Tập bịt miệng các cán bộ lão thành trên đường tiến tới nhiệm kỳ thứ ba

\"\"

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi shushes party elders as he marches toward 3rd term,” Nikkei Asia, 09/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một danh hiệu mới – “lãnh tụ vĩnh cửu” – đã xuất hiện ngay trước mật nghị mùa hè ở Bắc Đới Hà.

Một tập tài liệu chính trị được phát hành ở một vùng nông thôn của Trung Quốc đã khiến nhiều người phải bất ngờ, vì nó sử dụng một cụm từ chưa từng được dùng trước đây để ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đó là sự kết hợp của “vĩnh cửu” và “lãnh tụ” (lingxiu).

Bản thông cáo được ban hành sau Đại hội Đảng bộ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây lưu ý rằng: cần phải trung thành với nhà lãnh tụ cốt cán, “ủng hộ lãnh tụ mãi mãi, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.”

Từ “mãi mãi” là một ẩn ý về lãnh đạo trọn đời, trong khi “lãnh tụ” là một danh hiệu chỉ được sử dụng bởi Mao Trạch Đông.

Văn kiện ngày 17/04 không được ban hành ở Bắc Kinh, thủ đô và trung tâm chính trị của Trung Quốc, mà ở Quảng Tây, một khu vực ở phía nam, giáp biên giới với Việt Nam.

Để ca ngợi Tập, người kiêm luôn chức Tổng bí thư đảng, thông cáo đã sử dụng ngôn ngữ thách thức những lý lẽ thông thường của đảng, chưa kể đến việc điều lệ đảng cấm các lời lẽ sùng bái cá nhân.

Có một lý do rõ ràng cho hành động tung hô này. Đại hội Đảng bộ Quảng Tây ngày 22/04 đã nhất trí bầu Tập làm đại biểu tham dự đại hội toàn quốc thường niên tối quan trọng của đảng, sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay.

Không có quy tắc nào liên quan đến khu vực mà lãnh đạo tối cao của đảng sẽ đại diện tại đại hội toàn quốc. Tại đại hội toàn quốc gần đây nhất, được tổ chức 5 năm trước, Tập là đại biểu đến từ tỉnh Quý Châu nghèo khó ở phía tây nam.

Hồi ấy, Trần Mẫn Nhĩ, người mà ai cũng biết là phụ tá thân cận của Tập, đang giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của Quý Châu. Sau đó, Trần chuyển đến Trùng Khánh để tiếp quản vị trí bí thư thành phố từ tay người bị ‘thất sủng’ Tôn Chính Tài, và được thăng chức vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên.

\"\"/
Trần Mẫn Nhĩ là bí thư tỉnh Quý Châu vào năm 2017, khi đại hội đảng Quý Châu chọn Tập Cận Bình làm đại biểu dự đại hội toàn quốc. Sau đó, ông được đề bạt vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. (Nguồn ảnh: Akira Kodaka)

Quảng Tây, hiện đang ở vị trí tiên phong trong nỗ lực mở đường cho Tập trở thành lãnh tụ vĩnh cửu, cũng vừa mới phát sóng một bộ phim tài liệu ca ngợi nhà lãnh đạo.

Tại đại hội toàn quốc sắp tới của đảng ở Bắc Kinh, Tập sẽ tham dự phiên họp của khu vực Quảng Tây cùng với các đại biểu từ khu vực này. Do đó, Quảng Tây đã trở nên gắn bó chặt chẽ với vận mệnh chính trị của Tập.

Trước đây, chức danh lãnh tụ là danh hiệu độc quyền của người cha lập quốc Mao Trạch Đông. Trong trường hợp của Mao, tên gọi phổ biến hơn là “lãnh tụ vĩ đại.”

Việc sử dụng các cụm từ như “lãnh tụ vĩnh cửu” và “lãnh tụ của nhân dân”, cho thấy Tập đang nhắm tới việc giành được vị trí “chủ tịch đảng” mà Mao đã giữ cho đến cuối đời.

Trong một diễn biến khác, một điệp khúc ca ngợi Tập đã vang lên ở Hắc Long Giang, một tỉnh miền đông bắc, giáp với Nga.

Ngày 02/05, tại đại hội ở tỉnh này, đảng đã thông qua một nghị quyết cũng mang dấu ấn sùng bái cá nhân. Nó cam kết biến lòng trung thành với lãnh tụ thành lối sống vì phát triển và thịnh vượng.

Lưu Ninh, bí thư của Quảng Tây, và Hứa Cần, người giữ chức vụ tương tự ở Hắc Long Giang, đều tương đối trẻ, ít nhất là so với chính trường Trung Quốc. Ra đời trong những năm 1960, họ đã được đào tạo về khoa học và kỹ thuật.

Các nhà phân tích lưu ý rằng kể từ khi thời kỳ Tập Cận Bình bắt đầu, nhiều quan chức có chuyên môn là kỹ sư đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt. Theo lẽ thường, họ là những người dễ tuân phục về chính trị.

\"\"/
Tập Cận Bình vẫy tay chào trong lúc đứng trên bức chân dung khổng lồ của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông vào cuối sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày 07/01/2021. © Reuters

Nhưng liệu những thông cáo như vậy có thể củng cố vị trí của Tập hay không? Mọi chuyện không hẳn dễ dàng như vậy.

Rõ ràng đã có sự kháng cự từ nhiều thành phần khác nhau trong đảng – những cán bộ lớn tuổi, những người không thuộc phe cánh của Tập, và những trí thức tự do.

Trong một trường hợp, bộ phận tuyên truyền của đảng ở Nam Ninh, thủ phủ của Quảng Tây, đã xuất bản một tập sách đỏ để giúp mọi người nghiên cứu hệ tư tưởng Tập Cận Bình, “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.”

Nhưng tập sách này lại gợi lên ký ức về “Những câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông,” còn được gọi là “hồng bảo thư”, mà các sinh viên Hồng Vệ Binh cấp tiến ủng hộ Mao trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976) vẫn thường trích dẫn.

Chuỗi hoạt động biểu dương Tập ở Quảng Tây có sự hỗ trợ của một người phụ tá, Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban Tuyên truyền của đảng. Nhưng có lẽ ông đã cố gắng quá mức để ghi điểm với chủ tịch.

Hình ảnh của “hồng bảo thư” hiện không có trên các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc; chúng đã bị xóa sạch.

Người ta tin rằng quan chức hàng đầu phụ trách tư tưởng và tuyên truyền, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, đã nhúng tay vào việc kiềm chế các hành động thái quá, sau khi thảo luận rõ ràng với Tập.

Đây không phải là lần đầu tiên xu hướng nâng cao địa vị của Tập xuất hiện.

Năm năm trước, tại đại hội toàn quốc năm 2017, Thái Kỳ, một phụ tá thân cận của Tập và quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh, đã ca ngợi sếp của mình là một “lãnh đạo thông thái.”

Dù ở thời điểm đó, không có nhiều đảng viên chú ý đến lời nói này, nhưng nhận xét của Thái thực chất là một phần trong quá trình chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp quốc gia vào tháng 03/2018. Bản sửa đổi hiến pháp cuối cùng đã loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức vụ chủ tịch nước Trung Quốc, theo đó mở đường để Tập trở thành lãnh tụ trọn đời.

\"\"/
Tại đại hội toàn quốc lần trước của đảng, Thái Kỳ đã ca ngợi Tập Cận Bình là một lãnh tụ thông thái. © Reuters

Sau khi loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ, một chiến dịch ngắn trong đó ông Tập được gọi là “lãnh tụ của nhân dân” đã xuất hiện vào mùa hè năm 2018.

Nhưng nó đã nhanh chóng bị dỡ bỏ. Ẩn sau bước thay đổi này là sự quan ngại lan rộng của những cán bộ lão thành trong đảng, và các phe phái không chính lưu về sự sùng bái cá nhân; những lời lẽ kiểu này rõ ràng đã bị cấm bởi điều lệ đảng.

Một vòng tròn tương tự đang được lặp lại, nhưng lần này các phụ tá đã nhận thức được rằng nỗ lực nâng cấp và xác lập địa vị của Tập không nhất thiết sẽ tiến triển thuận lợi. Giờ đây, họ lựa chọn một bước đi bất thường.

Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban thư ký phụ trách các công việc của Tập, đã đưa ra một thông báo đanh thép, trong đó yêu cầu các đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu phải cẩn trọng trong phát ngôn trong giai đoạn trước khi diễn ra đại hội đảng. Vào ngày 15/05, phương tiện truyền thông nhà nước đã tiết lộ thông báo này trong mục “sự kiện gần đây.”

Đó là một nỗ lực để bịt miệng những cán bộ lão thành – như các cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và các cán bộ hưu trí khác. Một quan chức thuộc Ban Tổ chức của đảng đã giải thích chi tiết nội dung chỉ thị.

“Họ không được tranh luận về các chủ trương chính trị lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà không có lý do chính đáng … không được truyền bá các quan điểm tiêu cực về chính trị [và] không được tham gia vào các hoạt động tổ chức xã hội bất hợp pháp.”

\"\"/
Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và các cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đến Cổng Thiên An Môn để tham gia một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh vào tháng 10/2019. © Reuters

Ai vi phạm “sẽ bị kỷ luật nghiêm.”

Thông báo xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng, là lời cảnh báo từ chính quyền Tập rằng mọi ý kiến đều sẽ bị theo dõi và kiểm soát – ngay cả ý kiến của các cán bộ lão thành.

Có một cách giải thích là Tập không có lựa chọn nào khác ngoài hành động này, bất chấp nguy cơ tiết lộ cho công chúng về cuộc giằng co ác liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng, với hy vọng lật ngược thế cờ theo hướng có lợi cho ông.

Vào khoảng thời gian thông báo được đưa ra, Tân Hoa Xã và các hãng truyền thông nhà nước khác đã khởi động lại một chiến dịch gắn tên tuổi Tập với chức danh “lãnh tụ của nhân dân.”

Những diễn biến chính trị thay đổi nhanh chóng này cho thấy ‘nghi lễ’ mùa hè thường niên đang đến gần: Mật nghị ở Bắc Đới Hà, khi các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm lắng nghe tiếng nói của những thành viên lớn tuổi đã nghỉ hưu tại một khu nghỉ mát bên bờ biển.

Không biết cuộc họp năm nay sẽ diễn ra như thế nào, khi dịch COVID-19 vẫn còn lan tràn.

Văn phòng Trung ương Đảng – nơi ban hành thông báo yêu cầu các thế hệ đã nghỉ hưu phải biết giữ miệng – được đứng đầu bởi Đinh Tiết Tường, một quan chức được cho là tài cán mà Tập đã gặp trong thời gian ở Thượng Hải.

\"\"/
Đinh Tiết Tường (Ảnh chụp màn hình từ trang web của Nhân dân Nhật báo)

Người ta tin Đinh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại đầy khó khăn của Tập với các cán bộ lão thành của đảng, những người có quan điểm mạnh mẽ. Nếu thành công trong vai trò này, ông có thể mang về cho mình cơ hội thăng tiến, có lẽ là vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Tập vẫn đang hướng tới một danh hiệu trao cho ông sự vĩ đại và nhiều phụ tá thân cận đang cạnh tranh nhau để giúp chủ tịch thành công trong việc đạt được mục tiêu này. Họ đang tham gia vào một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt để có thể sinh tồn. Đương nhiên, họ sẽ được phân thành người thắng và kẻ thua.

Và người sống sót sẽ được quyết định trong những tuần sắp tới.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Bài Liên Quan

Leave a Comment