Bruxelles và các tổ chức phi chính phủ lo ngại việc nhiều nước châu Âu trở lại với than đá

Đăng ngày: 22/06/2022

\"\"
\"\"
Một nhà máy điện than tại Nochten, Đức. Ảnh chụp ngày 22/03/2022. REUTERS – MATTHIAS RIETSCHEL

Anh Vũ

Việc cả ba nước Đức, Áo và Hà Lan thông báo quay lại sử dụng than đá nhiều hơn để bù vào thiếu hụt nguồn dầu lửa và khí đốt Nga khiến Ủy Ban Châu Âu và các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các tham vọng bảo vệ khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ bị chệch hướng.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhiều cơ quan truyền thông được đăng ngày 21/06, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói : « Chúng ta cần lợi dụng khủng hoảng năng lượng này để đảm bảo tiến lên phía trước, chứ không lùi lại sau về hướng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm ».

Để bù vào thiếu hụt năng lượng do bị Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt, đầu tuần này, Hà Lan quyết định bỏ toàn bộ các hạn chế liên quan đến sử dụng than đá để sản xuất điện. Trước đó, hôm 19/06 , Berlin và Vienna thông báo sẽ phải sử dụng nhiều hơn than đá để bảo đảm nhu cầu năng lượng.

Liên hiệp các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường Réseau Action Climat (RAC) đã đánh giá: « Đây là một sự lựa chọn tồi, hậu quả của nhiều thập kỷ buông lỏng và chậm trễ. Các nước tiếp tục nhắm tới năng lượng hóa thạch hơn là đầu tư đầy đủ cho năng lượng tái tạo ». Theo họ, làm như vậy chỉ là thay thế sự lệ thuộc này bằng một sự lệ thuộc khác.

Trong khi đó, ông Sam Van den Plas, thuộc tổ chức phi chính phủ Carbon Market Watch,  nhận định : « Thách thức là ở chỗ làm sao các nước đó có thể thực hiện được kế hoạch của họ về loại trừ dần điện than, cũng như là lộ trình cắt giảm lượng khí phát thải CO2 khi trở lại với than đá ».

Các nhà bảo vệ môi trường nhấn mạnh giải pháp than đá này chỉ là tạm thời và không để dẫn đến tình trạng bỏ rơi các đầu tư vào năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cắt giảm nhu cầu…Theo các chuyên gia, phải ưu tiên cắt giảm mạnh nhu cầu sử dụng điện bằng các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí hơn nữa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment