Thanh Trúc
2022.06.02
Hình minh họa: em nhỏ đang chuẩn bị bếp than tổ ong để nấu bên ngoài nhà ở Hà Nội hôm 9/11/2021
Đủ ban bệ về trẻ em nhưng không nơi nào chịu trách nhiệm khi có vấn đề
Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB-XH, ông Đặng Hoa Nam, tuyên bố rằng việc trẻ em đang hàng ngày đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng là điều đáng lo hiện nay.
Vẫn theo lời ông, khi có vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em thì mọi người đều bảo có tới 17 cơ quan hay tổ chức bảo vệ trẻ, nhưng mỗi cơ quan, tổ chức đều có trách nhiệm của mình nên mới có cảnh ‘công tranh, còn tội thì tránh’.
Ông Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu như vậy tại cuộc Hội thảo về Bảo vệ Trẻ em sáng 25/5. Thực tế về hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông nói rõ, phụ thuộc nguồn thu ngân sách từng địa phương. Nếu ngân sách địa phương mà có dư ra thì mới chi vào việc chăm sóc trẻ em một cách thỏa đáng, còn ngược lại khoản chi này là khoản đầu tiên sẽ bị cắt.
‘Những mười bảy tổ chức bảo vệ trẻ em mà không nơi nào phải chịu trách nhiệm khi có chuyện thì đúng là chẳng được tích sự gì, đúng là phải nói thật chứ thành tích đâu mà khoe mẽ’, là lời một nguyên cán bộ giấu tên ở Sở Lao động-Thương binh-Xã Hội TPHCM trả lời RFA qua điện thoại.
Hiến Pháp Việt Nam 2013, Điều 37, chương II, quy định ‘Trẻ em có quyền được Nhà Nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm việc xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm Quyền Trẻ Em’
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với RFA:
“Mấy cái đó Việt Nam có hết. Ở Việt Nam hỏi về tổ chức gì cũng có cả, hỏi guồng máy gì cũng có người cả, nhưng người làm và làm cho có hiệu quả thì tác dụng rất thấp. Thậm chí Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đang là đại biểu Quốc hội đó, nói rằng người ta nói ở Việt Nam là luật rừng nhưng bây giờ ở VN là một rừng luật.”
“Pháp luật VN mà tôi nghiên cứu được nó khác pháp luật nước ngoài. Ở nước ngoài khi ban hành luật gì ra phải đảm bảo ngân sách dự trù và bộ máy dự trù, có tiền mới triển khai luật đó được.”
“Còn VN ra luật nhưng đảm bảo thi hành thì không có điều kiện. Ngay cả khi ban hành thì Quốc hội phải kèm theo quy định kinh phí bao nhiều, số tiền bao nhiêu đề làm luật này. Cái đó Việt Nam hầu như rất yếu, thậm chí là không có”.
Có nhiều lý do dẫn đến tử vong trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam giải thích, trong đó chết đuối là nguyên nhân hàng đầu với bình quân 2.000 em/năm. Kế đó là tai nạn giao thông cũng ở mức tương tự. Rồi gần đây lại nổi lên các vụ việc trẻ rơi ngã do tự tử hoặc môi trường sống không an toàn, điển hình như chung cư hoặc cao tầng.
Tuy Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn, nhiều địa phương đã không quan tâm, trong lúc lãnh đạo chừng như quá bận nên không ‘nóng lòng’ trước cảnh nhiều trẻ bị chết đuối.
Một nguyên nhân hệ trọng nữa được nêu bật trong buổi hội thảo hôm 25/5 là nạn trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại. Cục Trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đặt vấn đề là: ‘Chúng ta đã quá quen với thực tế là có tới 17 cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em mà sao các vụ việc xâm hại trẻ nghiêm trọng vẫn xảy ra’.
Đó là sự thật, ông nhấn mạnh ‘Mỗi cơ quan có trách nhiệm đã được pháp luật định rõ, nhưng vấn đề là các cơ quan, đơn vị ấy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa hay chỉ tranh công còn tội tránh?’
Ông khẳng định thêm rằng trước khi đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thì cũng phải minh định luôn rằng trách nhiệm của gia đình, cha mẹ là chuyện không thể thay thế.
Bạo hành trẻ, xâm hại tình dục trẻ, bắt cóc, bỏ rơi là chuyện xảy ra nhan nhản trong xạ hội Việt Nam xưa giờ, từ thành đến tỉnh, và con số được báo cáo chỉ là ngọn của cả một tảng băng lớn chìm trong nước. Vị cựu cán bộ Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TPHCM nói với RFA như thế:
“Chừng nào chưa có quy định nghiêm ngặt, nghĩa là buộc những ai biết hoặc nhìn thấy trẻ bị hành hạ,bị đánh đâp, bị lạm dụng thì phải báo ngay lên cơ quan công lực, chừng đó những tình huống thương tâm, thảm khốc vẫn xảy ra dài dài, hoài hoài, bất kể mười lăm hai mươi cơ sở bảo vệ ngồi đó”.
Dân đã góp ý rất nhiều về chuyện này, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Trên mạng người ta cũng than phiền rất nhiều. Câu chuyện bây giờ là điều kiện đảm bảo gồm có nhiều thứ, nhiều lắm, trong đó dĩ nhiên phải có một bộ máy đảm bảo. Xã hội đó là khi cha mẹ, người thân gặp trẻ em bị nạn mà nếu không chịu trách nhiệm cứu chữa, cứu người là phạm tội hình sự. Rồi khi triển khai thì như tôi đã nói cái đảm bảo trách nhiệm phải rách ròi. Chứ còn kinh phí đã không đủ mà mỗi bên còn cắt bớt thì sao mà hiệu quả được.”
“Đâm ra tính khả thi nó cũng nằm trong tổng thể của một xã hội, một nền hành chánh, một thể chế thích hợp mà mỗi người dân đều phải hiểu. Việt Nam hiện đang cố cải tiền nhưng mà đều rất chậm, rất yếu”.
Đấy là vấn đề của tất cả mọi lãnh vực chứ không riêng Quyền Trẻ em hay các cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em, là nhận định của nhà Xã Hội học Tăng Duyên Hồng, Giám đốc tổ chức Coins For Change hiện đang làm việc tại Đà Nẵng:
“Ở đây người ta hay đùa là ‘thợ điện thì đến đào đường lên để đặt dây điện xuống, xong rồi thợ làm đường mới đến lấp đường lại vân vân. Trong tất cả mọi lãnh vực ở Việt Nam đều không có sự hợp tác giữa các cơ quan chứ không riêng gì chuyện bảo vệ trẻ em. Đó là câu chuyện không thể thay đổi được.”
“Tình hình bạo lực trong gia đình, trong học đường, nhất là gần đây vụ mẹ kế tra tấn con chồng rồi cha dượng tra tấn con vợ.”
“Lãnh đạo lúc nào cũng nói rằng nước ta còn nghèo, cho nên g mọi ngành nghề đều là thiếu kinh phí. Người ta nói đấy là một kiểu excuse, một lý lẽ bao biện cho việc không làm được.”
“Thế thì bất kỳ sự góp ý nào cũng sẽ không được triển khai bởi vì cán bộ sẽ nói là không có ngân sách để làm việc đó. Nói chung thì cũng có sự khó khăn cho họ”.
Hoàn toàn tán đồng với ý kiến sau rốt của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam rằng bảo vệ con trẻ cũng là trách nhiệm tất yếu từ gia đình. Đây là sự phối hợp cần thiết và hiệu quả, nhà Xã Hội học Tăng Duyên Hồng trình bày tiếp:
“Làm thế nào để con biết tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dực, khỏi bị tai nạn khi đi trên đường hoặc những tai nạn trong trường. Ở đây thì vai trò của mẹ sẽ đúng hơn là vai trò của cô giáo. Tuy nhiên tại sao người mẹ không dậy được cho con thì nó lại liên quan đến chuyện có khi người mẹ cũng không có những kỷ năng đó để dạy con mình. Những trường hợp thầy cô giáo bắt nạt trẻ hoặc thầy cưỡng hiếp nữ sinh thì nhiều cha mẹ cũng sợ không dám bảo con là thầy không có quyền làm việc đó chẳng hạn.”
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, năm 2021 gần 2.000 trẻ bị xâm hại, bạo hành được phát hiệnvà xử lý, giảm 1,6% so với năm 2020.
Tin nói Cục Trẻ em đang phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an để xây dựng quy trình xử lý việc xâm hại thiếu nhi qua Internet, dự kiến ban hành Quí III năm nay.
RFA đã gởi điện thư về Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB- XH để hỏi thêm tin tức nhưng hoàn toàn không được phúc đáp.