, trước hết là nhằm tránh một cuộc xung đột, điều này nằm trong chủ trương răn đe, nhất là trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang nối lại các vụ thử tên lửa.
Việc mở lại các cuộc tập trận, ở đó việc tăng cường các bài tập trong lòng khối liên minh Mỹ – Hàn nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của liên minh nhưng đồng thời cũng gởi đi một thông điệp kiên quyết đến Bắc Triều Tiên rằng nếu như Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích quân sự nhắm vào Seoul, thì liên minh này sẵn sàng đáp trả. Và đây thực sự cũng chính là điều tương tự Bắc Triều Tiên đang làm khi gia tăng các cuộc thử tên lửa đạn đạo, và ra sức phô trương sức mạnh. Mỗi bên, Bắc Triều Tiên và liên minh Mỹ – Hàn đều tìm cách đánh tiếng đối phương biết rằng « họ sẵn sàng chiến đấu ».
Một lần nữa, kịch bản về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong ngắn hạn là có thể xảy ra, và thật không may là không thể hoàn toàn loại trừ. Do vậy, mục tiêu ở đây là phải bảo đảm rằng chúng ta có mọi phương cách để tránh xảy ra hiểu nhầm, tránh một sự leo thang có thể đi đến một kịch bản như thế.
Trở lại với việc Bắc Triều Tiên ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraina. Phải chăng là Bình Nhưỡng đang đi theo trục Bắc Kinh – Matxcơva ?
Antoine Bondaz : Thật ra, từ nhiều năm qua, người ta đã thấy có một sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc và nhất là giữa Bắc Triều Tiên và Nga đã được củng cố nhiều hơn kể từ năm 2014, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée. Chẳng hạn như, chúng ta thấy là số lao động Bắc Triều Tiên ở Nga tăng vọt, hay có nhiều chuyến thăm quan trọng đến Bình Nhưỡng như chuyến công du của bộ trưởng phụ trách vùng Viễn Đông của Nga chẳng hạn.
Với Trung Quốc, mối quan hệ còn siết chặt hơn bởi vì Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là đồng minh. Xin nhắc lại rằng đây là mối quan hệ đồng minh duy nhất hiện nay mà Bắc Triều Tiên cũng như là Trung Quốc đang duy trì, một liên minh đã có từ năm 1961. Những năm gần đây, quan hệ song phương đã được tăng cường đáng kể. Nên nhớ rằng chỉ trong giai đoạn 2018-2019, Kim Jong Un và Tập Cận Bình đã 5 lần gặp nhau.
Đúng là có một sự hợp tác rất chặt chẽ, nhưng nếu nói một cách công khai, hiển nhiên, người thấy rất ít có một sự hợp tác ba bên giữa ba nước. Đây chính là điều mà một số chuyên gia và nhà ngoại giao Trung Quốc nghĩ đến từ nhiều năm qua, theo một biểu thức, vốn dĩ đã có từ thời Chiến Tranh Lạnh mà giờ đây đôi khi cũng được sử dụng : Tam giác Bắc và Tam giác Nam. Tam giác phía Bắc bao gồm Bắc Kinh – Bình Nhưỡng – Matxcơva, đối mặt với Tam giác phía Nam là trục Seoul – Tokyo – Washington.
Ông nhận định như thế nào về phản ứng có thể nói là « không mấy gì mạnh mẽ » so với những lần trước của Trung Quốc đối với các đợt thử tên lửa của Bắc Triều Tiên trong năm nay ?
Antoine Bondaz : Trung Quốc có một phản ứng và chỉ liên quan đến một vụ thử tên lửa đạn đạo. Nhưng đó là vì trong cuộc họp báo ở bộ Ngoại Giao, các phóng viên đã đặt câu hỏi. Đây đúng hơn là trả lời các câu hỏi được đặt ra hơn là một thông cáo tự nguyện từ phía chính quyền Trung Quốc.
Khi phản ứng về các vụ thử tên lửa này, Trung Quốc, chỉ đơn giản kêu gọi, không phải là Bắc Triều Tiên phải ngưng chương trình tên lửa đạn đạo, mà là Hoa Kỳ phải ngừng khiêu khích hay gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hay cố gắng gỡ bớt một số biện pháp trừng phạt.
Lập trường của Trung Quốc thật sự là không mập mờ. Những năm gần đây, chúng ta thấy lập trường Bắc Kinh cũng đã có những thay đổi, ít gay gắt hơn với Bình Nhưỡng, thậm chí không còn lên án các cuộc thử tên lửa đạn đạo, dù rằng những đợt bắn thử đó đều vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, và do vậy vi phạm luật quốc tế.
Đúng là Trung Quốc ngày càng có một quan điểm xích lại gần với Bắc Triều Tiên hơn trước với cùng một mục tiêu duy nhất vốn dĩ đã có từ nhiều năm qua : Đó là chỉ trích và chống Hoa Kỳ, và nói cho cùng là chống Mỹ cùng các đồng minh của nước này.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS.