Đăng ngày: 17/06/2022
Dằn mặt Hoa Kỳ, cảnh cáo Đài Loan, thị uy với Nhật, uy hiếp Đông Nam Á : phải chăng đó là những thông điệp Bắc Kinh muốn nhắn gửi qua việc cho hạ thủy tàu sân bay tối tân Phúc Kiến hôm 17/06/2022 ? Dù vậy đây chỉ là một sự nối tiếp trong chiến lược tăng ngân sách quốc phòng để Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ, khẳng định thế thượng phong về quân sự trong khu vực và thực hiện tham vọng chiếm đoạt Đài Loan bằng sức mạnh.
Chiếc tàu sân bay thứ ba của Hải Quân Trung Quốc mang tên Phúc Kiến, một tỉnh đối diện với Đài Loan, đã được hạ thủy vào lúc Bắc Kinh tuyên bố sẽ « đánh đến cùng » nếu Đài Loan, một « tỉnh » thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tuyên bố độc lập. Còn về phía Hoa Kỳ, chính quyền Biden duy trì nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất », nhưng « sẵn sàng can thiệp » trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.
Hàng không mẫu hạm mới của Hải Quân Trung Quốc chẳng những nhằm nhắc nhở cả Mỹ lẫn Đài Loan chớ vượt lằn ranh đỏ, mà còn là một tín hiệu Bắc Kinh gửi tới nhiều nước châu Á, trong đó có một số quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông như Việt Nam, Philippines hay Nhật Bản, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Collin Koh, đại học công nghệ Nayang –Singapore, được AFP trích dẫn.
Trên thực tế những quyền lợi kinh tế của Trung Quốc ngoài Hoa Lục càng lúc càng lớn, nhu cầu bảo đảm an ninh qua đó cũng lớn theo. Đó là lý do vì sao mà từ lâu nay Bắc Kinh đã liên tục tăng chi phí quốc phòng và hàng không mẫu hạm thứ ba chỉ là một bằng chứng mới thể hiện tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Báo Washington Post số ra ngày 16/06/2022 báo động sự « Bành trướng quân sự của Trung Quốc gần đạt tới mức nguy hiểm ». Từ nhiều năm nay, ông Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu đạt đến một sức mạnh quân sự « ngang ngửa với Mỹ vào ngưỡng 2027 ». Gần đây nhất, tuần trước trong khuôn khổ hội nghị an ninh châu Á Shangri – La, Singapore, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không còn che giấu mục tiêu « đánh chiếm» Đài Loan và sẽ « đánh đến cùng » trong trường hợp đảo này tuyên bố độc lập. Trung Quốc công khai đe dọa « bất kỳ một ai » can thiệp vào hồ sơ Đài Loan.
Một số nhà phân tích lo ngại nguy cơ Bắc Kinh chiếm đoạt Đài Loan bằng sức mạnh quân sự càng rõ nét sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin mở đường, đem quân xâm chiếm Ukraina, một quốc gia có chủ quyền.
Lo ngại này càng được củng cố thêm với phân tích của tư lệnh lực lượng Mỹ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đô đốc John C. Aquilino, được Washington Post trích dẫn. Theo ông, Trung Quốc đã tích lũy vũ khí quy ước và hạt nhân ở mức độ cao chưa từng thấy và nuôi tham vọng « làm thay đổi tương quan lực lượng tại châu Á », « làm bá chủ » khu vực này.
Trung Quốc càng lúc càng mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Á, từ căn cứ hải quân Ream ở Cam Bốt đến thỏa thuận về an ninh với quần đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương. Trước đó nữa là những công trình bồi đắp căn cứ quân sự ở Biển Đông. Thế rồi gần đây nhất, hôm 13/06/2022, Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố eo Đài Loan « không thuộc vùng biển quốc tế ».
Trung Quốc thực sự tỏ ra tự tin vào tiềm lực quân sự. Đô đốc Aquilino không thể xác định về thời điểm Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ tại châu Á và thậm chí là đủ tự tin để tính đến chuyện xâm chiếm Đài Loan, nhưng theo tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, « rõ ràng thập niên 2020 này là thời điểm mang tính quyết định » đối với Mỹ. Bắc Kinh đang thực sự thách thức Washington.
John C. Aquilino nhìn nhận « không dễ mà duy trì thế thượng phong của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Đành rằng Washington đã nỗ lực đầu tư thêm, nhưng các chương trình đó đang bị chậm trễ về nhiều mặt. Có lẽ Mỹ không còn nhiều thời gian trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để tiếp tục giữ ưu thế về quân sự tại châu Á.