- Olga Ivshina và Kateryna Khinkulova
- BBC Tiếng Nga
5 giờ trước
Khi chiếc máy bay phản lực Su-25 thuộc thế hệ mới của Nga bị bắn rơi trong biển lửa ở vùng Donbas hồi tháng Năm, nó đã làm dấy lên một loạt nghi vấn quanh cái chết của viên phi công.
Tại sao một người 63 tuổi lại bay được loại phi cơ quân sự tối tân như vậy?
Một người đàn ông nghỉ hưu, đã không còn có mặt trong lực lượng vũ trang Nga từ hơn 10 năm trước, làm gì trên chiếc máy bay?
Tại sao một vị tướng khác của Nga lại mất mạng trong làn đạn? Và chính xác thì bao nhiêu tướng Nga đã tử vong?
Làm sáng tỏ bí ẩn này sẽ cho chúng ta biết rất nhiều điều về điều kiện thực tế của cỗ máy chiến tranh Nga và phí tổn nhân mạng cho cuộc chiến.
\’Phi công với chữ P viết hoa\’
Thiếu tướng Kanamat Botashev từng là một phi công Nga giỏi và được kính trọng, và tuy có cấp bậc cao, tuổi cao và đã nghỉ hưu, ông vẫn trở lại buồng lái vào cái ngày định mệnh đó.
BBC đã nói chuyện với ba thuộc cấp cũ của ông, những người nói rằng ông \”không thể né tránh\” khỏi \”chiến dịch quân sự đặc biệt\” – thuật ngữ mà Nga dùng để chỉ cuộc xâm lược toàn diện của mình đối với Ukraine.
\”Ông ấy là một Phi công với chữ P viết hoa,\” một trong những đồng nghiệp cũ của Botashev nói với chúng tôi. \”Không mấy người trên Trái Đất bị ám ảnh bởi bầu trời như ông ấy.\”
\”Tôi sẽ luôn tự hào vì đã phục vụ dưới quyền ông ấy,\” một người khác nói.
Nhưng thực tế là Botashev việc tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine không chứng tỏ điều đó – mà lý do không phải chỉ bởi tuổi tác của ông.
Thiếu tướng Kanamat Botashev thậm chí còn không phải là một quân nhân đang tại ngũ trong quân đội Nga – ông đã bị sa thải một thập niên trước đó…
Những vị tướng đã chết
Botashev là một trong những vị tướng Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột, và mặc dù con số chính xác bao nhiêu tướng chết còn gây nhiều tranh cãi, nhưng để mất dù chỉ một viên tướng là điều hết sức bất thường trong chiến tranh hiện đại.
Để so sánh, khi Thiếu tướng Hoa Kỳ Harold Greene bị giết bởi một người lính Afghanistan trong cuộc tập kích nội gián hồi năm 2014, cái chết của ông đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 40 năm có một vị tướng bị giết trong chiến đấu.
Ukraine tại một số thời điểm tuyên bố rằng cho đến nay đã có tới 11 tướng Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột, mặc dù một số báo cáo sau đó cho thấy đây là các số liệu sai: ba trong số những người bị Ukraine tuyên bố là đã chết sau đó xuất hiện trong các video đăng trực tuyến, phủ nhận tin họ đã vong mạng.
Hiện có tám vị tướng Nga được báo cáo đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, trong đó bốn người được xác nhận đã chết, còn bốn người khác vẫn chưa (nhưng tin về cái chết của họ cũng không bị bác bỏ).
Ngoài Botashev, ba trường hợp khác được xác nhận đã chết gồm có:
Thiếu tướng Andrey Sukhovetsky được cho là đã thiệt mạng vào ngày 1/3. Một sĩ quan quân đội Nga đã nghỉ hưu viết trên Twitter rằng Sukhovetsky bị bắn bởi một tay súng bắn tỉa Ukraine ở khu vực Hostomel, không xa thủ đô Kyiv.
Thiếu tướng Vladimir Frolov được báo cáo là bị quân đội Ukraine giết vào ngày 16/4 và điều này đã được xác nhận khi có một thông báo về lễ tang của ông xuất hiện tại thành phố St Petersburg của Nga. Chi tiết về cái chết của ông vẫn chưa được tường thuật.
Gần đây nhất, vào ngày 5/6, một phóng viên của nhà nước Nga đăng trên ứng dụng trò chuyện Telegram rằng Thiếu tướng Roman Kutuzov đã bị giết khi đang chỉ huy một cuộc tấn công vào quân Ukraine ở Donbas.
Tại sao chúng ta không biết bao nhiêu tướng Nga đã bị giết?
Câu trả lời đơn giản là người Ukraine không biết chắc còn người Nga thì không nói.
Đối với Nga, những cái chết trong quân đội được coi là bí mật quốc gia ngay cả trong thời bình, và nước này đã không cập nhật số liệu thương vong chính thức ở Ukraine kể từ ngày 25/3, là thời điểm họ nói rằng 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong tháng đầu tiên của cuộc chiến.
Trong một dự án điều tra vẫn đang được tiếp tục thực hiện, dựa vào sử dụng các nguồn mở và việc hỏi chuyện gia đình các binh sĩ Nga, BBC đã tổng hợp một danh sách hơn 3.500 người thương vong, với tên và cấp bậc cụ thể, cho thấy rằng con số thực rất có thể cao hơn thế rất nhiều.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng cứ trong năm quân nhân Nga bị giết thì có một là sĩ quan cấp trung hoặc cấp cao.
Tất cả điều này cho chúng ta biết điều gì?
Tỷ lệ thương vong của sĩ quan cấp cao là rất lớn, nhưng cũng có nghĩa là quân đội Nga có rất đông các sĩ quan cấp cao – tổng cộng khoảng 1.300 người đeo lon cấp tướng, mặc dù nhiều người sẽ không bao giờ được trông đợi là sẽ ở đâu đó gần với tâm điểm của cuộc chiến.
Những người khác không được may mắn như vậy, và một số lượng đáng kể các vị tướng đã phát hiện ra mình có mặt sai chỗ, sai thời điểm.
Điều này có thể là do các sĩ quan cấp cao của Nga được trông đợi sẽ thực hiện các nhiệm vụ và đưa ra các quyết định lẽ ra sẽ do các sĩ quan cấp thấp hơn thực hiện, và điều đó đã đưa họ đến gần chiến tuyến hơn họ tưởng.
Các quan chức phương Tây cũng cho rằng tinh thần binh lính xuống thấp đã buộc quân đội phải tung ra những chỉ huy nặng ký để lên tinh thần trong quân ngũ.
Việc thiếu thốn thiết bị liên lạc cũng được cho là nguyên nhân góp phần gây ra nguy hiểm mà các sĩ quan này gặp phải; người ta cho rằng việc buộc phải sử dụng điện thoại truyền thống khiến họ đến sát với cuộc giao tranh hơn, làm giảm độ an toàn khi hoạt động.
Và cuối cùng, các tường thuật trên truyền thông Hoa Kỳ nói rằng các sĩ quan tình báo quân đội Ukraine đang cố tình nhắm hạ lớp sĩ quan cao cấp Nga bằng cách bắn tỉa hoặc dùng pháo, và Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine về nơi các sỹ quan này có mặt.
Những chuyến bay không được chuẩn thuận
Nhưng tất cả những điều này sẽ hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa học thuật đối với Botashev nếu ông tiếp tục nghỉ hưu. Vậy làm thế nào mà ông ấy lại lọt vào giữa vùng điểm nóng chiến trường như thế?
Sự nghiệp của Botashev không hề suôn sẻ: năm 2012, ông bị sa thải khỏi quân đội sau khi gây tai nạn với một chiếc phi cơ mà ông lẽ ra không được phép bay.
Ông ta đã điều khiển một viên ngọc quý trên vương miện của công nghệ quân sự Nga – chiếc chiến đấu cơ Su-27 tinh vi, phức tạp.
Trong quân đội Nga, quyền lái một loại máy bay phản lực nào đó chỉ có thể được cấp sau nhiều giờ huấn luyện đặc biệt.
Botashev không được phép lái chiếc Su-27, nhưng bằng cách nào đó, ông đã có được quyền lên máy bay. Ông mất kiểm soát đối với chiếc phi cơ khi đang bay, nhưng ông và một đồng nghiệp đã nhảy ra an toàn.
Ông đã sống sót sau \’cuộc đi xui xẻo\’, nhưng biết rằng mình sẽ phải trả giá.
Điều khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn là trên thực tế, đó không phải là lần đầu tiên ông ta lái chiếc máy bay mà ông không được phép điều khiển.
Năm 2011, ông đã lẻn vào buồng lái của một chiếc Su-34 – một loại máy bay phản lực hiện đại khác của Nga mà ông ta không có bằng lái (lần này là một máy bay ném bom) – và bay \’cho vui\’ một cách bất hợp pháp.
Trả nợ
Vào năm 2012, một tòa án ra phán quyết rằng Botashev phải trả cho nhà nước khoảng 75.000 đô la tiền thiệt hại trong vụ tai nạn – mặc dù chiếc phi cơ trị giá hàng triệu đô la. Khi ông qua đời vào tháng trước, ông vẫn còn nợ hơn một nửa số tiền đó, theo một cơ sở dữ liệu nguồn mở của nhà nước.
Botashev bị cách chức và tiếp tục làm việc cho DOSAAF, một tổ chức tình nguyện của nhà nước vốn được ra đời từ thời thập niên 1950. Tổ chức này có liên kết với quân đội và hải quân Nga và nhằm mục đích khuyến khích giới trẻ quan tâm đến tất cả mọi thứ về quân sự.
Khoản hưu bổng quân đội của ông vào khoảng 360 đô la và lương của ông không thể cao hơn mức đó bao nhiêu.
Với thu nhập này, ông sẽ phải vật lộn để trả khoản tiền đáng kể mà ông nợ nhà nước Nga, và có cáo buộc rằng vào thời điểm ông qua đời, Botashev đang làm việc cho một công ty quân sự tư nhân.
Giới chức Nga phủ nhận việc các công ty tư nhân như vậy có bất kỳ mối liên hệ nào với nhà nước Nga.