Đăng ngày: 13/06/2022
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng Phần Lan và Thụy Điển, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp nhằm trấn an Thổ Nhĩ Kỳ, để chính quyền Ankara không ngăn chặn việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Hôm 12/06/2022, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Phần Lan, trước khi qua Thụy Điển
Cuộc hội kiến giữa lãnh đạo NATO và nguyên thủ Phần Lan diễn ra tại nơi nghỉ hè của tổng thống Sauli Niinistö ở Naantali, Phần Lan. Hai bên đã tổ chức họp báo về chủ đề này. Thông tín viên Frédéric Faux tường trình từ Stockholm :
« \”Chúng ta cần phải lắng nghe Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta hiểu mối lo ngại của họ…\”. Sau cuộc gặp giữa tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, không khí đã dịu xuống. Không những thế, tổng thư ký NATO còn nhắc đến đến vị trí địa lý ‘‘rất quan trọng’’ của Thổ Nhĩ Kỳ, sát với Syria và Irak. Cũng như việc quốc gia này đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khối NATO. Và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu số vụ tấn công khủng bố kỷ lục.
Ankara phản đối sự gia nhập của Phần Lan, và đặc biệt là Thụy Điển, nơi có nhiều người Kurdistan chống tổng thống Erdogan, bị chính quyền Ankara gọi là khủng bố. Tuy nhiên, theo những người biết rõ hồ sơ nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng nhượng bộ về điểm này. Điều thực sự khiến Ankara quan tâm là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang đè nặng lên ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, chẳng hạn như khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể sản xuất máy bay chiến đấu của riêng mình.
Có một điều chắc chắn rằng, dù lập trường của Ankara có như thế nào, tổng thống Niinistö cũng đảm bảo Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nhau tiến lên phía trước. Tổng thư ký NATO cũng sẽ qua bên kia Biển Baltic, đến Thụy Điển vào thứ Hai để tiếp tục các thảo luận ».
Về triển vọng khai thông bế tắc cho việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, cũng trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thư ký NATO cho biết không có bất cứ chỉ dấu nào về các tiến bộ trong đàm phán. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng nói rõ là hội nghị tại Madrid của NATO vào cuối tháng này sẽ không phải là một ‘‘kỳ hạn’’ cho việc ra quyết định. Tổng thư ký NATO báo động là quá trình thương lượng sẽ kéo dài.
Để được gia nhập NATO, đề nghị của một quốc gia mới phải được sự chấp thuận của 30 thành viên của khối. Theo AFP, hai nước Bắc Âu đã nhiều lần tỏ thái độ ngạc nhiên về phản ứng của Ankara, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ủng hộ đề nghị gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, cho đến khi hai nước này chính thức đệ đơn.