10/06/2022
Đạo diễn phim tài liệu về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hôm 10/6 đã biện hộ cho tác phẩm của ông là hồ sơ ‘lịch sử’ trung thực sau khi cảnh sát trưởng thành phố khuyến cáo mọi người không nên xem, dẫn ra điều mà ông mô tả là rủi ro pháp lý khả dĩ.
Lo ngại dâng cao về khả năng vi phạm luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào năm 2020, và một số người dân Hong Kong cho biết họ chọn không xem ‘Cuộc Cách mạng trong thời chúng ta’, dấu hiệu của tự kiểm duyệt.
“Thế giới kiểu gì nếu như ngay cả xem một bộ phim ở nhà cũng là bất hợp pháp?” ông Chow nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại xưởng sản xuất của mình.
“Xem một bộ phim là quyền tự do cơ bản.”
Phim của Chow, về các cuộc biểu tình hồi năm 2019 ở Hong Kong để thách thức điều mà người dân xem là Trung Quốc bóp nghẹt các quyền tự do của thành phố, đã được phát hành quốc tế và được các nhà phê bình khen ngợi tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, nó không được công chiếu ở Hong Kong cho đến ngày 1/6 khi nó được phát hành trên nền tảng phát trực tuyến Vimeo.
Theo luật an ninh, chính quyền đã cấm khẩu hiệu phản đối ‘Cách mạng trong thời chúng ta’, mà đạo diễn Chow dùng làm tựa phim, và chính quyền đã tăng cường kiểm duyệt hồi tháng 10 để ‘bảo vệ an ninh quốc gia’.
Những người chỉ trích nói luật an ninh này đã làm xói mòn các quyền tự do ở vùng đất từng là thuộc địa của Anh và dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ, nhưng chính quyền nói rằng nó là cần thiết để khôi phục ổn định và bảo vệ nền kinh tế.
Cảnh sát trưởng Hong Kong Raymond Siu trong tuần này nói với tờ South China Morning Post rằng ông ‘khuyên’ mọi người không nên xem hay tải phim tài liệu này nếu họ không chắc về những rủi ro pháp lý.
Trang Vimeo cho thấy hơn 81.000 lượt nhấp vào trang web của phim tính đến chiều ngày 10/6. Tuy nhiên, Chow từ chối xác nhận có bao nhiêu người đã mua hay thuê phim ở Hong Kong, và cho biết trang web này có thể được truy cập ở 78 nước. Chow nói thêm rằng ông đã bán bản quyền cho một người nào đó ở nước ngoài.
Một số cư dân Hong Kong nói sự mơ hồ pháp lý đã khiến họ hoảng sợ, với khả năng chính quyền có thể truy ra họ từ việc thanh toán xem phim trên mạng.
“Tôi không biết nó có bất hợp pháp hay không, hay liệu chính quyền có truy ra hay không,” Alan Yu, 40 tuổi, nói.
Một nhân viên văn phòng chỉ nêu họ, Ho, cho biết chồng bà đã lo lắng sau khi bà mua phim trực tuyến nhưng đã chịu xem.
Bà nói nó khơi dậy những ký ức đau đớn về phong trào ủng hộ dân chủ mà nhiều người trẻ đã đặt hy vọng cho tương lai vào nó.
Những nỗi sợ mà phim này dấy lên ở Hong Kong trái ngược với sự đón nhận ở Đài Loan, nơi nó giành được giải Kim Mã danh giá và phá kỷ lục phòng vé.
Chow cho biết ông xem phim tài liệu kéo dài hai tiếng rưỡi này là tác phẩm quan trọng nhất của mình sau hai năm vật lộn sản xuất nó.
“Phim ảnh có thể ghi lại lịch sử, nhưng chúng cũng có thể thay đổi lịch sử. Tôi nhất quyết ra mắt phim ngay lúc này để đối mặt với môi trường chính trị hiện tại. Đây là sức mạnh của điện ảnh,” Chow nói.