- John Sudworth
- BBC News
3 giờ trước
Hàng ngàn bức ảnh từ tâm điểm của hệ thống giam giữ người hàng loạt đầy bí mật ở Tân Cương, Trung Quốc, cũng như chính sách bắn để hạ đối với những người bỏ trốn, nằm trong số dữ liệu khổng lồ bị hack từ các máy chủ của cảnh sát ở vùng này.
Được gọi là Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương, bộ dữ liệu này được chuyển cho BBC hồi đầu năm nay. Sau hàng tháng trời nỗ lực điều tra và kiểm chứng, các hồ sơ này mang đến thông tin mới về tình trạng giam cầm người Uyghur và các dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác ở vùng này.
Bộ hồ sơ này được tung ra trùng thời điểm với chuyến đi Trung Quốc gần đây của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bà Michelle Bachelt. Bà đã có chuyến đi gây tranh cãi đến Tân Cương, với những ý kiến chỉ trích lo ngại rằng lịch trình của bà chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc.
Bộ hồ sơ tiết lộ, với các chi tiết cụ thể chưa từng thấy, cách Trung Quốc sử dụng các trại \”cải tạo\” và nhà tù cũ như hai hệ thống riêng rẽ nhưng có liên quan để giam giữ hàng loạt người Uyghur – và đặt câu hỏi lớn về cách tuyên truyền ra rả của nước này về cả hai hệ thống.
Lời giải thích của chính phủ Trung Quốc rằng các trại cải tạo được xây dựng ở Tân Cương từ năm 2017 chẳng qua chỉ là các \”trường học\” mâu thuẫn với các mệnh lệnh, lịch trực ban của cảnh sát Tân Cương và các hình ảnh chưa từng thấy chụp người trong trại giam.
Tội khủng bố, thường được dùng như lý do để đưa hàng ngàn người vào các nhà tù cũ, nhờ bộ dữ liệu này đã được phơi bày như cái cớ để triển khai hai hệ thống cầm tù song song, với các spreadsheet của cảnh sát đầy ắp các bản án độc đoán và hà khắc.
Các dữ liệu này cung cấp những bằng chứng giá trị nhất cho tới nay về một chính sách nhắm vào bất kỳ sự biểu thị nào của bản sắc hay văn hóa Uyghur hay tín ngưỡng Hồi giáo – và cho thấy một chuỗi mênh lệnh được đưa ra từ lãnh đạo cao nhất, ông Tập Cận Bình.
Bộ hồ sơ bị hack bao gồm hơn 5000 bức ảnh cảnh sát chụp người Uyghur từ tháng 1 đến tháng 8/2018.
Khi phân tích cùng với các các file đi kèm khác, có thể thấy ít nhất 2884 người trong số họ đã bị giam giữ.
Và với những người có tên trong danh sách tại một trại cải tạo, có nhiều chỉ dấu cho thấy họ không phải là các \”học sinh\” ham học hỏi mà từ lâu Trung Quốc nói họ chính là.
Một số ảnh từ trại cải tạo cho thấy có lính canh cầm dùi cui đứng cạnh.
Thế nhưng, các quan chức cao cấp của Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc họ đã cưỡng ép giam giữ người Uyghur.
\”Sự thật là các trung tâm giáo dục và đào tạo ở Tân Cương là các trường học giúp người dân tự giải thoát họ khỏi chủ nghĩa cực đoan,\” Ngoại trưởng Vương Nghị nói hồi 2019.
Nhiều người bị giam giữ chỉ vì thể hiện ra ngoài tín ngưỡng Hồi giáo của họ hay đi thăm các quốc gia có đại đa số người dân theo đạo Hồi.
Với sự đe dọa vũ lực có thể thấy rõ trên nền đằng sau, ảnh của người phụ nữ này cho thấy việc chính quyền sử dụng rộng rãi chính sách \”có tội vì có liên đới\”.
Tài liệu mô tả con trai bà \”có xu hướng tôn giáo mạnh mẽ\” vì anh không uống rượu hay hút thuốc. Vì thế, anh bị bỏ tù 10 năm vì tội khủng bố.
Nhưng mẹ anh xuất hiện trong danh sách \”họ hàng những người bị bắt giữ\” – cùng với hàng ngàn người khác – chỉ vì \”tội\” mà người thân của họ bị cáo buộc đã phạm.
Các bức ảnh cung cấp một tư liệu đặc biệt bằng hình ảnh về cách một bộ phận lớn của người Uyghur đã bị đưa đi – vào trại cải tạo cũng như vào tù – lần lượt từng người một.
Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương – tên được dùng cho bộ dữ liệu do một consortium các nhà báo quốc tế trong đó có các nhà báo BBC tham gia- chứa đựng hàng ngàn hình ảnh và tài liệu.
Chúng bao gồm các bài phát biểu tuyệt mật của các quan chức cấp cao, các tài liệu hướng dẫn nội bộ của cảnh sát và thông tin cá nhân; chi tiết việc giam giữ hơn 20.000 người Uyghur, và các bức ảnh chụp những địa điểm hết sức nhạy cảm.
Nguồn cung cấp tập dữ liệu này tuyên bố họ đã hack, tải xuống và giải mã các thông tin từ một số máy chủ của cảnh sát ở Tân Cương, rồi được chuyển cho TS Adrian Zenz, một học giả tại Quỹ Tưởng niệm các Nạn nhân Cộng sản có trụ sở ở Mỹ, người đã từng bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt vì nghiên cứu có giá trị về Tân Cương của ông.
TS Zenz sau đó chia sẻ dữ liệu với BBC, và mặc dù chúng tôi liên hệ với nguồn tin trực tiếp, họ không muốn tiết lộ thông tin gì về danh tính hay tung tích của họ.
Tất cả các tài liệu bị hack đều có dấu ngày tháng từ cuối năm 2018 trở về trước, có lẽ là vì một chỉ thị được ban hành hồi đầu năm 2019 thắt chặt yêu cầu mã hóa các thông tin ở Tân Cương. Điều này có thể khiến hacker khó tiếp cận được các tệp dữ liệu từ 2019 trở đi.
TS Zenz đã viết một đề cương được bình duyệt về Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương cho Tạp chí của Viện nghiên cứu Trung Quốc ở châu Âu, và ông đã đưa toàn bộ hình ảnh của những người bị giam giữ và một số bằng chứng khác lên mạng.
\”Tài liệu này là vô giá. Nó nguyên bản, chưa bị chỉnh sửa và rất phong phú. Chúng tôi có tất cả mọi thứ,\” ông nói với BBC.
\”Chúng tôi có tài liệu mật. Chúng tôi có văn bản của các bài phát biểu trong đó các lãnh đạo TQ nói thoải mái về những gì họ thực sự nghĩ trong đầu. Chúng tôi có spreadsheet. Chúng tôi có hình ảnh. Các tệp dữ liệu này là chưa từng có và nó thổi bay vỏ bọc tuyên truyền Trung Quốc.\”
Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương còn chứa một bộ tài liệu khác không chỉ có ảnh của người bị giam giữ, mà còn bộc lộ bản chất như nhà tù của các trại cải tạo mà TQ khăng khăng gọi là \”trường dạy nghề\”.
Các tài liệu nội bộ mô tả việc sử dụng thường xuyên cảnh sát có vũ trang trong tất cả các khu vực của các trại cải tạo, việc đặt súng máy và súng trường trên tháp canh, và sự tồn tại của chính sách bắn để hạ cho những ai tìm cách vượt ngục.
Miếng che mắt, còng tay và còng chân là bắt buộc đối với những \”học sinh\” được chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác hay thâm chí tới bệnh viện.
Hàng chục năm qua, Tân Cương đã trải qua một giai đoạn có chủ nghĩa ly khai nhen nhúm, bạo lực thỉnh thoảng bùng phát và kiểm soát ngày càng lớn của chính phủ.
Năm 2013 và 2014, hai vụ tấn công chết người nhắm vào người đi bộ và đi tàu ở Bắc Kinh và thành phố Côn Minh ở phía Nam Trung Quốc – mà chính phủ đổ cho người Uyghur ly khai và những người Hồi giáo cực đoan – đã dẫn tới một thay đổi đáng kể trong chính sách.
Chính quyền bắt đầu coi văn hóa Uyghur là vấn đề nhức nhối và chỉ trong vài năm, hàng trăm trại cải tạo khổng lồ bắt đầu xuất hiện trên ảnh vệ tinh, nơi mà người Uyghur bị đưa tới mà không được xét xử.
Hệ thống nhà tù cũ của Tân Cương cũng được mở rộng trên quy mô lớn như một biện pháp khác để kiềm chế bản sắc của người Uyghur – đặc biệt là trong bối cảnh chỉ trích quốc tế ngày càng tăng về tình trạng thiếu hỗ trợ pháp lý trong các trại cải tạo.
Trong tập 452 spreadsheet, hệ thống kép (dùng nhà tù cũ và trại cải tạo) được phơi bày rõ nhất, với tên tuổi, địa chỉ và số căn cước đầy đủ của hơn một phần tư triệu người Uyghur – cho thấy ai đã bị giam giữ, ở cơ sở loại nào và vì sao.
Chúng vẽ một bức tranh về tình trạng giam giữ không ngừng ở cả các trại cải tạo và nhà tù cũ, với hàng này tiếp hàng khác ghi rõ việc cán bộ TQ thâm nhập vào cộng đồng Uyghur để do thám – với sự hỗ trợ của các công cụ theo dõi – và bắt giữ người tùy tiện.
Có vô số các ví dụ người dân bị trừng phạt vì những \”tội\” đã xảy ra nhiều năm hay thậm chí nhiều thập kỷ trước – chẳng hạn một người đàn ông bị bỏ tù 10 năm hồi 2017 vì đã \”học kinh Hồi giáo cùng bà nội\” trong vài ngày năm 2010.
Hàng trăm người bị nhắm vào chỉ vì cách họ dùng điện thoại – phần lớn là nghe \”các bài giảng trái phép\” hay đã cài đặt các ứng dụng mã hóa.
Những người khác thì bị phạt tới 10 năm tù vì không dùng điện thoại đủ nhiều, với hơn 100 trường hợp \”phone đã hết tiền nạp\” bị coi là dấu hiệu người dùng tìm cách né tránh các thiết bị giám sát liên tục của chính quyền.
Các bản spreadsheet cho thấy cuộc đời của người dân bị soi xét kỹ để tìm một lý do nhỏ nhất để quy vào các tội chung chung – như \”cãi lộn\” hay \”phá vỡ trật tự xã hội\” – và sau đó họ bị phạt như thể họ có các hành vi khủng bố nghiêm trọng: 7 năm, 10 năm, 25 năm, những cột ghi bản án tràn từ trang này sang trang khác.
Nếu cái nhãn khủng bố có là chính đáng, thì cũng không biện minh được cho một biển dữ liệu để bỏ tù cả một tộc người không phải vì những gì họ làm, mà là vì họ là ai.
Những dòng thông tin về ông Tursun Kadir trong spreadsheet liệt kê những lần học và giảng kinh Hồi giáo từ những năm 1980, và trong những năm gần đây hơn, ông phạm tội \”để râu theo ảnh hưởng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan\”.
Vì lý do này, người đàn ông 58 tuổi này đã bị bỏ tù 16 năm và 11 tháng. Ảnh trong tập dữ liệu cho thấy ông trước và sau khi nhà nước quyết định rằng sự biểu đạt danh tính Uyghur của ông là bất hợp pháp.
Ngay cả với những người không bị đưa vào trại cải tạo hay nhà tù, Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương cho thấy tác động sâu xa của việc giám sát và theo dõi ở mức độ cao như vậy.
Các hình ảnh cho thấy người Uyghur sống ở nhà bị triệu tập đến chụp ảnh theo các nhóm đông, có dấu ngày tháng cho thấy cả cộng đồng – từ người cao tuổi cho đến trẻ em – bị gọi lên đồn cảnh sát bất cứ lúc nào, thậm chí cả lúc nửa đêm.
Một hệ thống đặt tên file tương tự như hệ thống dùng cho ảnh chụp trong trại cải tạo và nhà tù cho thấy họ có cùng một mục đích – một cơ sở dữ liệu nhận dạng mặt mà Trung Quốc xây dựng khi đó.
5 tháng sau khi cảnh sát chụp các bức ảnh vào 2018, hai vợ chồng ông Tursun Memetimin và bà Ashigul Turghun bị đưa vào trại giam sau khi họ bị kết tội \”đã nghe một bài giảng ghi âm trái phép\” trên điện thoại của người khác từ sáu năm trước.
Hai trong số ba con gái của họ cũng có ảnh trong tập dữ liệu của cảnh sát – Ruzigul Turghun, mới 10 tuổi khi bố mẹ em bị đưa đi – và Ayshem Turghun, mới 6 tuổi.
Các trang spreadsheet cung cấp ít chi tiết về số phận của các em nhỏ có bố mẹ bị giam giữ.
Có lẽ rất nhiều em đã bị đưa vào hệ thống trường nội trú của nhà nước, được xây dựng trên khắp Tân Cương ở cùng thời điểm với các trại cải tạo.
Trên thực tế, theo lời những người Uyghur ở nước ngoài kể với BBC, kiểu cắt tóc rất ngắn được thấy trong hình ảnh của nhiều em là dấu hiệu các em bị bắt phải tới trường nội trú ít ra là trong tuần, ngay cả khi các em vẫn được một hay cả hai bố mẹ chăm sóc.
Các bức ảnh gắn khuôn mặt con người lên cách chính sách được hoạt định để cố tình nhắm vào các gia đình Uyghur như một kho tàng về tính danh và văn hóa và – như lời của chính nhà nước Trung Quốc – để \”phá nguồn gốc, phá nòi giống, phá liên hệ, phá xuất xứ của họ\”.
Không những chỉ phơi bày hoạt động bên trong của hệ thống giam giữ người của Trung Quốc một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương còn hé lộ những chỉ dấu mới về phạm vi của hệ thống này.
Hầu hết các bản spreadsheet liên quan tới một quận ở nam Tân Cương mang tên Konasherher bằng tiếng Uyghur hay Shufu bằng tiếng Trung.
Theo phân tích dữ liệu của TS Zens, chỉ trong một quận, đã có tới 22.762 người dân – 12% dân số người trưởng thành – đã ở trong trại cải tạo hay nhà tù vào năm 2017 hay 2018.
Nếu tỷ lệ này được áp dụng cho toàn Tân Cương, con số này có nghĩa hơn 1,2 triệu người Uyghur và các dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác bị giam giữ. Con số này, khớp với ước tính của các chuyên gia nghiên cứu về Tân Cương, luôn bị Trung Quốc phủ nhận.
Làm việc với một consortium gồm 14 tổ chức truyền thông từ 11 quốc gia, BBC đã kiểm chứng được những yếu tố quan trọng trong Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương.
Người Uyghur sống ở châu Âu và Mỹ được yêu cầu cung cấp tên và số căn cước của những người thân mất tích của họ ở quê nhà Tân Cương. Rất nhiều thông tin họ cung cấp trùng khớp với các dữ liệu trên spreadsheet, đưa ra bằng chứng chắc chắn rằng những thông tin đó là của người thật.
BBC cũng nhờ Giáo sư Hany Farid, một chuyên gia về khám nghiệm hình ảnh tại Đại học University of California at Berkeley, xem xét một loạt ảnh người Uyghur bị giam giữ.
Ông không thấy có bằng chứng nào là các hình ảnh đã bị chỉnh sửa, không có dấu hiệu nào của việc ảnh bị chế theo kiểu \”deep-fake\” hay chỉnh sửa trên máy tính.
Một hiệu ứng lạ có thể thấy ở viền một số bức ảnh – như thể chúng đã được copy rồi xoay chiều chút ít. Theo GS Farid, hiệu ứng này thường là kết quả của quy trình chụp ảnh thường dùng cho các cơ sở dữ liệu (database) nhận dạng khuôn mặt, theo đó những ảnh chân dung hơi lệch sẽ được tự động xoay để cho đôi mắt nằm ngang.
Bộ ảnh có thể được xác thực thêm bằng cách sắp xếp ảnh theo thứ tự thời gian trên con dấu và quan sát các chi tiết nền đằng sau, điều cho thấy chúng được chụp theo thời gian và địa điểm thật.
Sau khi tiếp cận chính phủ Trung Quốc để xin bình luận về các tập dữ liệu bị hack, với các câu hỏi chi tiết về bằng chứng mà chúng cho thấy, consortium truyền thông nhân được hồi đáp từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC.
\”Các vấn đề liên quan đến Tân Cương về bản chất là chống chủ nghĩa khủng bố bạo lực, chống chủ nghĩa cấp tiến và và ly khai, không phải về nhân quyền hay tôn giáo,\” thông cáo viết, và nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc đã thực hiện \”một loạt các biện pháp chống khủng bố cực đoan kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.\”
\”Vùng này giờ đây có hòa hợp và ổn định xã hội cũng như phát triển kinh tế,\” bản thông cáo viết tiếp. Những điều này mang lại \”phản ứng mạnh mẽ nhất trước mọi lời nói dối và thông tin không đúng sự thật về Tân Cương\”.
Nhưng không hề có phản hồi nào về các bằng chứng cụ thể trong bộ hồ sơ.
Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương còn chứa một loạt ảnh khác dường như nhấn mạnh mức độ kiểm soát rất nghiêm ngặt mà người Uyghur phải chịu đựng khi chính quyền tìm cách cưỡng ép sự thay đổi danh tính ở họ.
Bộ ảnh dường như cho thấy các buổi tập dượt khống chế tù nhân -tương tự như những gì được mô tả trong các dữ liệu của cảnh sát ở các trại cải tạo – nhưng lần này là trong các trại giam.
Ngoài ra còn có các buổi tuyên truyền, tương tự như ở các trại cải tạo.
Các dòng chữ trên đồng phục của tù nhân cho thấy họ ở Trại Giam Tekes ở bắc Tân Cương.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy bề ngoài của cơ cở này ở thành phố Teke hoàn toàn khớp với một số bức ảnh, cho thấy rõ chúng là ảnh thật và tăng thêm tính xác thực của toàn bộ tập dữ liệu.
Các file dữ liệu bị hack chứa một số bài diễn văn từ các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản, hé hộ tư duy đứng đằng sau các chính sách về Tân Cương, cũng như bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai.
Trong một bài diễn văn có đóng dấu \”Tuyệt mật\” của ông Trần Văn Thanh, Bộ trưởng An ninh Trung Quốc khi ông này tới thăm Tân Cương hồi tháng 8/2018, ông gợi ý rằng ít nhất hai triệu người bị nhiễm \”tư tưởng cực đoan\” chỉ riêng ở bắc Tân Cương.
Điểm xuyết nhiều đoạn nhắc tới Chủ tịch Tập Cận Bình, bài phát biểu đầy ắp lời ca ngợi vị lãnh đạo đã có \”những chỉ đạo quan trọng\” về việc xây dựng các cơ sở giam giữ mới và tăng cấp vốn cho các nhà tù để đủ chỗ chứa lượng người bị giam giữ nhằm đạt mục tiêu bắt giam hai triệu người.
Và nếu việc bắt giam hàng loạt người Uyghur và các dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Tân Cương thực sự đến từ mệnh lệnh của vị lãnh tụ Trung Quốc, có cả các chỉ dấu về mốc thời gian mà ông Tập tính trong đầu.
Tập dữ liệu chứa một bài phát biểu bí mật khác – diễn văn của ông Trần Toàn Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương, đọc hồi 2017.
\”Với một số người, 5 năm cải tạo thậm chí là chưa đủ,\” ông phát biểu trước các cán bộ quân đội và cảnh sát cao cấp. Đây dường như là một thừa nhận rằng chừng nào người Uyghur tiếp tục trung thành với một danh phận hay tín ngưỡng mạnh mẽ bằng hoặc hơn với Đảng Cộng sản, thời gian giam giữ họ sẽ không có hồi kết.
\”Một khi cho họ ra ngoài, các vấn đề sẽ tái xuất hiện, đó là thực tế ở Tân Cương\”, ông Trần phát biểu.
Phóng sự này hoàn toàn được viết, sản xuất, biên tập và nghiên cứutại Brussels, London, New York và Thụy Điển bởi nhân viên BBC ở châu Âu, Anh quốc, và Mỹ .