Đăng ngày: 02/06/2022
Nhân viên của bộ Ngoại Giao Pháp được kêu gọi đình công hôm nay, 02/06/2022, để phản đối những cải tổ mà theo họ sẽ gây tác hại cho hiệu quả cũng như danh tiếng của ngành ngoại giao Pháp. Lần đầu tiên từ 20 năm qua có một cuộc đình công như vậy.
Theo hãng tin AFP, phong trào đình công, hiếm khi xảy ra trong bộ Ngoại Giao Pháp, là theo lời kêu gọi của 6 công đoàn và của một tập thể 500 nhà ngoại giao trẻ. Lần đầu tiên, nhiều nhà ngoại giao cao cấp, đại sứ, vụ trưởng các khu vực ngoại giao từ mấy ngày qua đã bày tỏ sự ủng hộ phong trào đình công trên mạng Twitter, với hashtag #diplo2métier. Thậm chí một số đại sứ thông báo sẽ tham gia đình công.
Theo nhà ngoại giao Olivier Da Silva, thuộc nghiệp đoàn CFTC, việc chính quyền tiến hành ‘‘liên tục nhiều cải cách trong lúc phương tiện sụt giảm, đã gây mệt mỏi và hoang mang trong giới ngoại giao’’. AFP nhấn mạnh là cuộc cải cách mới đây liên quan đến giới công chức cao cấp, theo chủ trương của tổng thống Emmanuel Macron, có nhiều tác động đến ngành ngoại giao, nhưng bất bình vốn đã gia tăng từ nhiều năm nay. Một giới chức gần gũi với hồ sơ này cho biết, phong trào phản kháng trong giới ngoại giao Pháp diễn ra trong bối cảnh ‘‘đặc biệt khó khăn’’, sau hơn hai năm đại dịch Covid, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, từ cuộc sơ tán khỏi thủ đô Afghanistan sau chiến thắng của Taliban tháng 8/2021, đến chiến tranh Ukraina…
Nhân viên ngoại giao Pháp tại Trung Quốc đình công
Tại đại sứ quán Pháp ở Trung Quốc, đại sứ quán lớn nhất của Pháp, nhiều nhân viên đình công kể từ hôm nay, theo tường trình của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh:
“Một tấm khăn phủ lên màn ảnh trang chủ của đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh với hàng chữ in lớn : “Đình công”. Một phần tư nhân viên đến từ bộ Ngoại Giao làm việc trong đại sứ quán Pháp ở Trung Quốc đã đình công kể từ hôm nay, thứ Năm, trong đó có một số người lần đầu tiên tham gia đình công. Họ tuyên bố chỉ muốn bảo vệ một nghề, chứ không phải bảo vệ một quy chế. Và hơn thế nữa, cuộc đời họ chỉ phục vụ cho nước Pháp và cho người Pháp ở nước ngoài.
Florian Turc, đại diện cho các nhân viên là đoàn viên công đoàn, nói: “ Thông thường người ta chỉ nhớ đến đại sứ quán khi gặp một vấn đề: mất passeport, không có visa, cần quay trở về Pháp. Ở Trung Quốc, cần phải điều các giáo viên trung học Pháp đến. Tối nay, trên nguyên tắc có một máy bay đến, nhưng đến hôm qua, các chuyến bay đã bị hủy. Nhiệm vụ của các nhà ngoại giao là đưa các nhân viên đến, tạo điều kiện dễ dàng cho dân Pháp tại những nước họ đang sống hoặc khi họ rời đi”.
Đại sứ quán tại Trung Quốc là đại sứ quán Pháp lớn nhất trên thế giới, hơn cả đại sứ quán ở Washington, với 380 nhân viên đến từ nhiều bộ khác nhau. Cũng như cộng đồng người Pháp ở đây, họ cũng bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và những biện pháp hạn chế dịch tễ.
Một nhân viên ngoại giao nói: “Chúng tôi đã phải chấp nhận nhiều hy sinh, mà lúc này lại không có gì chắc chắn. Tại nhiều nước, vợ hoặc chồng đi theo lại không được quyền làm việc. Rất nhiều nhân viên ở Trung Quốc từ 3 năm nay đã không được về nước, giống như nhiều công dân Pháp ở Trung Quốc.”
Một ngành ngoại giao đang gặp khủng hoảng, nhưng phải thường xuyên đối đầu với một thế giới đang gặp khủng hoảng. Đàm phán, viết tài liệu tổng hợp: thực tế khác xa với quảng cáo cho một nhãn hiệu sô cô la, vốn đã gây nhiều tác hại cho ngành ngoại giao, như một lời bình với hashtag #diplo2metier”.