22/06/2022
Một tổ chức xã hội dân sự Myanmar vừa tố cáo công ty viễn thông Viettel của Việt Nam thông qua công ty Mytel để theo dõi dân thường và quân nhân, bao gồm việc truy tìm binh sĩ đào ngũ và “tiếp tay” cho chính quyền quân quản gây tội ác đối với người dân Miến Điện.
“Viettel Global Investment đồng lõa với tội ác tàn bạo của quân đội Myanmar, bao gồm tội ác chiến tranh đang diễn ra và tội ác chống lại loài người. Viettel tài trợ cho Mytel và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thiết yếu và hỗ trợ về mặt tổ chức cho Mytel” bà Yadanar Maung, phát ngôn viên của Justice For Myanmar cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn qua email hôm 20/6.
“Sự hỗ trợ của Viettel đã tăng cường khả năng thông tin liên lạc và tình báo của quân đội Myanmar, được quân đội Myanmar sử dụng để chống lại người dân Myanmar, và cung cấp nguồn tài chính cho các cuộc tấn công bạo lực của quân đội”.
Sự hỗ trợ của Viettel đã tăng cường khả năng thông tin liên lạc và tình báo của quân đội Myanmar, được quân đội Myanmar sử dụng để chống lại người dân Myanmar, và cung cấp nguồn tài chính cho các cuộc tấn công bạo lực của quân đội.
Phát ngôn viên Yadanar Maung của JFM trả lời phỏng vấn VOA
“Quân đội Myanmar tham nhũng có hệ thống, với các tướng lĩnh lợi dụng chức vụ để trục lợi, có sự thông đồng của Viettel. Các tài liệu rò rỉ mới nhất cho thấy cách các tướng lĩnh quân đội Myanmar và Viettel tìm cách trục lợi từ binh lính Myanmar, và lạm dụng mạng để giám sát họ, để lại hậu quả khủng khiếp cho những người đào ngũ”, bà Maung cho VOA biết thêm.
Trong một cuộc điều tra mới nhất của Justice for Myanmar (JFM), một phong trào nhằm vạch trần tình trạng áp bức có hệ thống và vi phạm nhân quyền ở Myanmar, tổ chức này cho biết Viettel đã giúp quân đội Myanmar theo dõi thường dân và quân nhân đào ngũ, thông qua việc tham gia điều hành công ty di động Mytel, tên thương hiệu của Telecom International Myanmar – liên doanh giữa Viettel Global Investment (VGI) và hai đối tác Myanmar.
“Mytel… là một trụ cột chính trong mạng lưới kinh doanh của quân đội Myanmar, cung cấp doanh thu, công nghệ và khả năng giám sát”, JFM cho biết trong một thông cáo báo chí.
Tổ chức JFM cho biết các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Mytel đã làm việc với các chỉ huy quân đội để cung cấp số điện thoại tùy chỉnh cho nhân viên bao gồm số ID của họ.
Trong hơn bốn năm qua, Mytel đã tặng miễn phí hàng trăm nghìn thẻ SIM cho quân nhân, cũng như công chức và thành viên của chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trước đây, cho phép quân đội giám sát họ, JFM cho biết trên trang web hôm 14/6.
Báo cáo của JFM ước lượng quân đội Myanmar sẽ kiếm được hơn 700 triệu đôla từ dịch vụ Mytel trong 10 năm qua, sử dụng lợi nhuận để tài trợ cho các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đang tiếp diễn.
Người phát ngôn của JFM cho biết quân đội Việt Nam cũng được hưởng lợi từ cổ phần của họ trong công ty Mytel thông qua quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng dữ liệu quân sự, bao gồm các cơ sở cho tháp điện thoại di động và mạng cáp quang của quân đội Myanmar.
“Để tìm kiếm lợi nhuận, các tướng lĩnh quân đội đã giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quyền truy cập chưa từng có vào các bí mật quân sự, bao gồm dữ liệu nhân sự và quyền truy cập vào các căn cứ quân sự. Đây là dữ liệu thậm chí không có sẵn cho chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo trước đó hoặc quốc hội mà quân đội đã cố gắng loại bỏ. Dữ liệu này bao gồm tên, cấp bậc và ID của nhân viên ở cấp quốc gia, được tổ chức bởi căn cứ quân sự và dữ liệu cuộc gọi cá nhân của phần lớn quân nhân Myanmar”, bà Maung cho VOA biết.
“Trong khi Việt Nam là đồng minh của chế độ quân phiệt Myanmar, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể sử dụng và lạm dụng dữ liệu này nếu muốn, thậm chí vì lợi ích quốc gia của họ,” bà Yadanar Maung viết cho VOA qua email.
Ngoài ra, nhóm truyền thông độc lập Irrawaddy đã tham gia thực hiện cuộc điều tra Mytel của JFM và đã phỏng vấn ông Nyi Thuta, người đã đào ngũ, nói rằng ông từng có một thẻ sim Mytel được mã hóa với số nhận dạng quân nhân của mình.
“Chúng tôi đã sử dụng nó để liên lạc với cấp trên của mình vì ngay cả các cấp chỉ huy cũng sử dụng sim Mytel,” ông nói.
Cựu đội trưởng Nyi Thuta, người đã từ bỏ quân đội sau cuộc đảo chính năm ngoái và hiện đang giúp những người lính đào tẩu thông qua trang Facebook People’s Goal, trước đây gọi là People’s Soldier, cho biết những người lính đang cố gắng đào tẩu đã bị bắt sau khi liên lạc với ông bằng thẻ sim Mytel của họ.
“Hai người lính đã kết nối với chúng tôi qua thẻ SIM Mytel của họ vì họ không thể mua thẻ SIM khác ở tuyến đầu. Sau đó, họ bị bắt khi đang trên đường tới chỗ chúng tôi,” ông Thuta nói.
JFM cảnh báo những người lính muốn đào tẩu không được sử dụng sim Mytel, vì các cuộc trò chuyện của họ có thể bị nghe trộm và danh tính cũng như vị trí của họ dễ dàng bị truy tìm vì số điện thoại của họ được cá nhân hóa với số nhận dạng quân sự của họ.
Sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm ngoái, nhiều binh sĩ và cảnh sát Myanmar đã đào tẩu để tham gia chiến dịch bất tuân dân sự. JFM cho biết những người này vẫn đang bị các cơ quan quân sự theo dõi nhờ vào sự hỗ trợ của các thẻ sim Mytel.
VOA liên lạc công ty Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam, cũng như công ty Mytel để tìm hiểu phản ứng của họ về báo cáo và các phát biểu của JFM, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Khi được hỏi liệu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam và Myanmar đều là thành viên, nên có hành động gì trước sự tiếp tay của công ty Viettel của quân đội Việt Nam đối với chính quyền quân quản Myanmar, bà Maung nói với VOA:
“Nếu ASEAN nghiêm túc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, thì ASEAN sẽ khuyến khích các thành viên chấm dứt kinh doanh với quân đội Myanmar và các tập đoàn của họ, thông qua các lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí. Họ phải bắt đầu với Việt Nam và Thái Lan, những quốc gia có mối liên hệ kinh doanh quan trọng nhất với quân đội Myanmar thông qua ngành viễn thông và khí đốt tự nhiên”.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt sự đồng lõa với quân đội Myanmar một cách bất hợp pháp. Hãy đình chỉ ngay lập tức mọi khoản thanh toán cho chính quyền từ liên doanh Mytel và các doanh nghiệp khác, đồng thời ra lệnh cấm bán vũ khí và trang thiết bị liên quan cho quân đội Myanmar. Việt Nam phải tuân theo các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế”, bà Maung cho biết thêm.
JFM cho biết lợi nhuận của Mytel không nên được quân đội Myanmar sử dụng để mua vũ khí và thiết bị nhằm vào phe đối lập mà nên được sử dụng để phục vụ lợi ích của người dân.
Vào tháng 12/2020, Justice for Myanmar đã công bố các tài liệu cho thấy Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua chuyển giao công nghệ và đào tạo, nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội.
“Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang góp tay vào các hoạt động quân sự ở các vùng dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”, JFM cho biết.
JFM kêu gọi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu ngay lập tức đối với liên doanh Telecom International Myanmar, chủ sở hữu Mytel, cũng như đối với Viettel Global Investment, đồng thời kêu gọi tẩy chay Mytel ngay lập tức để ngăn chặn dòng tiền chảy vào túi quân đội Myanmar.
JFM cũng phát hành một báo cáo trước đó cùng với đồ họa thông tin chi tiết về cách thức Viettel cung cấp hỗ trợ cho mạng cáp quang của quân đội Myanmar và xây dựng các tháp trong các căn cứ quân sự ở nước này.
Liên doanh Mytel với vốn đầu tư 2 tỷ đôla được thành lập từ năm 2016, và hiện Viettel đang nắm giữ 49% cổ phần.
Hôm 20/6, Báo Đầu tư Online dẫn lời ông Nguyễn Đạt, Tổng giám đốc của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (VGI) phát biểu trong buổi họp Đại hội cổ đông thường niên 2022 được tổ chức vào sáng ngày 17/06 rằng Mytel có gần 12 triệu thuê bao và ứng dụng MyID của Viettel ở Myanmar đạt gần 15 triệu người dùng.
“Sau 3 năm chính thức kinh doanh (tháng 10/2019), từ nhà mạng thứ 4 gia nhập thị trường, Mytel đã vươn lên vị trí tương đương số 1 với 38,2% thị phần thuê bao di động, 51% thị phần dịch vụ Internet có dây”, Báo Đầu tư cho biết.
Một báo cáo trước đó của tổ chức JFM công bố chi tiết về sự tham gia của Viettel và các doanh nghiệp quốc tế khác trong lĩnh vực viễn thông Myanmar. Báo cáo này nói rằng “quan hệ đối tác thương mại được thiết lập giữa các doanh nghiệp nước ngoài này và Mytel cho thấy họ đồng lõa với các hành vi lạm dụng của quân đội Myanmar.”
“Các quan chức của tập đoàn Viettel vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng quân sự bí mật, chuyển giao công nghệ quân sự và lưỡng dụng, và hoạt động tại các căn cứ quân sự của Myanmar mà chính phủ dân sự không cho phép tiếp cận,” trang Justice for Myanmar viết.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar, kể từ khi đảo chính vào tháng 2 năm ngoái, hơn 1.900 người kể cả trẻ em đã bị quân đội sát hại, và hơn 11.000 người đang bị giam giữ và thường xuyên bị tra tấn.
Giới chỉ trích cho rằng những khả năng công nghệ này, bao gồm cả công nghệ được chuyển giao từ Viettel, đã mang lại cho quân đội Myanamar quyền lực càn quét để giám sát dân thường và phối hợp hành động nhắm vào những người biểu tình.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời CEO Mytel Nguyễn Tiến Dũng vào đầu tháng 6/2022 cho biết sau bốn năm kinh doanh tại xứ chùa vàng, công ty này đã “xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện với mục tiêu đem lại diện mạo mới cho cuộc sống của người dân, doanh nghiệp Myanmar”.
Ông Dũng nói: “Mytel kỳ vọng người dân sẽ nhận thức rõ hơn rằng chúng tôi là doanh nghiệp quốc tế, đầu tư vào đây hoàn toàn vì lợi ích của người dân, đất nước Myanmar.”