Fed bắt đầu ngăn lạm phát

16/06/2022


\"Chủ
Chủ tịch Fed, Jerome Powell. Ông Powell tăng lãi suất và hứa sẽ còn tăng thêm nữa để ngăn không cho tâm lý lạm phát lan rộng.

Cuối cùng ông Powell đã tăng lãi suất và hứa sẽ còn tăng thêm nữa để ngăn không cho tâm lý này lan rộng. Ông biết có thể làm cho kinh tế suy thoái, nhưng vẫn chấp nhận, vì nạn lạm phát kéo dài còn nguy hiểm hơn.

Giá sinh hoạt trong tháng Năm tăng 8.6% một năm, so với năm ngoái. Chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tự công nhận đã sai lầm không ngăn chặn lạm phát sớm hơn. Chính phủ chi tiêu nhiều quá, Ngân Hàng Trung Ương (Federal Reserves, viết tắt là Fed) giữ lãi suất thấp lâu quá. Cả hai đã không lường được ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 trên Cung và Cầu. Vì họ dựa trên kinh nghiệm cũ, bài học của cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009. Ngày Thứ Tư 15 tháng Sáu, Fed đã tăng lãi suất thêm 0.75%. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, báo trước sẽ tăng lãi suất thêm nữa, chấp nhận kinh tế có thể suy thoái.

Lạm phát lên cao khi dân tiêu thụ nhiều tiền muốn đi mua sắm mà số hàng hóa không cung ứng kịp. Nói theo thuật ngữ kinh tế, Cầu lên cao, Cung vẫn thấp.

Số “Cầu” đang lên cao quá. Trong năm đầu Covid, Ngân Hàng Trung Ương giữ lãi suất thấp, chính phủ phát tiền trợ cấp; hai chính sách đều nhằm giúp dân chúng có tiền tiêu, giữ cho số Cầu vững vàng. Nhưng dân Mỹ để giành được rất nhiều tiền, sau hai năm không có dịp mua sắm vì lo bệnh. Người ta chỉ chờ cơ hội là đem số tiền đó ra tiêu. Trong tháng Ba, 2022, số tiền gửi ngân hàng đã tăng lên tới $4.4 ngàn tỷ mỹ kim, cao gấp ba lần thời trước bệnh Covid, theo bản tin Reuters ngày 14 tháng Sáu.

Còn số “Cung” thì sao? Trong thời gian Covid-19 hoành hành, hàng hóa tất nhiên khan hiếm. Nhiều cơ xưởng sản xuất, cửa hàng, chợ búa phải đóng cửa, dây chuyền tiếp liệu ngưng đọng, số hàng hóa giảm bớt, vì các bến cảng, đường xe lửa, xe vận tải phải tạm nghỉ. Khi Covid-19 thuyên giảm, mọi người được ra đường, đi lại tự do, số Cầu tăng vọt lên. Còn số Cung thì hồi phục rất chậm vì công nhân vẫn ngần ngại chưa muốn đi làm. Cầu lên nhanh, Cung khựng lại, thế là giá cả tăng vọt.

Các nhà kinh tế trong Ngân Hàng Trung Ương và Chính phủ Joe Biden đều còn nhớ cuộc suy thoái 2007-2009: Hệ thống tài chánh suy sụp, các ngân hàng ngưng cho vay. Số Cầu xuống vì tiền không lưu chuyển, kinh tế xuống dốc, số thất nghiệp lên cao, nhưng lạm phát rất thấp.

Năm 2020 bệnh dịch bắt đầu, ai cũng lo kinh tế xuống, phải giữ vững số Cầu. Ngân Hàng Trung Ương rút kinh nghiệm cũ, giữ lãi suất rất thấp từ hàng chục năm trước để các xí nghiệp dễ vay, dân có tiền xài. Tổng thống Donald Trump đã gửi thẳng tiền đến tài khoản ngân hàng của những người đóng thuế để bảo vệ mức Cầu. Chính phủ Trump, được cả hai đảng trong quốc hội ủng hộ, đã tặng dân Mỹ tổng cộng $3 ngàn tỷ đô la. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trump vẫn còn đề nghị cho mỗi người dân $2,000 đô la nữa. Các ứng cử viên Thượng viện của đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia ủng hộ đề nghị đó để thu hút thêm phiếu. Họ đắc cử, nhất định giữ lời hứa. Quốc hội cũ đã thông qua đạo luật cấp cho mỗi người Mỹ $600 đô la, quốc hội mới do đảng Dân chủ kiểm soát, tặng thêm $1,200 đô la nữa. Ông Biden đề nghị ngân sách cứu trợ $1.9 ngàn tỷ, cuối cùng tổng cộng cũng lên tới $3 ngàn tỷ.

Nhưng các bài học rút ra sau cuộc suy thoái 2007 không thích hợp. Bệnh dịch Covid gây ra những hậu quả khác với cơn khủng hoảng tài chánh. Các ngân hàng suy sụp giảm bớt số Cầu, còn bệnh dịch cắt ngay vào số Cung. Các xí nghiệp, cửa hàng không kiếm ra nguyên liệu, công nhân tự động nghỉ việc, các tàu chở hàng đứng ụ trong các bến cảng, muốn mua chip điện tử không ai giao.

Khi giá cả bắt đầu lên, Ngân Hàng Trung Ương trấn an mọi người rằng nạn lạm phát xảy ra sẽ chỉ có tính nhất thời. Ông Jerome Powell và bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh mới, đều nghĩ rằng nạn lạm phát sẽ đi qua sớm. Lý luận rất giản dị: Giá cả tăng là do việc sản xuất đình trệ vì bệnh dịch; cho nên khi cơn bệnh đi qua, các xí nghiệp và cửa hàng sẽ mở cửa lại bình thường.

Vì thế, trong hai năm qua Fed không lo lắng về lạm phát mà chỉ tìm cách giảm bớt thất nghiệp. Khi Covid tấn công tỷ số người thất nghiệp vọt lên tới 14.7% vì các công ty phải đóng cửa! Con số quá cao, rất đáng lo ngại. Theo kinh nghiệm gần đây nhất, thời 2007-2009, phải mất 6 năm mới giảm được tỷ lệ thất nghiệp từ 10% xuống 5%. Fed đã duy trì lãi suất gần bằng số không để người tiêu thụ và các xí nghiệp vay tiền dễ dàng, giữ số Cầu cho vững chắc.

Bà Janet Yellen, đã từng đứng đầu Fed từ 2014 đến 2018, ủng hộ chính sách đổ tiền ra kích cầu. Bà khuyên Tổng thống Joe Biden không nên dè dặt, vì nếu chi tiêu ít quá thì mối rủi ro rất lớn, chi nhiều quá không đáng lo bằng.

Nhưng nhiều người đã báo động. Ông Lawrence Summers, cựu bộ trưởng tài chánh thời Tổng thống Obama đồng ý rằng lợi tức các gia đình giảm, xuống dưới mức bình thường, tức là số Cầu xuống sẽ vì bệnh dịch. Nhưng ông tính toán thấy mỗi tháng số Cầu chỉ giảm $25 tới $30 tỷ mỹ kim mà thôi. Chương trình trợ cấp của hai vị tổng thống đã tặng $200 tỷ đô la mỗi tháng cho người tiêu thụ. Nhiều quá, ông Summers kêu lên từ năm ngoái!

Người ta đã ví việc ngăn ngừa lạm phát giống như đem cất bình rượu trước khi mọi người quá say trong một bữa tiệc. Bây giờ, Fed chỉ lo cất bình rượu sau khi quá nhiều người say ngất ngưởng.

Giới lãnh đạo kinh tế đã dùng bài bản cũ đối phó với cuộc khủng hoảng mới. Theo kinh tế học, khi số cầu tăng lên thì số cung tự động lên theo. Nhưng nền kinh tế bây giờ phức tạp hơn. Mỗi cái xe hơi bây giờ là một hệ thống nhiều máy vi tính. Nhiều người muốn mua xe, nhưng các hãng xe chưa hoạt động vì thiếu những con chíp! Giá xe tăng vọt nhưng vẫn chưa sản xuất đủ cung ứng nhu cầu. Giá nhà cửa tăng nhưng các công trường xây cất chưa thể hoạt động vì công nhân sợ đến chỗ đông người dễ lây bệnh. Các xí nghiệp muốn mở cửa nhưng không kiếm được người làm. Số công việc cần kiếm người làm cao gấp đôi số người đang lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp đã xuống nhanh không ngờ, cuối năm 2020 đã giảm từ 14.7% xuống chỉ còn 6.7%. Thời 2007-2009 phải mất ba năm mới mới giảm được như vậy. Tháng Năm 2022 thất nghiệp chỉ còn 3.6%.

Từ đầu năm nay Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã tăng lãi suất ba lần để ngăn ngăn lạm phát. Nhưng họ không tiên đoán được tình trạng quá nặng nề, tỷ lệ lạm phát lên cao nhất kể từ 40 năm nay. Điều đáng lo nhất không phải là tỷ lệ lạm phát cao, mà là tâm lý người tiêu thụ. Nếu ai cũng nghĩ rằng lạm phát sẽ còn tiếp tục cao trong sáu tháng, một năm tới thì người ta sẽ đi mua sắm ngay trước khi hàng lên giá. Nhiều người muốn mua, giá cả sẽ tăng thêm vì số cung ứng không chạy theo kịp. Tâm lý lạm phát sẽ đẩy cho lạm phát lên cao nữa.

Cuối cùng ông Powell đã tăng lãi suất và hứa sẽ còn tăng thêm nữa để ngăn không cho tâm lý này lan rộng. Ông biết có thể làm cho kinh tế suy thoái, nhưng vẫn chấp nhận, vì nạn lạm phát kéo dài còn nguy hiểm hơn.

  • Ngô Nhân DụngNgô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment