Thiếu khí đốt Nga, Đức sử dụng nhiều hơn nhà máy điện than

Đăng ngày: 20/06/2022

\"\"
\"\"
Một nhà máy điện than của hãng Đức RWE tại Hamm (Đức). Martin Meissner / AP

Thu Hằng

Ngày 19/06/2022, Đức đã thông qua nhiều biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, sau khi Nga quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Berlin. Trong số các biện pháp này có việc sử dụng nhiều hơn các nhà máy điện than. Đây là bước ngoặt đối với chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz, từng muốn tăng tốc thoát khỏi điện than.

Thông tín viên RFI Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :

« Thật cay đắng, nhưng đây lại là việc cần thiết để giảm bớt tiêu thụ khí đốt », theo nguyên văn thông cáo của bộ trưởng Kinh Tế Robert Habeck, thuộc đảng Xanh. Một dự thảo luật sẽ được đệ trình từ giờ đến mùa hè, cho phép gia tăng sử dụng than đá, nhưng chỉ là tạm thời, để đối phó với tình hình ngày càng khó khăn trên thị trường khí đốt. Cụ thể là phải làm mọi việc để tăng lượng dự trữ cho mùa đông được dự báo là căng thẳng trên thị trường năng lượng.

Việc Nga đã khóa một phần đường ống khí đốt Nord Stream 1 từ vài ngày nay càng gây thêm lo ngại ở trong nước. Khí đốt đến Đức được ưu tiên bổ sung cho các kho dự trữ hơn là để cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện. Nhiệm vụ này sẽ do các nhà máy điện than đảm trách.

Ngoài ra, chính phủ dự kiến tháo khoán 15 tỉ euro từ ngân hàng nhà nước KFW để mua khí đốt từ mọi nguồn khác nhau và cũng nhằm mục đích tích trữ. Hiện giờ các kho mới chỉ trữ được 56%. Tỷ lệ này phải đạt đến 90% từ giờ đến tháng 11 ».

Áo cũng tái khởi động nhà máy điện than

Tương tự như Đức, Áo cũng bị Nga cắt giảm khí đốt và phải tái khởi động một nhà máy điện than. Theo thông báo của chính phủ ngày 19/06, tập đoàn Verbund, nhà cung cấp điện chính ở Áo, sẽ tái khởi động nhà máy điện than ở Mellach (miền nam Áo) để « có thể cung cấp điện từ than trong trường hợp khẩn cấp ». Quá trình này sẽ cần đến vài tháng.

Nhà máy ở Mellach là nhà máy điện than cuối cùng ở Áo, bị đóng cửa vào mùa xuân 2020 sau khi chính phủ Áo muốn loại dần loại năng lượng gây ô nhiễm này và thay thế bằng năng lượng 100% tái tạo từ nay đến năm 2030.

Bài Liên Quan

Leave a Comment