Đăng ngày: 14/06/2022
Trong hai ngày 14-15/06/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Rumani và Moldova. Đây là chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Pháp đến các nước sườn Đông – Nam của NATO, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraina vào cuối tháng 2/2022.
Theo lịch trình, trưa 14/06, tổng thống Pháp, với sự tháp tùng của bộ trưởng Quốc Phòng Sebastien Lecornu và ngoại trưởng Catherine Colonna, sẽ được nữ tổng thống Moldova Maia Sandu tiếp đón tại thủ đô Chisinau.
AFP cho biết Emmanuel Macron là tổng thống Pháp đầu tiên kể từ thời ông Jacques Chirac năm 1998 đến thăm Moldova, một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Với khoảng 2,6 triệu dân, Moldova, một trong các nước nghèo nhất châu Âu, hôm 03/03 đã đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, cùng ngày với Gruzia và hơn một tuần sau Ukraina (28/02).
Vào cuối ngày hôm nay, phái đoàn tổng thống Pháp sẽ đến thăm căn cứ quân sự Mihail Kogalcinearu, gần cảng Constanta của Rumani ở Biển Đen, nơi trú đóng của khoảng 500 binh sĩ Pháp, một vị trí mang tính chiến lược cực kỳ quan trọng kể từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành.
Sau chuyến đi này, ông Emmanuel Macron rất có thể sẽ đến Kiev, cùng với thủ tướng Đức Olaf Sholz và thủ tướng Ý Mario Draghi, theo nhiều nguồn tin từ Berlin và Roma.
Litva – Pháp : Tăng cường hợp tác quân sự
Pháp và Litva tiếp tục thắt chặt hợp tác quân sự. Sau việc chấp nhận gởi quân đến Mali, hôm qua, 13/06/2022, Vilnius và Paris ký kết một thỏa thuận liên quan đến việc cung cấp gần 20 khẩu pháo Caesar, xe tải có trang bị hệ thống pháo do Pháp sản xuất.
Từ thủ đô Vilnius, thông tín viên đài RFI, Marielle Vitureau tường thuật :
« Ý định thư đầu tiên cho một hợp đồng lịch sử giữa hai nước vừa được ký kết. Trong những năm sắp tới, Pháp sẽ cung cấp 18 khẩu pháo tự hành cho Litva. Trả lời RFI qua điện thoại, bộ trưởng Quốc Phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết : \”Đợt mua này không chỉ được thúc đẩy bởi chương trình hiện đại hóa của chúng tôi, mà còn do những bài học quân sự mà châu Âu rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina.\”
Tại quốc gia giáp biên giới với Nga, vấn đề này là rất nhậy cảm. Những khẩu pháo đó di chuyển trên những bánh xe chứ không phải trên đường ray, do vậy chúng có thể được di chuyển nhanh. Loại vũ khí này được dùng để trang bị cho một tiểu đoàn của Lữ đoàn Zemaitija được triển khai ở phía tây Litva, gần Kaliningrad, khu vực được quân sự hóa cao độ.
Trong năm 2022 và năm 2023, gần một nửa ngân sách quốc phòng Litva sẽ được dành để mua thiết bị quân sự. Giữa Pháp và Litva, quan hệ đôi bên ở cấp độ quân sự là rất tốt. Paris đã mời một đội quân danh dự của Litva tham gia vào lễ diễu binh vào ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7. Litva dự định sẽ tham gia ».