Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng làm trung gian giải tỏa ngũ cốc Ukraina

Đăng ngày: 07/06/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp ở Sotchi, Nga, ngày 29/09/2021. AP – Vladimir Smirnov

Anh Vũ

Khi các nỗ lực trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraina không đạt được kết quả nào, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây hy vọng vào một giải pháp thương lượng tìm lối thoát cho hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraina đang bị mắc kẹt do bị Nga phong tỏa các cảng trên Biển Đen.

Cuộc chiến tranh tại Ukraina do Nga phát động từ hôm 24/02 đã khiến giá lương thực thực phẩm tăng phi mã ở khắp nơi, bởi hai bên tham chiến là hai vựa ngũ cốc lớn nhất thế giới. Hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraina bị mắc kẹt trong nước, vì toàn bộ các hải cảng ở miền nam và vùng biển Đen bị Nga phong tỏa. Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina đã đồng ý soạn thảo một lộ trình nhằm mở « một hành lang ngũ cốc » nối các cảng phía nam Ukraina ra thị trường bên ngoài, nhằm tái lập nguồn cung ứng ngũ cốc thiết yếu cho thế giới. Ngày 08/06, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tới Ankara để thảo luận với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu về giải pháp nối lại xuất khẩu lương thực của Ukraina.

Ankara sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch giải tỏa lương thực này. Một « cơ chế » đang được nghiên cứu, theo đó hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraina. Chiến dịch, cũng có thể coi là nhân đạo này được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, sẽ cho phép khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc được xuất từ các kho chứa của Ukraina ra thị trường thế giới. Kịch bản này nếu đạt được sẽ giúp thế giới tránh được nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Ankara hy vọng thuyết phục Matxcơva chấp nhận nhượng bộ để cho phép hàng hóa được lưu thông tự do trên Biển Đen. Theo giới quan sát, chỉ có thể giải tỏa tuyến đường thương mại trên Biển Đen với điều kiện Kiev và Matxcova đạt được thỏa thuận. Cho đến giờ, hai bên tham chiến này không cho thấy có cơ hội thương lượng nào, dù Ankara dường như tin tưởng vào một lối thoát nhờ vai trò trung gian hòa giải của mình. Trong khi đó, chính phủ Ukraina không ngừng tố cáo Nga vơ vét ngũ cốc trong các vùng chiếm đóng để xuất khẩu, chủ yếu sang Syria, Liban và cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông cáo hồi tháng 5, bộ Nông Nghiệp Ukraina ước tính đã có 500 nghìn tấn lúa mì bị Matxcơva cướp mang về Nga, hoặc đưa qua Trung Đông, cáo buộc là Matxcơva vẫn phủ nhận.  

Nhưng điều quan trọng lúc này là làm sao Ukraina xuất khẩu được 20 đến 30 triệu tấn ngũ cốc đang nằm im trong các kho, vì vùng biển Đen đang bị quân đội Nga kiểm soát. Theo đại sứ Ukraina tại Ankara, ông Vasyl Bodnar, Kiev đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ.

Là đồng minh của Ukraina, từ đầu cuộc chiến tranh, Ankara đã cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có các loại máy bay không người lái lợi hại giúp quân đội Ukraina kháng cự trước quân Nga. Phần nào đó cũng là lý do khiến Ankara không thành công trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột quân sự giữa Kiev và Matxcơva. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại rất chú ý giữ gìn các quan hệ ưu tiên với Nga, để duy trì các nguồn cung ứng năng lượng cũng như lương thực.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh tại Ukraina, Ankara đã quyết định đóng các eo biển nối với Biển Đen đối với các tàu quân sự, nhưng không áp dụng với các tàu hàng thương mại. Những tháng qua, các tàu thương mại được bộ Quốc Phòng Nga thuê đã tấp nập ra vào Biển Đen. Chính bằng cách đó mà Matxcơva có thể chuyển thiết bị quân sự hay lúa mì đến và đi từ Ukraina.

Theo Le Monde, từ năm 2017, cơ quan quản lý vận tải hàng hải thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu cấm ra vào các cảng của nước này mọi tàu buôn bán với Crimée, bị Nga sáp nhập năm 2014. Thế nhưng, những tuần qua, có ít nhất hai lần tàu chở ngũ cốc của Nga đi từ cảng Sebastopol đã giao lúa mì ở cảng Iskenderin của Thổ Nhĩ Kỳtrên Địa Trung Hải. Trong khi Nga đang phong tỏa các cảng chính của Ukraina trong vùng Biển Đen, các tàu thương mại của Nga vẫn hoạt động bình trường tại các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ, theo ghi nhận của giới quan sát. 

Nếu đạt được một thỏa thuận về « hành lang ngũ cốc », đây  sẽ là một thắng lợi lớn về ngoại giao của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, vốn vẫn duy trì lập trường trung lập giữa Nga và Ukraina từ đầu cuộc xung đột. Tuy nhiên, thuyết phục Matxcơva từ bỏ một lá bài dùng để mặc cả dỡ bỏ trừng phạt của phương Tây không phải là đơn giản.

Bài Liên Quan

Leave a Comment