13 tháng 6 2022
Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu được cho sẽ tăng lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh nguy cơ sử dụng loại vũ khí này đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, nghiên cứu của Viện Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) công bố ngày 13/06, theo Reuters.
Cuộc xâm lược của Nga và sự hậu thuẫn của Phương Tây dành cho Kyiv đã khiến căng thẳng gia tăng giữa 9 cường quốc hạt nhân, theo nghiên cứu.
Trong khi số lượng vũ khí hạt nhân giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 01/2021 đến tháng 01/2022, SIPRI cho biết trừ phi các cường quốc hạt nhân hành động ngay lập tức, kho đầu đạn hạt nhân toàn cầu có thể sớm bắt đầu tăng lên lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua.
\”Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang mở rộng hoặc nâng cấp kho vũ khí và hầu hết đều củng cố tuyên bố hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự,\” Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI nói trong nghiên cứu năm 2022.
\”Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại.\”
Ba ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, mà Điện Kremlin gọi là \”một chiến dịch quân sự đặc biệt\”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao.
Ông Putin cũng cảnh báo về các hậu quả \”chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử sẽ xảy đến với\” những nước cản đường của Nga.
Nga cũng có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, hơn khoảng 550 so với Mỹ. Nga và Mỹ sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân toàn cầu, mặc dù SIPRI nói Trung Quốc đang trong quá trình mở rộng với ước tính hơn 300 hầm chứa tên lửa.
SIPRI nói rằng tổng số đầu đạn hạt nhân toàn cầu đã giảm xuống còn 12.705 vào tháng 01/2022 từ mức 13.080 vào tháng 01/2022.
Ước tính khoảng 3.732 đầu đạn hạt nhân được sử dụng với tên lửa và máy bay, và khoảng 2.000 – gần như tất cả đều của Nga hoặc Mỹ – được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao.
\”Mối quan hệ giữa các cường quốc đã suy giảm thêm vào thời điểm khi nhân loại và hành tinh đối mặt với một loạt các thách thức chung sâu sắc và cấp bách, vốn chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế,\” Stefan Lofven, cựu Thủ tướng Thụy Điển, hiện là chủ tịch SIPRI nói.
Quốc gia nào có vũ khí hạt nhân?
Chín quốc gia có vũ khí hạt nhân, gồm: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Anh Quốc nằm trong số 191 nước ký Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).
Theo thỏa thuận, họ phải cắt giảm kho dự trữ đầu đạn hạt nhân, và về lý thuyết là cam kết loại bỏ hoàn toàn.
Và hiệp ước đã làm giảm số lượng đầu đạn được lưu trữ ở các quốc gia này kể từ những năm 1970 và 80.
Ấn Độ, Israel và Pakistan chưa từng tham gia NPT – và Bắc Hàn đã rút khỏi hiệp ước năm 2003.
Israel là nước duy nhất trong số 9 quốc gia chưa bao giờ chính thức thừa nhận về chương trình hạt nhân của mình – nhưng nước này được thừa nhận rộng rãi về việc sở hữu đầu đạn hạt nhân.
Ukraine hiện không có vũ khí hạt nhân và, bất chấp những cáo buộc của Tổng thống Putin, không có bằng chứng nào cho thấy nước này cố gắng đạt được chúng.
Mặc dù đã có nhiều vụ thử hạt nhân và sự gia tăng không ngừng về độ phức tạp kỹ thuật và sức công phá của chúng, vũ khí hạt nhân đã không được sử dụng trong một cuộc đối đầu vũ trang nào kể từ năm 1945.
Chính sách của Nga thừa nhận vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe và liệt kê bốn trường hợp cho phép sử dụng chúng:
- Việc phóng tên lửa đạn đạo tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga hoặc đồng minh của nước này
- Việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Liên bang Nga hoặc các đồng minh của Nga
- Một cuộc tấn công vào các địa điểm chính phủ hoặc quân sự quan trọng của Liên bang Nga mà đe dọa khả năng hạt nhân của nước này
- Gây hấn chống lại Liên bang Nga cùng với việc sử dụng vũ khí thông thường khi sự tồn tại của nhà nước bị lâm nguy
Vũ khí hạt nhân có sức tàn phá thế nào?
Vũ khí hạt nhân được tạo ra để gây ra mức độ tàn phá tối đa. Mức độ phá hủy phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố, bao gồm: kích thước của đầu đạn, nổ ở độ cao bao nhiêu so với mặt đất, môi trường địa phương.
Nhưng ngay cả một đầu đạn nhỏ nhất cũng có thể gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng và hậu quả lâu dài. Quả bom giết chết đến 146.000 người ở Hiroshima, Nhật Bản, trong Thế chiến thứ hai, là 15 kiloton. Và đầu đạn hạt nhân ngày nay có thể lớn hơn 1.000 kiloton.
Có rất ít người được cho là sẽ sống sót trong vùng ảnh hưởng tức thì của một vụ nổ hạt nhân. Sau một tia chớp chói mắt, có một quả cầu lửa và sóng nổ khổng lồ mà có thể phá hủy các tòa nhà và công trình kiến trúc trong bán kính vài km.