Nhà báo Nga bán huy chương Nobel Hòa bình để giúp người tị nạn Ukraine

  • George Wright
  • BBC News

6 giờ trước

\"Dmitry
Chụp lại hình ảnh,Dmitry Muratov được trao giải Nobel Hòa bình 2021 vì đã đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga

Tổng biên tập người Nga của tờ báo độc lập Novaya Gazeta đã bán đấu giá huy chương Nobel Hòa bình của mình với giá 103,5 triệu đô la (84 triệu bảng Anh).

Ông Dmitry Muratov cho biết tất cả số tiền bán được sẽ dùng để giúp đỡ những người tị nạn cuộc chiến ở Ukraine.

Muratov được đồng trao giải thưởng hòa bình năm 2021 vì bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga.

Novaya Gazeta đã đình chỉ hoạt động vào tháng Ba, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Tờ báo ngưng hoạt động sau khi Moscow tuyên bố bất kỳ ai gọi các hành động của Nga ở Ukraine là \”cuộc chiến\” sẽ phải đối mặt với các khoản phạt nặng hoặc đóng cửa. Điện Kremlin gọi cuộc xung đột là một \”hoạt động quân sự đặc biệt\”.

Heritage Auctions, nơi tổ chức vụ đấu giá, không tiết lộ ai là người thắng.

Hồi tháng Tư, Muratov bị tấn công bằng sơn đỏ trộn acetone trên một chuyến tàu ở Nga. Kẻ tấn công là một người đàn ông, đã hét lên rằng, \”Muratov, cái này dành cho những chàng trai của chúng ta,\” ông nói.

\"Dmitry
Chụp lại hình ảnh,Hồi tháng Tư, Muratov bị tấn công trên tàu khi tàu chuẩn bị rời Moscow đi thành phố Samara

Ông nằm trong nhóm các nhà báo thành lập Novaya Gazeta vào năm 1993 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Kể từ năm 2000, sáu phóng viên của tờ báo và các cộng tác viên đã bị giết liên quan đến công việc của họ, trong đó có phóng viên điều tra Anna Politkovskaya.

Việc bán huy chương ở New York sẽ có lợi cho hoạt động nhân đạo của Unicef dành cho trẻ em Ukraine bị ly tán do cuộc chiến, Heritage Auctions nói trong một tuyên bố.

\”Thông điệp quan trọng nhất ngày hôm nay là để mọi người hiểu rằng có một cuộc chiến đang diễn ra, và chúng ta cần giúp đỡ những người đang phải chịu đựng nhiều nhất,\” Muratov nói trong một video do Heritage Auctions phát hành.

Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm ngoái chung với phóng viên Maria Ressa, nhà đồng sáng lập trang tin trực tuyến Rappler ở Philippines.

Ressa và Muratov đều được biết đến nhiều từ việc công bố các cuộc điều tra có nội dung khiến giới lãnh đạo đất nước họ giận dữ, và hai người đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do báo chí.

Bài Liên Quan

Leave a Comment