Đăng ngày: 17/06/2022
Góp phần phục hồi các bộ phim thuộc di sản điện ảnh Việt Nam để giới thiệu cho công chúng Pháp và quốc tế, đó là mong muốn của nhà sản xuất và nhà phân phối phim người Pháp gốc Việt Trần Bích Quân mà chúng tôi đã có dịp gặp tại Liên hoan quốc tế điện ảnh châu Á Vesoul ( Festival international des cinémas d’Asie de Vesoul ) tại Pháp tháng 2 vừa qua.
Trần Bích Quân đã được mời tham gia ban giám khảo Liên hoan Vesoul 2022 bởi vì bà là một trong số hiếm hoi những nhà phân phối phim ảnh châu Á tại Pháp. Công ty Dissidenz Films do chính bà lập ra cho tới nay đã giới thiệu đến công chúng Pháp một số phim châu Á, như 11.25 The day ho choose his day của đạo diễn Nhật Koji Wakamatsu, Pluto của đạo diễn Hàn Quốc Shin Su-won, hay Shadow days của đạo diễn Trung Quốc Triệu Đại Dũng ( Zhao Dayong )…
Dissidenz Films cũng đồng sản xuất một số phim và trong các dự án đồng sản xuất đó, có bộ phim Hoa Nhài của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nói về thành phố Hà Nội.
Trao đổi với RFI Việt ngữ, bà Trần Bích Quân trước hết nói về hoạt động của hãng phim Dissidenz Films
“ Tôi đã thành lập hãng phim Dissidenz Films vào năm 2012, chủ yếu làm về phân phối phim, tức là mua bản quyền các phim để sau đó phân phối cho các rạp chiếu phim và các phương tiện truyền thông. Chúng tôi cố gắng phố biến nền điện ảnh châu Á với đầy đủ tính đa dạng của nó. Tại Pháp, hay châu Âu nói chung, rất thường khi người ta chỉ biết đến điện ảnh châu Á qua một vài tên tuổi lớn mà phim được chiếu ở những liên hoan như Cannes, Venise, Berlin và cứ nghĩ đó là những người tiêu biểu cho điện ảnh châu Á. Mà ngay cả khái niệm châu Á cũng được hiểu sai, người ta cứ nghĩ rằng Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cũng như nhau. Mong muốn của chúng tôi là giới thiệu những sản phẩm điện ảnh khác nhau và những dòng điện ảnh khác nhau.”
Nhưng không chỉ giới thiệu những tác phẩm mới, mong muốn của bà Trần Bích Quân là giới thiệu đến công chúng Pháp di sản điện ảnh của các nước châu Á, nhất là của Việt Nam. Nhưng theo giám đốc của Dissidenz Films, trước hết Việt Nam cần phải phục hồi các phim cũ:
“ So với những nước khác, ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản, ở Việt Nam chưa có chính sách cụ thể về bảo tồn và phục hồi các phim. Vì lý do đó và cũng vì tôi là người Việt Nam, nên tôi rất muốn góp phần vào việc phổ biến di sản điện ảnh Việt Nam, nhưng trước hết phải góp phần phục hồi các phim đó thông qua việc hợp tác giữa Việt Nam với các hãng tốt nhất thế giới, bởi vì việc này đòi hỏi những những kỹ thuật, những công nghệ đặc biệt, những thao tác rất tỉ mỉ.
Ở Pháp hay Ý có những hãng rất nổi tiếng chuyên về lĩnh vực này, chẳng hạn như Cineteca ở Bologna đã từng phục hồi các phim của những bậc thầy điện ảnh của nhiều nước như Nhật Bản, Ý hay Mỹ. Về mặt kinh tế, cũng như về mặt chất lượng nghệ thuật, rất cần những hợp tác quốc tế như vậy.
Chúng ta có thể thu hình tiến trình phục hồi phim, để cho thấy người ta tiến hành việc này như thế nào. Như vậy sẽ làm phong phú thêm điện ảnh và văn hóa nói chung”.
Theo bà Trần Bích Quân, có hai trường hợp. Hoặc là bản phim đó đã được phục hồi, bởi vì một số quốc gia có chính sách bảo tồn và phục hồi những bộ phim thuộc loại di sản điện ảnh và chính họ làm công việc phục hồi này. Trong trường hợp đó, hãng Dissidenz Films chỉ cần mua bản quyền của phim. Đối với những quốc gia không có chính sách bảo tồn và phục hồi các bộ phim cũ, tiến trình thương lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì phải tính đến việc đóng góp, bằng cách này hay cách khác, vào việc phục hồi, để sau này có thể phân phối các các phim đó.”
Đối với trường hợp của Việt Nam, theo bà Trần Bích Quân, việc phục hồi các phim thuộc di sản điện ảnh lại cần phải làm cấp tốc, bởi vì thời gian càng trôi qua, các phim đó càng có nguy cơ bị hư hỏng:
“ Tôi đã bắt đầu thảo luận với phía Việt Nam về một số phim thuộc di sản điện ảnh Việt Nam. Đây là một quá trình lâu dài, phải làm việc nhiều cơ quan hành chính khác nhau: bộ Văn Hóa Việt Nam, Cục Điện Ảnh Việt Nam, Viện Phim, Hãng Phim Truyện Việt Nam. Phải làm sao có sự hợp tác giữa các cơ quan đó trong một khoản thời gian nhất định. Khó khăn là ở chỗ đó.
Thời gian càng trôi qua, các phim đó càng có nguy cơ bị hư hỏng do thời tiết, do điều kiện bảo quản. Ngoài ra, một số đạo diễn càng lớn tuổi, thật đáng tiếc nếu họ không được tham gia vào quá trình phục hồi phim khi họ còn nói chuyện được”
Đây là một công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, rất tỉ mỉ, thủ công, mà chỉ có những hãng chuyên môn có thể làm được. Họ đã từng phục hồi các âm bản phim của các đạo diễn như Hầu Hiếu Hiền hay Martin Scorsese. Họ phải rất cẩn thận, bởi vì đó là những bản duy nhất còn trên thế giới.
Nói chung họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nếu Việt Nam mà hợp tác được với các hãng châu Âu thì thật là tốt. Tôi đặc biệt nghĩ đến đạo diễn Đặng Nhật Minh, vì ông nói tiếng Pháp, biết nhiều về Pháp. Ta có thể xem như biểu tượng của tình hữu nghị Pháp-Việt việc phục hồi các phim của Đặng Nhật Minh, để đem đi giới thiệu tại các liên hoan điện ảnh danh tiếng như Cannes
Riêng về Đặng Nhật Minh, có hai phim mà tôi hy vọng có thể phổ biến đến công chúng Pháp nếu chúng tôi có thể phục hồi được:“ Bao giờ cho đến tháng Mười” và “ Cô gái trên sông”, cả hai đều là những phim rất hay. Ngoài ra còn có phim “Mùa ổi”. Ba phim này đều cần được giới thiệu cho công chúng Pháp trong những điều kiện tốt nhất, bởi vì đó là những phim đã ra đời cách đây hơn 20 năm.
“ Phim “Mùa Ổi” đã phân phối ở Pháp cách đây 20 năm. Đây là phim đã được bảo tồn trong điều kiện tốt hơn hai phim kia. Nhưng sau 20 năm, phim được xem là di sản điện ảnh và phim đã cũ đi rất nhiều so với lần đầu tiên được chiếu ở rạp. Hơn nữa, các phim thời đó là phim 35mm, nay sẽ được phục hồi thành phim dưới dạng DCP ( Digital Cinema Package ), hay 2K, 4K, với chất lượng tối ưu.”
Như đã nói ở trên, giám đốc Dissidenz Films Trần Bích Quân đang là người đồng sản xuất bộ phim Hoa Nhài của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhưng bà cũng sẵn sàng làm việc với các đạo diễn thế hệ trẻ của Việt Nam, nhất là những đạo diễn thuộc dòng điện ảnh-tác giả.
“ Tôi sẵn sàng đón nhận mọi xu hướng điện ảnh, nhưng có quá nhiều đạo diễn và nhiều phim, nên hiện giờ tôi tập trung vào đạo diễn này, vì tôi đã quen biết ông ấy từ nhiều năm qua. Trước khi có đại dịch Covid-19, năm nào tôi cũng về Việt Nam để làm về dự án này. Dĩ nhiên là có nhiều đạo diễn khác rất đáng chú ý, nhưng trong một khoảng thời gian giới hạn như vậy, rất khó mà tiếp xúc với tất cả. Nhưng nếu có đạo diễn nào mà tôi có thể tiếp cận dễ dàng các âm bản và muốn phim của mình được phục hồi thì có thể liên lạc với tôi.
Tôi sẵn sàng hợp tác với thế hệ trẻ của nền điện ảnh Việt Nam. Thế hệ trẻ này rất khác thế hệ đạo diễn trước đây. Vào thời của Đặng Nhật Minh, các đạo diễn được đào tạo ở trường điện ảnh Matxcơva của Liên Xô. Ngày nay, chúng ta dễ tiếp cận với điện ảnh hơn, tức là phim không còn là phim 35mm nữa, mà hầu như bất cứ ai cũng có thể quay với một máy quay phim kỹ thuật số, hoặc với một điện thoại thông minh.
Phương tiện để phổ biến phim ảnh cũng khác, chẳng hạn như bây giờ có rất nhiều phim được sản xuất cho truyền hình hoặc để phát trực tuyến ( streaming ). Nay có rất nhiều đạo diễn được đào tạo theo hướng đó. Có thể là họ chưa quen với khái niệm film d’auteur ( điện ảnh tác giả ), do không có cùng phương tiện phổ biến, không có cùng mục tiêu.
Chính vì vậy mà trong thị trường điện ảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta thấy có một bên là các phim thương mại, giống như ở rất nhiều nước khác. Bên kia là điện ảnh tác giả, có một vài đạo diễn đã phát triển một thứ điện ảnh riêng biệt, nhưng không hẳn là tiêu biểu cho điện ảnh Việt Nam hiện nay, giống như ở một số nước khác.
Nhưng chúng ta nên khuyến khích dòng điện ảnh tác giả đó, giúp phổ biến các phim của họ, vì nếu không thể sống bằng nghệ thuật, họ sẽ buộc phải quay sang làm các phim quảng cáo, các video clip”