Đăng ngày: 11/06/2022
Cuộc khủng hoảng “tàu ngầm” giữa Pháp và Úc đã đi đến hồi kết… Chính phủ Úc vào hôm nay, 11/06/2022 đã loan báo sẽ trả cho tập đoàn đóng tàu Pháp Naval Group một khoản tiền lên đến 555 triệu euro để bồi thường vụ hủy cái được gọi là hợp đồng thế kỷ của Pháp, liên quan đến việc đóng 12 tàu ngầm quân sự cho Úc.
Hợp đồng bị Úc đơn phương hủy bỏ vào tháng 9 năm ngoái sau khi nước này quyết định nhờ Mỹ và Anh, hai nước nằm trong liên minh AUKUS cùng với Úc, cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho mình.
Theo thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Sydney, với việc loan báo khoản bối thường, tân thủ tướng Úc Antony Albanese hy vọng tái lập quan hệ hữu nghị với Pháp, một tác nhận quan trong ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cụ thể :
“Đối với Úc, vốn bị Pháp cáo buộc là đã đâm sau lưng đồng đội, đã đến lúc phải nộp phạt: 555 triệu euro để giải quyết vụ vi phạm hợp đồng mà lẽ ra phải mang về 50 tỷ. Đây là số tiền được thủ tướng mới của Úc, ông Anthony Albanese loan báo hôm nay với lời khẳng định: “Đây là một cách giải quyết công bằng và đúng đắn”.
Thủ tướng Úc không hề đặt lại vấn đề về hiệp ước AUKUS, hoặc việc nước này đã chọn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thay vì loại thông thường mà Naval Group đã cung cấp, nhưng ông đã tỏ ý mong muốn thiết lập lại mối quan hệ thân hữu với Pháp, một đối tác mà ông cho là quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương: “Pháp là một đồng minh quan trọng từng chiến đấu cùng với chúng ta trong hai cuộc chiến tranh thế giới và là một đồng minh hiện diện tích cực ở Thái Bình Dương, vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng trong khu vực, vào lúc mà Úc phải làm việc với các đối tác của mình…”
Tổng cộng, những người đóng thuế ở Úc sẽ phải trả 2,2 tỷ euro cho những chiếc tàu ngầm mà họ không bao giờ thấy được tăm hơi.”
Pháp đã lập tức hoan nghênh thỏa thuận bồi thường của Úc. Phát biểu vào hôm nay tại Singapore, nơi ông tham gia Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu cũng cho rằng thỏa thuận bối thường phù hợp với tập đoàn Naval Group, và cho phép Paris mở ra một trang mới trong quan hệ song phương Pháp-Úc.