Đăng ngày: 12/06/2022
Trong ngày Đối thoại An ninh Shangri-La, diễn ra ở Singapore ngày 11/06/2022, tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Sébastien Lecornu cho biết Pháp sẽ tăng cường và hiện đại hóa năng lực quân sự được triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương
Trước các câu hỏi của những người tham dự diễn đàn, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, khẳng định cuộc chiến tại Ukraina không làm Pháp xoay lưng với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cụ thể, theo ông, Pháp sẽ cho bố trí thường trực 6 tuần duyên tại Ấn Độ – Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 2023 đến năm 2025. Trong giai đoạn này, số tầu tuần tra đó sẽ lần lượt được hiện đại hóa, thay mới.
Tương tự, năm chiếc máy bay trinh sát Falcon hiện nay cũng sẽ được thay thế bằng 5 chiếc khác hiện đại hơn. Các lực lượng quân đội Pháp sẽ tiếp tục tham gia và tổ chức các cuộc diễn tập quân sự đa phương nhằm duy trì một sự « hiện diện đáng kể tại khu vực, để chứng tỏ sự gắn kết của Pháp đối với ổn định của vùng châu Á – Thái Bình Dương. »
Ông Lecornu khẳng định chiến lược này của Pháp « không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào » nhưng ủng hộ các giải pháp phòng thủ đa phương. Nhân bài phát biểu tại diễn đàn, lãnh đạo quốc phòng Pháp nhắc lại nguyện vọng của Paris muốn gia nhập Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN Mở Rộng (ADMM+), quy tụ các nước thuộc khối ASEAN và tám cường quốc chính của khu vực, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trả lời câu hỏi nhà báo Murielle Paradon đài RFI, nhà nghiên cứu Emmanuel Véron phân tích tầm quan trọng của việc triển khai quân sự của Pháp trong khu vực, bất chấp cuộc chiến tại Ukraina.
« Điều cốt lõi về vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương chính là các hình thức chủ quyền lãnh thổ. Bất kể đó là đảo Reunion ở Ấn Độ Dương, Tahiti ở Thái Bình Dương, hay Nam Thái Bình Dương, hay như với Nouvelle Calédonie ở Châu Đại Dương đều là những vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Pháp mà tại đây chúng ta đã có bố trí vài lực lượng.
Nhưng điều hiển nhiên ở đây là có một mong muốn tăng cường các phương tiện, một mong muốn gia tăng sự hiện diện thông qua các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực nhằm ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong mối quan hệ với các tác nhân trong hay ngoài khu vực, nhất là với Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích là không tuân thủ luật lệ quốc tế.
Chẳng hạn như tôi muốn nói đến vấn đề Biển Đông, hành động dọa dẫm đối với Đài Loan, các tranh chấp về đánh bắt và khai thác nguồn thủy hải sản. Trước những vấn đề nhậy cảm khác nhau và an ninh, Pháp có một mong muốn củng cố hơn nữa sự hiện diện của mình, nhất là trên phương diện năng lực quân sự. »