Chuyện của Sam, cậu bé gốc Việt có khuôn mặt lạ

\"\"/

Gia đình tràn ngập tình yêu vĩ đại của ông bà Ettore. Sam (thứ 4 từ trái qua) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Hope Ettore

Còn gần 10 phút nữa đến giờ hẹn phỏng vấn. Như mọi lần, tôi vào sớm, đăng nhập vào đường dẫn Zoom đã tạo trước để chờ đợi nhấn nút “accept.” Thế nhưng lần này, trên màn ảnh hiện ra thông báo “có người đang chờ.” Bà Hope Ettore, từ thành phố Ramona, Calif, đã chờ sẵn. Khoảng một phút sau, Samuel (Sam) Ian Ettore đến ngồi bên cạnh. Một bà mẹ Mỹ trắng bên cạnh cậu con trai Á châu. Cả hai gửi lời chào với nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc.

Hai ngày trước, Sam làm lễ tốt nghiệp trung học và cũng là lần đầu tiên sau 18 năm, cậu nhìn thấy cha mẹ ruột của mình ở Việt Nam qua màn hình điện thoại.

Từ một giấc mơ

Năm 2005, lần đầu tiên thấy gương mặt của cậu bé Nguyễn Lê Hùng với khối thịt to trên má, che một phần mắt bên phải, toàn thân bị nhiễm da xanh, nằm lẻ loi trong trại mồ côi Gò Vấp, ông bà John Ettore và Hope Ettore đã không quay lưng bước đi. Ông bà đã làm thủ tục nhận Hùng làm con, đón em về Mỹ chữa trị, cho em một cuộc đời mới. Hùng hiện giờ là Samuel Ian Ettore – một thanh niên khoẻ mạnh, yêu đời. Khối u ác nghiệt hoàn toàn biến mất, chỉ để lại trên mặt em một dấu vết mờ, nếu không nhìn kỹ sẽ không thấy. Sức mạnh nào đã giúp ông bà tái sinh Sam một lần nữa?

\"\"
Sam (bên phải) và em gái Lilah Ettore ngày tốt nghiệp trung học. Ảnh: Hope Ettore

Quay về những năm 90, bà Hope (khi đó chưa kết hôn với John Ettore) là nhà dịch tể học làm việc ở Manila, Phillippines. Tại đó, bà nhìn thấy những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một xã hội nghèo khổ, không có bảo hiểm y tế, không có điều kiện chữa trị. Bà nhận ra sự khác biệt to lớn với Mỹ quốc của bà, nơi mà “cho dù có người rất nghèo nhưng có nhiều chương trình y tế có thể giúp họ có được bảo hiểm”. Từ đó, bà luôn nghĩ đến việc nhận một hoặc hai đứa trẻ làm con nuôi.

“Đó không chỉ là những đứa trẻ cần mái ấm gia đình mà còn cần sự chăm sóc tốt về y tế để khỏi bệnh,” bà Hope kể lại với Saigon Nhỏ qua cuộc gặp trên Zoom.

Sau khi kết hôn, bà vẫn giữ ý định này và chia sẻ với chồng mình, ông John Ettore. Vài năm sau đó, cả hai bắt đầu tìm kiếm, liên hệ với các tổ chức nhận con nuôi.“Bởi vì hầu hết người nhận con nuôi đều muốn nhận những đứa trẻ khoẻ mạnh. Họ không muốn nhận những đứa bé bệnh tật,” bà nói. Danh sách chờ xin những đứa trẻ khoẻ mạnh vì vậy mà tỉ lệ thuận với danh sách những đứa trẻ bệnh tật. Bà và chồng luôn cầu nguyện mỗi ngày.

Một đêm nọ, bà bỗng nằm mơ thấy mình đang đi bộ trên đường phố Sài Gòn.“Điều này làm cho tôi nghĩ có lẽ đây là một điềm báo chỉ cho chúng tôi biết cần phải làm gì.”

Cuộc tìm kiếm lại tiếp tục với hướng đến là Việt Nam. Nhưng tại đây, ông bà lại gặp một trở ngại khác. Năm đó, nạn buôn bán trẻ em bùng phát. Mỹ và Việt Nam phải tạm hoãn quy chế xin con nuôi. Không nản lòng, ông bà Ettore liên lạc với ba tổ chức lớn. Một trong ba tổ chức này có một dòng chữ nhỏ ghi chú ở vị trí cuối cùng của website, đó là “Nếu bạn thật sự muốn nhận nuôi một đứa trẻ “very sick”, hãy gọi đến số điện thoại này.” Có một thoả thuận đặc biệt giữa hai quốc gia cho phép đứa trẻ đó được người Mỹ nhận nuôi vì cần chế độ chữa trị cấp bách.

Đứa trẻ đó là Nguyễn Lê Hùng, quê ở Phú Riềng. Hùng bị sinh non và có một anh em sinh đôi. Vì Hùng bị bệnh khá nặng nên cha mẹ gửi em trong trại trẻ mồ côi Gò Vấp, giữ lại người anh em song sinh. Nhiều lần cha mẹ Hùng vì nhớ con muốn đón về, nhưng vì Hùng cần phải được chăm sóc y tế, nếu không cậu sẽ khó sống được. Cha mẹ của Hùng đành gạt nước mắt để con ở lại, mong có gia đình nước ngoài nhận em về nuôi để chữa bệnh.

\"\"

Bà Hope không hình dung được lời cảnh báo “đứa trẻ rất cần được chữa trị” là như thế nào cho đến khi nhìn tấm ảnh của Hùng qua email. Bà nhớ lại lúc đó đang đứng trong phòng làm việc của ông John, bà chỉ thốt lên “Wow.” Ông bà nhìn nhau và họ quyết định rất nhanh: “Chúng ta cần phải làm gì với tình trạng này? Nếu đứa trẻ này có một cơ hội nào đó, thì đó phải là ở Mỹ, nơi có chế độ chăm sóc y tế tốt nhất thế giới. Chúng ta cần phải làm điều đó.”

Sau bảy tháng làm tất cả những thủ tục hành chính cần thiết, ông bà bay sang Việt Nam. Ngày đầu tiên nhìn thấy Hùng – lúc đó 16 tháng tuổi, nằm chơ vơ trong chiếc cũi với bình sữa và cái gối bên cạnh, bà Hope đã tự nói “phải cứu đứa bé.”

Bà kể lại: “Có nhiều lời lẽ dị đoan về hình dáng bên ngoài của Sam lúc đó. Họ nghĩ những đứa trẻ như thằng bé là do hậu quả của gia đình làm gì không tốt. Và thật sự là trong trại mồ côi họ không biết cách nào để chăm sóc đứa trẻ như Sam. Họ chỉ để thằng bé nằm trong nôi, để bên cạnh là cái gối và bình sữa. Thông thường 16 tháng tuổi là đứa trẻ có thể chập chững đi, bập bẹ nói và nhận biết xung quanh. Nhưng Sam lúc đó thậm chí không tự giữ vững được đầu và cổ, vì không ai đỡ thằng bé dậy, tập cho xương cổ đủ cứng để hoạt động.”

Chặng đường tái sinh Sam

Tháng Mười Một, 2005, ông bà Ettore đón Sam về Mỹ, bắt đầu cuộc chiến giành lại cuộc sống phát triển bình thường cho Sam. Cậu bé đã trải qua tổng cộng 11 cuộc phẫu thuật, trong đó là năm lần phẫu thuật để cắt bỏ khối u trên má phải vì khối u quá lớn không thể thực hiện trong một lần.

\"\"

“Họ lấy một phần sụn ở tai để tạo hình mũi cho Sam. Sam cũng phải làm phẫu thuật mắt phải để có thể nhìn thấy vì nó nằm phía sau khối u. Sau đó là rất nhiều lần chữa trị bằng tia laser để làm mịn phần da mặt. Rồi những năm dài tiếp theo là tập vật lý trị liệu về đi đứng, giọng nói, sức khoẻ…”

Bà Hope nói đến đâu, Sam ngồi bên cạnh chỉ tay vào những phần đó trên gương mặt. Em đưa thật sát mặt vào màn hình, lấy kính cận xuống để cho thấy phần mặt từng phải trải qua 11 lần phẫu thuật. Phải nhìn gần lắm mới thấy vết những vết dư tích mờ sót lại.

\"\"

Vì phải trải qua những cuộc phẫu thuật và điều trị kéo dài nên Sam từng là một đứa trẻ chậm phát triển. Khoảng bốn tuổi, Sam mới biết nói. Nhiều năm liền cậu học ở một trường đặc biệt dành cho những đứa trẻ có vấn đề về phát triển như mình. Cho đến cách đây hai năm, Sam đã hoàn toàn bình phục.

“Sam tốt nghiệp lớp 12 từ một ngôi trường bình thường như những đứa trẻ khác. Mùa thu năm nay, Sam sẽ vào đại học” – Bà Hope nói, đôi mắt đầy hạnh phúc.

Chàng trai cao to, da ngăm đen rắn rỏi, chiếc kính cận làm cho cậu ra dáng một thư sinh, ngồi sát bên bà Hope. Mỗi khi muốn hỏi gì, cậu lại ghé sát tai của mẹ thì thầm như một cậu bé nhỏ. Sam cảm ơn mẹ và gia đình đã luôn ở bên cạnh mình, giúp Sam vượt qua thời gian khắc nghiệt nhất.

Đó không chỉ là những năm chiến đấu để lấy lại hình hài bình thường, mà đó còn là khoảng thời gian dài khi còn nhỏ, Sam nghĩ mình là đứa trẻ tự kỷ. Khi thấy mình phải học tập trong một ngôi trường đặc biệt, phải gặp bác sĩ thường xuyên, không giao tiếp nhiều với xã hội, Sam gọi đó là “tự kỷ.”

“Em đã từng nghĩ em không bao giờ có thể hoà nhập với xã hội, nhưng em đã vào được trường công, tốt nghiệp như một đứa trẻ bình thường, bây giờ em đã làm được điều đó. Thật là kỳ lạ,” Sam diễn giải niềm vui của mình.

14 tháng còn lại của bà Hope và cuộc điện thoại sau 18 năm

Ông bà Ettore không dấu Sam về nguồn gốc của anh. Ông bà cũng nói rõ nguyên nhân vì sao anh phải nằm lại trại trẻ mồ côi Gò Vấp. Ngoài Sam, ông bà Ettore còn một cậu con trai nuôi tên Josiah. Mẹ của Josiah chết vì bệnh lao. Josiah được ông bà Ettore nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi ở Ethiopia. Dù bị mất một chân, Josiah vẫn giành chức vô địch tiểu bang môn “adaptive track.”

\"\"
Josiah và cha mẹ nuôi, ông Ettore. Ảnh: Hope Ettore

Bà Ettore đã thực hiện đúng mong mỏi của bà thời còn trẻ – nhận nuôi một, hoặc hai đứa trẻ cần sự giúp đỡ về điều kiện y tế. Ông bà không chỉ tái sinh cuộc đời của Sam, của Josiah mà còn trả về cho cả hai nguồn gốc của họ. Hai năm trước, ông bà đã tìm được cha ruột của Josiah nên cũng có niềm tin sẽ tìm được cha mẹ ruột của Sam.

Ngoài niềm tin đó, bà Hope còn một lý do khác, đó là vào Thứ Hai tuần trước, bác sĩ chuyên khoa ung thư cho bà biết bà chỉ còn khoảng 14 tháng để chống lại những di căn đã vào xương. Bà phát hiện mình bị ung thư ngực năm 2015. Những tưởng đã qua khỏi, nhưng đến 2019 căn bệnh tái phát và nặng hơn. “Đến 2020, 2021 là giai đoạn bốn,” bà nói.

“Trung bình thời gian cho người bị ung thư vú bộ ba âm tính như tôi là hai năm. Những di chứng của loại bệnh này tập trung ở xương. Điều đó chẳng tốt hơn là nó đi vào não, vào gan chúng ta sao? Tôi rất đau đớn nhưng có thể tôi sẽ sống lâu hơn hai năm thì sao? Tôi luôn lạc quan. Tôi có nhiều kế hoạch để thực hiện. Tôi sẽ tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi không chỉ ngồi đây và đợi cho đến khi chết,” bà Hope nói với nụ cười và ánh mắt đầy sức mạnh.

\"\"

Sam ngồi kế bên, choàng tay ôm vai mẹ. Lúc này, nhìn Sam như một dũng sĩ luôn cận kề bảo vệ cho mẹ trong mọi tình huống. Sam nói anh ước mơ trở thành đầu bếp. Sam thích nấu ăn. Thời gian bà Hope chống chọi với ung thư ngực, Sam là bác sĩ dinh dưỡng tuyệt vời của bà.

\"\"

Một trong những kế hoạch của bà Hope là tìm lại cha mẹ ruột cho Sam. Bà đã làm được điều đó. Như một phép màu nhiệm, câu chuyện của bà Hope kể cho người bạn Mỹ gốc Việt thời đại học đăng tải bằng tiếng Việt trên mạng xã hội. Bà kể: “Một phụ nữ Việt ở Seattle chia sẻ lại. Dì của người này, sống ở Phú Riềng, đọc được và nhận ra vì cha mẹ của Sam đang làm việc cho người này.”

Thế là sau vài cuộc gọi vượt đại dương, xuyên tiểu bang California – Seattle – Vietnam, bà Hope đã tìm lại được cha mẹ ruột của Samuel.

Ngày Sam tốt nghiệp trung học, cũng là ngày anh được nhìn và nói chuyện với cha mẹ ruột của mình ở Việt Nam. Đó là món quà 18 tuổi tuyệt vời ông bà Ettore dành cho đứa con trai nuôi của mình. Tạm biệt bà Hope và Sam, tôi chúc mừng anh có một gia đình tràn ngập tình yêu. Sam nói: “Bây giờ tôi có hai gia đình.”

\"\"

Nếu tạo hoá có quyền định sẵn hoặc an bài tất cả những gì không nằm trong lòng bàn tay của con người, thì đó gọi là duyên phận. Một trong duyên phận đó, chính là sự sắp đặt để vợ chồng ông bà John Ettore nhìn thấy tấm ảnh của cậu bé tám tháng tuổi Nguyễn Lê Hùng – Samuel Ettore. Lúc đó Hùng trong một hình hài và một sức khoẻ mà trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp đã báo trước: “Ai gặp một lần cũng không trở lại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment