RFA
Những thắc mắc về sự thật liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam-Nguyễn Xuân Phúc, vào sáng ngày 16/5 tham dự lễ khánh thành đền Chung Sơn là đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phía Nam núi Chung, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Truyền thông quốc nội cho biết đây là một trong những sự kiện để kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê nhà của ông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng lần đầu tiên người dân Việt Nam có một nơi thờ tự tôn nghiêm gia đình của Bác Hồ, và nơi này trở thành một điểm văn hóa lịch sử cho cả nhân dân và du khách.
Đài RFA ghi nhận một số bạn trẻ ở trong nước bày tỏ rằng qua thông tin vừa nêu nhắc nhở họ không phải là sự tôn kính đối với ông Hồ Chí Minh, bởi vì vốn dĩ họ đã được dạy bảo và tuyên truyền từ trong nhà trường về nhân vật lịch sử mà hình ảnh của Hồ Chủ tịch phải luôn được thờ phụng như là bậc vĩ nhân tinh hoa nhất trong các bậc tiền nhân của lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trái lại, đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành khiến cho họ chạnh lòng nghĩ đến các dự án, công trình, tượng đài nhân danh lịch sử để nhằm mục đích tư lợi của các quan chức ở khắp tỉnh, thành Việt Nam.
Ông Andre Menras, người Pháp đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi năm 2009 đặc cách cấp quốc tịch Việt Nam với tên “Hồ Cương Quyết”, vào ngày 19/5/2020 qua email chia sẻ với RFA rằng ông được gặp gỡ với các thế hệ thanh niên ở Việt Nam kể từ sau ngày 30/4/1975 cho đến thời điểm hiện tại. Qua sự tiếp xúc đó, ông Andre Menras nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam có những quan điểm khác nhau về ông Hồ Chủ tịch. Tuy nhiên, số người từng rất ngưỡng mộ tuyệt đối ông Hồ Chí Minh lại dần dà tìm hiểu sự thật về nhân vật lịch sử này, bởi vì, chúng tôi xin được trích nguyên văn ông Andre Menras viết:
Một trong những thực tế rất rõ ràng là việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2005 và kéo dài đến nay đã 15 năm rồi nhưng hoàn toàn không đem lại hiệu quả nào cho bản thân Đảng Cộng sản nói chung, cũng như các quan chức Đảng Cộng sản nói riêng. Các dự án bị tham nhũng, sự hủ bại về đạo đức, lối sống trong mọi tầng lớp quan chức đảng viên càng ngày càng tệ hại hơn. Điều đó làm cho giới trẻ Việt Nam nhận thức rằng đấy không phải là một tư tưởng hay đạo đức gì là thực sự có thật mà chỉ là cái bánh vẽ hay những sự cóp nhặt từ những nhân vật khác để họ tào thành nền tảng đạo đức Hồ Chí Minh. Cho nên hoàn toàn không có giá trị gì đối với chính những hàng ngũ đảng viên từ cấp cơ sở đến Trung ương
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
“Họ biết Hồ Chí Minh không có nhà cửa, không có tài sản riêng, suốt đời sống giản dị trong khi họ thấy nhiều lãnh đạo hiện nay và gia đình của những người đó cực kỳ giàu, có nhiều biệt thư, của cải…sống xa hoa như vua. Nhiều người trẻ biết tại nhiều tỉnh, nhà cầm quyền xây nhiều bức tượng Hồ Chí Minh mấy trăm tỷ đồng trong khi người dân địa phương thiếu ăn, thậm chí bị đói. Liệu ông Hồ Chí Minh muốn điều đó không?”
Ông Andre Menras còn đề cập đến rất nhiều bạn trẻ Việt Nam biết về di chúc của Hồ Chủ tịch, viết hồi năm 1968, yêu cầu thi hài của ông được hỏa táng. Và, những bạn trẻ đó cho rằng, mà chính ông Andre Menras được nghe là Đảng Cộng sản Việt Nam đã không thực hiện theo di chúc này; đồng thời cái chết của ông Hồ Chí Minh đã bị ‘Lenin hóa’ ở quãng trường Ba Đình.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, vào ngày 19/5 cũng chia sẻ với RFA về ghi nhận tương tự của ông :
“Tôi lấy hai ví dụ để so sánh. Hồi năm 2015, khi Ủy ban tỉnh Sơn La đề nghị xin với Trung ương một ngân sách 1000 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở đó thì tôi có viết một bài ‘Ông Hồ Chí Minh ơi, ông chết rồi sao còn nỡ làm khổ dân tôi?’. Lúc đó thu hút vào khỏang 30.000 lượt người chia sẻ cũng như bình luận trên Facebook của tôi. Và khi đó, những người thanh niên trẻ bình luận với lời lẽ hết sức thô tục. Họ nói là ‘Có thể chửi bất kỳ ai cũng được. Nhưng đừng động chạm đến Bác Hồ của tao’. Đại khái là thế. Nhưng mà từ năm 2019 khi tôi sang Đức, tôi bắt đầu viết nhiều bài về Hồ Chí Minh thì gần như những thanh niên đó không còn quan tâm nữa, kể cả dư luận viên chỉ khoảng 5-7 trường hợp vào dùng lời lẽ phản đối thôi. Còn những người trẻ khác thì vào các video clip và chia sẻ rằng nhờ vào những bài phân tích của anh mà bọn em, những người trẻ có điều kiện để hiểu rõ hơn thật sự về Hồ Chí Minh là người như thế nào. Nói chung, tôi nghĩ trong 5 năm vừa qua thì nhận thức của giới trẻ về Hồ Chí Minh thay đổi rất nhiều rồi và không còn như các thế hệ trước đây nữa.”
Ngày 19/5/1890 là ngày sinh của Hồ Chủ tịch?
Ông Andre Menras, người từng thực hiện hai bộ phim tư liệu ‘Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ và ‘Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong’, qua email trao đổi với RFA, ông nhiều lần chứng kiến Đảng Cộng sản Việt Nam bôi bẩn hình ảnh Hồ Chủ tịch đối với giới trẻ bằng nhiều việc làm mà họ đã rất nỗ lực để thần thánh hóa.
Một thanh niên, thế hệ 8X ở Sài Gòn, vào tối ngày Việt Nam kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói với chúng tôi rằng anh cùng với bạn bè đồng trang lứa thuộc thế hệ ở Việt Nam bắt đầu tiếp cận thông tin qua internet và sự thật về Bác Hồ kính yêu lần lượt được vén bức màn sự thật. Người thanh niên không muốn nêu tên nhấn mạnh anh tin rằng có rất nhiều thanh niên vô danh ở Việt Nam cũng sẽ nói những điều giống như anh đang chia sẻ với RFA:
“Khi muốn biết thì họ sẽ tự tìm hiểu. Họ không cần thiết phải tìm trong các chương trình chính thống. Thật sự những thông tin chính thống nói chung là những ai có chút hiểu biết thì gần như không quan tâm thông tin đó có chính xác hay không. Bởi vì nguồn thông tin đó từ trước đến giờ đã bị thao túng hết rồi. Khi những người như tụi em hoặc ai đó muốn tìm hiểu thì sẽ có những nguồn tìm hiểu. Tất nhiên sẽ tin vào mức độ nào đó hoặc tìm hiểu sâu hơn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.”
Một dẫn chứng điển hình mà người thanh niên ẩn danh nêu lên là ngày 19/5/1890 có phải là ngày sinh thật của ông Hồ Chí Minh hay không? Và một trong những thông tin mà không ít người trẻ tại việt Nam tìm kiếm được là qua nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai của ông Vũ Đình Huỳnh kể lại trong quyển hồi ký “Đêm giữa ban ngày’ xuất bản hồi năm 1997, và lời kể trong phim tài liệu “Sự thật về Hồ Chí Minh”, phổ biến vào tháng 7 năm 2009.
Đài RFA xin được dẫn lời kể của nhà văn Vũ Thư Hiên trong phim tài liệu vừa nêu:
“Ngày 19/5 là chắc chắn không phải. Bởi vì ngày 19/5 là ngày Đô đốc Thierry D’ argenlieu, đại diện cho phía Pháp có đi từ Hải Phòng ra Hà Nội. Và chính ngày đó, cụ Hồ có ý rằng nếu như trong trường hợp mà D’ argenlieu lên Hà Nội trong không khí lạnh lẽo thì không tốt cho sự đàm phán. Cho nên, ông có nói với bố tôi rằng anh cho soạn công văn gửi đi các nơi để tổ chức ngày sinh cho tôi là ngày 19/5. Khi Đô đốc D’ argenlieu đến Hà Nội thì thấy đèn kết hoa, người dân vui vẻ. Tưởng như, về cảm giác, mừng sinh nhật Chủ tịch nước lúc bấy giờ.”
Niềm tin về hình tượng Hồ Chí Minh bị “sụp đổ”?
Luật sư Nguyễn Văn Đài lý giải niềm tin vào hình tượng Hồ Chí Minh của giới trẻ Việt Nam có thể nói là bị “sụp đổ” còn qua chính thực tế từ nhân cách của quan chức, cán bộ, đảng viên Đảng CSVN.
“Họ không còn tin vào hình tượng Hồ Chí Minh mà Đảng Cộng sản đã dựng lên, bởi vì một trong những thực tế rất rõ ràng là việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2005 và kéo dài đến nay đã 15 năm rồi nhưng hoàn toàn không đem lại hiệu quả nào cho bản thân Đảng Cộng sản nói chung, cũng như các quan chức Đảng Cộng sản nói riêng. Các dự án bị tham nhũng, sự hủ bại về đạo đức, lối sống trong mọi tầng lớp quan chức đảng viên càng ngày càng tệ hại hơn. Điều đó làm cho giới trẻ Việt Nam nhận thức rằng đấy không phải là một tư tưởng hay đạo đức gì là thực sự có thật mà chỉ là cái bánh vẽ hay những sự cóp nhặt từ những nhân vật khác để họ tào thành nền tảng đạo đức Hồ Chí Minh. Cho nên hoàn toàn không có giá trị gì đối với chính những hàng ngũ đảng viên từ cấp cơ sở đến Trung ương.”
Đối với cá nhân tôi, nếu Hồ Chí Minh còn sống trong xã hội hiện nay như một con dân yêu nước bình thường, chắc ông sẽ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, ông sẽ hết sức phẫn nộ đối với vụ ám sát tại Đồng Tâm, vụ Hồ Duy Hải bị xử tử hình oan, vụ ô nhiễm khổng lồ Formosa…v.v. Tức là, có nhiều khả năng ông sẽ bị tù! Thât là bi kịch của lịch sử!
-Nhà làm phim Andre Menras
RFA nêu câu hỏi với Luật sư Nguyễn Văn Đài liệu rằng đã đến lúc Đảng CSVN lãnh đạo cần thiết chỉnh sửa lại sự thật về Hồ Chủ tịch, như đã từng công bố lại ngày ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969 chứ không phải là ngày 3/9/1969 đã được phổ biến hai thập niên trước đó? Vị luật sư nhân quyền bị Chính phủ Hà Nội tống xuất và hiện đang định cư ở Đức trả lời câu hỏi của chúng tôi:
“Hiện nay nếu họ sửa lại thì càng nguy hại hơn cho họ. Nếu chỉnh sửa thì phải chỉnh sửa một cách toàn diện, chứ nếu chỉ chỉnh lại như ngày tháng năm sinh hay một vài thông tin thì vô hình trung càng làm cho giới trẻ Việt Nam càng nghi ngờ thêm và mất niềm tin vào nhân vật Hồ Chí Minh đó.”
Một số bạn trẻ trong nước tâm tình với RFA rằng họ nghĩ cách tuyên truyền hay xây dựng hình tượng Hồ Chủ tịch như thế không sớm thì muộn cũng sẽ bị tác dụng ngược. Thế nhưng, có những ý kiến xác quyết rằng Đảng CSVN vẫn tiếp tục con đường xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh một cách “thần thánh hóa” mà không màng tới giới trẻ Việt Nam suy nghĩ như thế nào. Chính sách của Nhà nước Việt Nam sẽ trở nên cực đoan hơn một khi người dân lên tiếng về sự thật liên quan thân thế và cuộc đời của ông Hồ Chí Minh.Trong khi đó, ông Andre Menras, nhấn mạnh với RFA rằng“Đối với cá nhân tôi, nếu Hồ Chí Minh còn sống trong xã hội hiện nay như một con dân yêu nước bình thường, chắc ông sẽ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, ông sẽ hết sức phẫn nộ đối với vụ ám sát tại Đồng Tâm, vụ Hồ Duy Hải bị xử tử hình oan, vụ ô nhiễm khổng lồ Formosa…v.v. Tức là, có nhiều khả năng ông sẽ bị tù! Thật là bi kịch của lịch sử!\”.